Khoản 1, Điều 66 Luật Quản lý thuế:
Điều 66. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh
1. Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó sửa đổi Luật Quản lý thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 66 về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh và bỏ quy định khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu quả thu nợ thuế, thực hiện thống nhất.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế, "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức và cá nhân, do đó việc tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ thể này như quy định tại khoản 1 Điều 66 là không phù hợp với thực tiễn.
Thêm nữa, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện đối với các chủ thể là cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện theo pháp luật của tổ chức nộp thuế (gồm: chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh), chứ không chỉ áp dụng riêng đối với cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như quy định tại khoản 7 Điều 124.
Khoản 7, Điều 124 Luật Quản lý thuế:
Điều 124. Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
...
7. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 125 về Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo hướng:
(1) Cơ quan thuế chỉ áp dụng biện pháp (kê biên tài sản và biện pháp Thu bên thứ 3) khi đã có đầy đủ thông tin, điều kiện để thực hiện cưỡng chế không bắt buộc phải thực hiện tất cả các đối tượng, giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm trọng điểm có khả năng thu hồi nợ nhằm tăng cường hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế.
(2) Bỏ các quy định mang tính định tính như "một số biện pháp", "không hiệu quả" vì cơ quan thuế khó xác định và thực hiện.
(3) Bổ sung nguyên tắc đối với người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền thuế nợ vào NSNN.
Lý do lựa chọn chính sách
Lý giải về lý do lựa chọn chính sách, Bộ Tài chính cho biết, thực tiễn khó khăn, bất cập của việc áp dụng biện pháp Kê biên tài sản và biện pháp Thu bên thứ 3: Trong quá trình xác minh thông tin thì khó xác định quyền sở hữu tài sản của đối tượng nộp thuế để cưỡng chế hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nộp thuế nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu; Hầu hết tài sản của người nộp thuế đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng hoặc thời gian sử dụng của tài sản thấp; Việc thực hiện rất phức tạp và mất nhiều thời gian, công chức cơ quan thuế không được đào tạo về nghiệp vụ thẩm định giá trị tài sản kê biên;…
Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, thì việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản và biện pháp Thu bên thứ 3 rất phức tạp, khó khăn và phụ thuộc nhiều các đơn vị liên quan, do đó, cơ quan thuế không có đủ nguồn lực để kịp thời thực hiện tất cả các đối tượng bị cưỡng chế.
Các quy định mang tính chất định tính như "một số biện pháp", "không hiệu quả" nên cơ quan thuế rất khó xác định và thực hiện; chưa có nguyên tắc đối với người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì có thể lựa chọn áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế phù hợp trong 7 biện pháp cưỡng chế để kịp thời thu tiền nợ thuế cho ngân sách nhà nước. Theo đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 125 để khắc phục vướng mắc, bất cập nêu trên.