TIẾP TỤC CẬP NHẬT...
Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích
Sau thời gian nỗ lực của các lực lượng chức năng, vào lúc 2h02, ngày 20/7, con tàu Vịnh Xanh 58 mang biển kiểm soát QN-7105 đã được trục vớt và lai dắt vào bờ để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Theo TTXVN, đến thời điểm hiện tại tổng số nạn nhân được tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là 47 người. Trong đó có 10 người được cứu sống; 37 người tử vong (trong số này có 4 nạn nhân đang tiếp tục được xác minh danh tính).
Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, tính đến 7h sáng 20/7, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 người gồm hành khách và thuyền viên trong vụ đắm tàu du lịch xảy ra vào chiều 19/7 trên Vịnh Hạ Long.
Trong đó, 10 người còn sống và 35 người tử vong. Đến 8h sáng nay, cơ quan chức năng đã hoàn tất thủ tục, bàn giao 30 nạn nhân tử vong để gia đình đưa thi thể người thân về quê an táng. Tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ kinh phí và xe để các gia đình đưa nạn nhân về quê.
Hiện vẫn còn 4 người đang mất tích.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quảng Ninh đã huy động 4 tàu lớn cùng các lực lượng chủ lực đến hiện trường để hỗ trợ công tác trục vớt và lật tàu.
Đúng 0 giờ, ngày 20/7, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh quyết định lật tàu để tìm kiếm người bị nạn. Trong quá trình lật nổi tàu đã tìm thấy thêm 4 thi thể nạn nhân (trong đó có 1 người được xác định là thuyền trưởng).
Khoảng 1 giờ 36 phút, con tàu được lật ngửa trở lại, lực lượng chức năng đưa con tàu nổi 1 nửa lên khỏi mặt nước và tiến hành tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt trong tàu, cũng như bơm hút nước để tàu nổi hẳn lên để lai dắt về bờ.
Song song với việc trục vớt tàu, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm với mục tiêu không bỏ sót bất kỳ nạn nhân nào ngay trong đêm.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh sáng 20/7 cho biết, tàu đã được lai dắt về bờ, các lực lượng vẫn tiếp tục chia thành 25 mũi để tìm kiếm các nạn nhân xấu số còn lại.

Lực lượng chức năng tiến hành các phương án chuẩn bị lật tàu tìm kiếm người bị nạn.
Cố gắng tìm kiếm hết các nạn nhân, cẩu, lai dắt tàu gặp nạn vào bờ ngay trong đêm
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 115/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ đắm tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại tỉnh Quảng Ninh.
Nội dung công điện như sau: Tiếp theo Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, để bảo đảm khẩn trương, hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ các nạn nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động mọi phương tiện, lực lượng, thiết bị cần thiết và huy động sự tham gia của nhân dân để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong thời gian sớm nhất, quyết tâm cao nhất, cố gắng tìm kiếm hết các nạn nhân, cẩu, lai dắt tàu gặp nạn vào bờ ngay trong đêm nay, trước khi bão số 3 ảnh hưởng đến vùng biển nước ta.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên thân nhân các gia đình người bị nạn, hỗ trợ tổ chức tang lễ chu đáo cho các nạn nhân, bố trí điều kiện y tế tốt nhất để cứu chữa người bị thương.

Lực lượng người nhái của Quân chủng Hải quân đang chằng níu mạn tàu để chuẩn bị lật tàu lại vị trí ban đầu. Có 1 tàu lai dắt và 3 tàu cẩu, kéo đã được huy động.
Tiến hành lật tàu, tìm kiếm người mất tích
Nhận định khả năng vẫn còn nạn nhân mắc kẹt trong khoang máy của con tàu bị đắm, 23h30 phút ngày 19/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo phương án lật tàu, yêu cầu lực lượng chức năng triển khai thao tác lật tàu để tìm kiếm người bị nạn.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động 4 tàu lớn đến hiện trường để hỗ trợ công tác trục vớt và lật tàu.
Lực lượng thợ lặn đã hoàn tất việc tìm kiếm quanh thân tàu, di chuyển ra ngoài và đang tiến hành buộc dây chuyên dụng để chuẩn bị lật tàu.
Song song với việc lật tàu, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm với mục tiêu không bỏ sót bất kỳ nạn nhân nào ngay trong đêm.

