CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

09:03 - 11/05/2023

(Chinhphu.vn) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa gửi Bộ Tư pháp tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP.

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ

 Đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Trong văn bản gửi tới Bộ Tư pháp, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đề xuất số lượng đơn vị thuộc TTCP giữ nguyên 19 đơn vị như hiện nay.

Đồng thời, đề xuất chuyển đổi Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra.

Theo giải trình của TTCP, hiện nay, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra là đơn vị có chức năng giúp Tổng TTCP giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra; kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của TTCP và Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, hoạt động của Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra đã tăng cường ý thức trách nhiệm của các thành viên đoàn thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, do là đơn vị tham mưu, không có tư cách pháp lý độc lập nên hoạt động của Vụ này thiếu tính chủ động, gây khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.

Nhằm tăng cường hiệu quả giám sát đối với hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả thẩm định kết quả thanh tra, xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản vi phạm phát hiện được, TTCP đề xuất chuyển đổi Vụ này thành Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra

Bên cạnh đó, TTCP đề xuất đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thống nhất với quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.

Giữ nguyên 19 đơn vị thuộc TTCP, xóa 11 phòng

Nếu các đề xuất trên được chấp thuận, 19 đơn vị thuộc TTCP sẽ bao gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Văn phòng; Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV); Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra; Ban Tiếp công dân Trung ương; Báo Thanh tra; Tạp chí Thanh tra; Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra; Trường Cán bộ thanh tra; Trung tâm Thông tin.

TTCP khẳng định sẽ không tổ chức cấp phòng trong các vụ: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp để đảm bảo thống nhất với các quy định của Nghị định 101/2020 của Chính phủ.

"Sau khi sắp xếp lại, TTCP sẽ xóa bỏ 11 phòng trong các Vụ hiện nay", tờ trình nêu rõ.