Sáng nay (28/10), Quốc hội tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tiến
Tại Phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thống nhất với các ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu; đồng thời tranh luận với ĐBQH Hoàng Văn Cường về việc không tăng giá đặt cọc...
Theo đại biểu Dương Văn Phước giá đấu giá là không thực chất thì nó trở thành là công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và chúng ta cần phải nghiêm trị.
Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi đối với thị trường bất động sản, đại biểu Dương Văn Phước đưa ra giải pháp là cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc.
Ngoài ra, cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực. Ví dụ như là đấu giá vật liệu xây dựng thì chúng ta không cho họ đấu giá nữa. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được các trường hợp bỏ cọc.
Nếu người đó bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bỏ cọc bằng tài sản tương đương giá trị đấu giá
Tranh luận với đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn Quảng Nam về lí do vì sao không nên tăng phí đặt cọc, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định từ 5%-20%.
“Chẳng hạn như, giá bất động sản ban đầu là 10 tỷ thì phí đặt cọc là 2 tỷ, không phải ai tham gia đấu giá thì đều được mua bất động sản đó ngay, 10 người tham gia thì chỉ được 1 người mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó đã tạo ra cản trở tâm lý nên rất ít người tham gia đăng ký mua”, đại biểu phân tích.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên tăng phí đặt cọc mà cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá.
Đại biểu nêu rõ, nếu người mua có thể minh chứng tài sản thông qua việc sao kê tài khoản ngân hàng hoặc thông qua các bất động sản như sổ đỏ, nếu người đó bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bỏ cọc bằng tài sản tương đương giá trị đấu giá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với cách làm như vậy thì sẽ đạt được lợi ích: Những người không có tiền mà tham gia đấu giá chỉ nhằm mục tiêu mua đi - bán lại thì không có đủ điều kiện để minh chứng và không tham gia đấu giá được. Còn những người mua bất động sản để dùng thì họ sẽ chứng minh được ngay và chúng ta xác định được những người đấu giá đúng thực chất. Còn đối với những người trả giá cao mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý tài sản đó với giá trị rất lớn, qua đó ngăn chặn được tình trạng bỏ cọc như thời gian qua.
Qua những phân tích nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định này phải làm trước khi minh chứng được hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện và có đủ thời gian để người tham gia đấu giá chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá có thể kiểm soát. Do đó, ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường đồng nhất với ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước về ngăn chặn việc bỏ giá cao và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bỏ cọc.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Dương Văn Phước bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, tuy nhiên riêng về vấn đề liên quan đến tiền đặt cọc, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp và cần phải có giải pháp nhằm lập lại trật tự trong đấu thầu, tăng khả năng kiểm soát của Nhà nước, hạn chế được tình trạng đầu cơ, trục lợi trong quá trình đấu thầu.
Về việc xác định năng lực của nhà thầu, đại biểu cho rằng, việc này chỉ có thể thực hiện được ở lần đấu giá đầu tiên, còn ở các lần sau đó thì giá đã tăng lên rất cao, không thể dựa vào thời điểm ban đầu để đánh giá năng lực.