Các lực lượng chức năng nỗ lực triển khai công tác tìm kiếm, xác định số nạn nhân còn mất tích, đồng thời nghiên cứu phương án lật tàu trở lại - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chạy đua với thời gian tìm kiếm người mất tích
Trao đổi tại hiện trường vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng cho biết cùng với lực lượng địa phương triển khai từ đầu, các lực lượng từ Trung ương, Quân khu 3, Quân đội, Công an đã vào cuộc.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chạy đua với thời gian, tập trung xác định có còn người còn sống hay không; tìm hết người bị mất tích; triển khai đơn vị người nhái hải quân hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân ngay trong tối 19/7.
Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông khẩn trương mở rộng phạm vi tìm kiếm những người còn mất tích; rà soát lại tàu lần cuối trước khi thực hiện phương án lật thuyền; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các lực lượng, không để chồng chéo, "dẫm chân lên nhau".

Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng lưu ý, các phương tiện kỹ thuật phục vụ phải luôn sẵn sàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP. Hà Nội có chính sách hỗ trợ các gia đình nạn nhân, đồng thời lo hậu sự chu đáo nhất.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức điều trị, chăm sóc y tế chu đáo cho những người được cứu sống; tổ chức nơi ăn ở cho thân nhân người bị nạn; đồng thời kịp thời thông tin minh bạch, chính xác đến người dân và dư luận.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP
Công tác cứu hộ, cứu nạn đang được tiến hành khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao. Ưu tiên cao nhất hiện nay là cứu những người còn sống, đồng thời đảm bảo tìm kiếm những người đang mất tích càng sớm càng tốt, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Những người đã được cứu sống đang được chăm sóc sức khỏe. Đối với những nạn nhân thiệt mạng, công tác chuẩn bị nhận diện thi thể được thực hiện chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thân nhân đến nhận người thân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi lực lượng cứu hộ cứu nạn triển khai phương án trục vớt tàu - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Đến 1h10' sáng ngày 20/7, trong quá trình tiến hành trục vớt con tàu bị nạn, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm 2 thi thể nạn nhân.
Đến khoảng 2h sáng, các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã cơ bản lật lại tàu, tiến hành lai dắt về bờ.
Trong quá trình lật lại tàu, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy một số thi thể, hiện đang chờ xác minh danh tính.

Các lực lượng chức năng triển khai phương án trục vớt tàu - Ảnh: VGP/Minh Khôi

4 tàu lớn được huy động đến hiện trường để thực hiện công tác lật tàu tìm kiếm.
Lý giải nguyên nhân gây dông lốc trên vịnh Hạ Long chiều 19/7
Đêm 19/7, lý giải về nguyên nhân gây mưa dông xảy ra trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chiều 19/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủ y văn Quốc gia thông tin, chiều 19/7/2025 ở khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi có dông mạnh, lốc xoáy và gió giật mạnh, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Một số nơi có gió giật mạnh như: trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) 16m/s (cấp 7), trạm Bãi Cháy (Quảng Ninh) 26m/s (cấp 10), trạm Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) giật 18m/s (cấp 8);…
Nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều 19/7 ở Bắc Bộ và vịnh Bắc Bộ, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ, gây mưa dông mạnh.
Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems – MCSs trong vùng nhiệt đới) là những tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Siêu dông có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn dông đơn lẻ.

