Tháo gỡ vướng mắc, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, nền kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét đòi hỏi nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phục vụ cho mục đích này.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phục vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, nhiều vướng mắc xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc những quy định pháp luật không phù hợp, thiếu tính khả thi, là rào cản cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Cơ chế tài chính chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút được các chuyên gia giỏi là chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ và các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới tạo khác tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên và công nghệ mới nổi mà trong nước còn thiếu hụt nhân lực...
Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết; nhằm tạo cơ sở pháp lý để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Qua đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.
Đề xuất cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ
Tại dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.
Tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, quy định cho phép các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất chính sách ưu đãi đối với nhân lực khoa học và công nghệ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trong đó, quy định miễn thị thực và miễn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao, nhiệm vụ khoa học, công nghệ đặc biệt mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không thực hiện được.
Đề xuất cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định về cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm Khoa học và Công nghệ trong nước.
Trong đó, quy định việc Nhà nước ưu tiên mua sắm sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do doanh nghiệp trong nước tạo ra trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định việc nhà nước hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp thực hiện việc thử nghiệm, kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm khoa học và công nghệ trước khi đưa vào danh mục mua sắm công.
Quy định cơ quan mua sắm công được phép chỉ định thầu đối với sản phẩm khoa học, công nghệ do doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao trong nước sản xuất nhưng chưa có quy trình đấu thầu phù hợp.
Liên quan đến đấu thầu, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định các trường hợp khi mua sắm hàng hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ không phải áp dụng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu, bao gồm:
- Mua sắm khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ thuộc phần kinh phí được giao khoán của nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;
- Mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ của cá nhân, tổ chức tham gia nhiệm vụ khoa học, công nghệ mà không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
- Mua sắm để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thông qua mua trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất quy định các đối tượng được ưu đãi khi lựa chọn nhà đấu thầu, nhà đầu tư: Nhà thầu trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu; nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật.
Bổ sung các khoản chi liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp: các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Đề xuất chính sách ưu đãi về thuế
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường, tại dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất quy định về ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân...
Trong đó nêu rõ: Trung tâm đổi mới sáng tạo được ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp.
Thu nhập của trung tâm đổi mới sáng tạo được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.
Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.