Đối với công tác dự báo, Cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo hệ thống quan trắc và thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh, sóng lớn và các thiên tai đi kèm.
Cụ thể, Cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và các thiên tai đi kèm; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động cho Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự các cấp, các cơ quan liên quan và nhân dân biết để chủ động phòng tránh, truyền tải thông tin đa dạng trên nền tảng công nghệ số và cung cấp kịp thời cho các cơ quan truyền thông theo đúng quy định.
Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn đảm bảo hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ và kịp thời các yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Trong bản tin dự báo thời tiết biển cho ngày và đêm 19/7/ 2025 (phát hành lúc 4h30), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã dự báo vùng biển vịnh Bắc Bộ ngày có mưa rào và dông vài nơi; đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định về dự báo, cảnh báo, ban hành và truyền tin dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ kịp thời, đầy đủ đến các địa chỉ theo quy định.
Cụ thể, qua theo dõi ảnh radar thời tiết, khi phát hiện có mây đối lưu đang phát triển, Đài đã ban hành 2 bản tin vào lúc 11 giờ 45 và 13 giờ 30 ngày 19/7, đặc biệt, tại bản tin phát lúc 13 giờ 30 Đài đã cảnh báo có mưa rào và dông cho các phường, xã trong tỉnh, trong đó có phường Hạ Long.
Ngoài ra, trong bản tin dự báo, cảnh báo hải văn thời hạn đến 10 ngày phát lúc 15 giờ 30 chiều ngày 18/7, Đài đã dự báo cho ngày 19/7 ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong đó có dự báo cho vùng biển Bãi Cháy bao gồm cả vùng biển khu vực Vịnh Hạ Long ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa rào, dông và dự báo biển động.

Đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trao hỗ trợ cho nạn nhân bị thương vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Tập trung tối đa điều trị cho nạn nhân
Tối 19/7, Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin vụ lật tàu du lịch tại Quảng Ninh, Cục đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời người bị nạn.
Nhằm tổ chức cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận các nạn nhân và tập trung tối đa nhân lực, chuyên môn, phối hợp với các bệnh viện, chuyên gia đầu ngành để hội chẩn, điều trị kịp thời cho những nạn nhân của vụ tai nạn.
Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện thì khẩn trương chuyển người bệnh kịp thời đến bệnh viện có cấp chuyên môn cao hơn hoặc cấp chuyên sâu để điều trị tốt nhất cho các nạn nhân bị thương, hạn chế tối đa người bệnh tử vong.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu kịp thời các nạn nhân, đồng thời quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà người bệnh vượt qua khủng hoảng.
Sở Y tế tiếp tục báo cáo cập nhật diễn biến công tác cứu chữa người bị nạn và ý kiến đề xuất (nếu có) về Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
* Ngay trong đêm 19/7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã đến thăm hỏi, động viên nạn nhân đang cấp cứu, hồi sức tại bệnh viện.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm cứu nạn vụ ĐẮM TÀU TẠI VỊNH HẠ LONG
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19/7 chỉ đạo khẩn trương cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ đắm tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ điện: Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Về việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh (20°52'24"' N-107°04'30"E, phía Đông của Hang Đầu Gỗ) vào hồi hồi 15h30 ngày 19 tháng 7 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị nạn và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong;
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cử Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Để kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn.
Điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động.
2. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức theo dõi công tác tìm kiếm cứu nạn, kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của các Bộ, địa phương theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương triển hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, thông báo cho tàu, thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản tàu bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
4. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hỗ trợ người và phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ và các trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu nhanh nhất việc tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các du khách và thuyền viên gặp nạn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đắm tàu du lịch mang số hiệu QN-7105 trên Vịnh Hạ Long do giông lốc bất ngờ chiều 19/7, tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các du khách và thuyền viên gặp nạn.
Tại cuộc họp tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng đã nghe các lực lượng báo cáo tình hình triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, Tỉnh đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế cứu hộ, cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”, huy động toàn bộ lực lượng quân đội, công an, biên phòng, y tế, cứu hộ địa phương, người dân cùng các phương tiện hiện có để tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn ngay lập tức.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập sở chỉ huy tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp, xuyên suốt công tác ứng cứu.
Tính đến 21h30, các lực lượng chức năng đã cứu được 10 người, đồng thời vớt được 29 thi thể nạn nhân.
Cùng với các lực lượng tại chỗ, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Quân chủng Hải quân đã phối hợp triển khai thêm các lực lượng hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chạy đua với thời gian, tập trung xác định có còn người còn sống hay không; tìm hết người bị mất tích; triển khai đơn vị đặc công nước hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân ngay trong tối 19/7 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Triển khai đơn vị đặc công nước hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân ngay trong tối 19/7
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chạy đua với thời gian, tập trung xác định có còn người còn sống hay không; tìm hết người bị mất tích; triển khai đơn vị đặc công nước hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân ngay trong tối 19/7.
Phó Thủ tướng lưu ý, các phương tiện kỹ thuật phục vụ phải luôn sẵn sàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức điều trị, chăm sóc y tế chu đáo cho những người được cứu sống; tổ chức nơi ăn ở cho thân nhân người bị nạn; đồng thời kịp thời thông tin minh bạch, chính xác đến người dân và dư luận.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân, bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người.
Đồng thời, bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho gia đình nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người.
Sẻ chia những mất mát với gia đình người bị nạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.

Đẩy nhanh công tác tìm kiếm cứu nạn trong đêm
Dự báo bão số 3 (bão WIPHA) có khả năng ảnh hưởng đến Quảng Ninh, việc tìm kiếm cứu nạn cần phải được triển khai nhanh chóng ngay trong đêm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, hiện công tác cứu hộ cứu nạn vụ việc đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long vẫn đang rất khẩn trương.
Khoảng 30 thợ lặn đã được huy động tham gia tìm kiếm, gồm các lực lượng: Cấp cứu mỏ - TKV, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn (PCCC&TKCHCN); Phòng Cảnh sát PCCC&TKCHCN (Công an tỉnh Quảng Ninh); Ban Quản lý Vịnh Hạ Long…

Lực lượng đặc công nước đang tích cực rà soát, khảo sát, triển khai nhanh các biện pháp tìm kiếm toàn bộ người bị nạn trong đêm.
Các lực lượng liên quan triển khai phao quây chống tràn dầu; xác định dòng chảy để khoanh vùng phạm vi tìm kiếm.
Lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện theo hướng gió để tìm kiếm người mất tích trên vùng biển…



Các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm người bị nạn trong vụ đắm tàu trên Vịnh Hạ Long.

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường.
Huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn cấp cứu nạn, cứu hộ vụ đắm tàu
Theo thông tin ban đầu, vào 12h55' ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105 chở khách du lịch tham quan tuyến 2 (hang Sửng Sốt - đảo Ti Tốp) trên Vịnh Hạ Long, trên tàu chở 48 khách du lịch và 5 thuyền viên. Đến 13h30’ cùng ngày tàu gặp giông bất ngờ, đến 14h05’ thì mất kết nối tín hiệu GPS.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN và PTDS ) đã chỉ đạo, phân công đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh; đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các lực lượng chức năng nhanh chóng đến hiện trường nơi xảy ra vụ việc để tổ chức tìm kiếm cứu nạn.


Tỉnh tổ chức huy động tối đa lực lượng, phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Vùng 1 Hải quân, các đội thợ lặn chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh với phương tiện chuyên dụng trên biển và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn tại chỗ của địa phương phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Các cơ sở y tế sẵn sàng hỗ trợ và xử lý các tình huống khi tìm kiếm được nạn nhân.
Sở chỉ huy được thành lập gồm: Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, UBND tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2 – Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.


Các lực lượng chức năng tiếp tục cứu hộ tàu bị đắm.
Đến 18 giờ 30, ngày 19/7/2025, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 17 người (11 người sống và 6 người tử vong), trong đó 1 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Các nạn nhân đã được đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích trên biển còn lại; tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ lật tàu; khắc phục sự cố, động viên thân nhân bị nạn theo đúng quy định.
Thông tin về vụ việc, báo Quân đội nhân dân cho biết, đến 19 giờ 40 phút, các lực lượng đã vớt được 9 thi thể nạn nhân. Lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được cụ thể tổng số người trên tàu khi gặp nạn.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường cho biết, công tác tìm kiếm cứu nạn đang diễn ra rất gấp rút, tuy nhiên gặp khó khăn vì trời về đêm.

Quang cảnh hiện trường
Quân chủng Hải quân khẩn trương điều động tàu đi tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ đắm tàu du lịch tại Quảng Ninh
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Quân chủng Hải quân thành lập sở chỉ huy và khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đi tìm kiếm cứu nạn.

Chuẩn Đô đốc Vũ Văn Nam, Tư lệnh Vùng 1 triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn
Lúc 18 giờ cùng ngày, các Tàu 984, 968, 285 và xuồng 1163, 1606 cuả Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân và Tàu quân y của Đoàn 22 Hạ Long (Cục Chính trị Hải quân) đã khẩn trương cơ động ra hiện trường phối hợp với các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích.

Đại tá Phạm Văn Chưởng chỉ huy Tàu quân y tìm kiếm các nạn nhân trên tàu du lịch QN 7105
Đại tá Phạm Văn Chưởng, Đoàn trưởng Đoàn 22, người trực tiếp chỉ huy tàu quân y cho biết: Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt, mang tính nhân đạo và cấp thiết.
Từng phút giây đều quý giá với những nạn nhân, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để tìm kiếm và hỗ trợ y tế kịp thời cho các nạn nhân.
Trước đó, các lực lượng khác đã cứu được 10 người, vớt được 3 thi thể nạn nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn
Hiện các phương tiện của Hải quân đã tiếp cận vị trí tàu bị lật tiến hành tìm kiếm. Lữ đoàn Đặc công 126 điều động 21 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn; Lữ 170 đã cử một xe cứu thương, y sĩ của đơn vị trực tại cảng Quốc tế Hạ Long sẵn sàng cấp cứu người bị nạn khi được đưa vào bờ.

Hiện trường vụ đắm tàu trên khu vực Vịnh Hạ Long.
Khẩn cấp cứu hộ, cứu nạn vụ đắm tàu trên Vịnh Hạ Long
Thông tin ban đầu về vụ đắm tàu, Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào khoảng 13h45 chiều nay (19/7), do giông lốc bất ngờ, tại khu vực gần hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long đã xảy ra vụ đắm tàu du lịch mang số hiệu QN-7105.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh gồm Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy cùng các đơn vị chức năng của địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, nỗ lực triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng cứu.

Đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách và thuyền viên.
Ưu tiên cao nhất là bảo đảm an toàn cho du khách, thuyền viên
Đồng thời giao đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, có mặt trực tiếp tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách và thuyền viên.
Đến thời điểm này, công tác cứu hộ đang được khẩn trương triển khai, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và du khách.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Quyết Tiến trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ người gặp nạn.
Thông tin về vụ việc, TTXVN cho biết: Đến 17 giờ 45 phút, đã cứu được 10 người, gồm cả khách và thuyền viên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cứu 7 người, tàu dân cứu 3 người) trong vụ đắm tàu trên Vịnh Hạ Long.
Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng đã vớt được 3 thi thể nạn nhân.

Các phương tiện cứu hộ, cứu nạn được huy động tối đa để tìm kiếm.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và sẽ triển khai tìm kiếm cứu nạn trong đêm.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai phối hợp với các lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh triển khai 5 kíp tàu, xuồng và 35 cán bộ, chiến sĩ do Đại tá Trần Văn Thanh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng chỉ huy tiến hành tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.
Hiện Quân chủng Hải quân đã thành lập sở chỉ huy và cử 03 tàu, 02 xuồng và 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Các phương tiện của Hải quân đã tiếp cận vị trí tàu bị lật.

Quân chủng Hải quân đã thành lập sở chỉ huy và cử 03 tàu, 02 xuồng và 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Hình ảnh: Lực lượng chức năng khẩn cấp cứu nạn, cứu hộ vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long








Lực lượng chức năng khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.


Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn.



Thợ lặn được huy động tiếp cận từ nhiều hướng cứu nạn tàu bị đắm.

Phương tiện của Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp cận hiện trường.

Phương tiện của Cảnh sát PCCC và CNCH nỗ lực tiếp cận hiện trường để cứu nạn.

Nhiều phương tiện được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Một số du khách may mắn được cứu nạn.




Du khách được cứu nạn đưa về bờ an toàn. Ảnh CAND


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bám sát hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và động viên các lực lượng làm nhiệm vụ.