Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung 03 nội dung mới (Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng BHXH và Đầu tư quỹ BHXH).
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.
Cụ thể: Luật BHXH năm 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 20 đến Điều 24), trong đó quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ;
Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.
Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện, dự thảo Luật kế thừa quy định việc tổ chức thực hiện như hiện hành, cụ thể: Trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo sẽ do các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi; Trợ cấp hàng tháng do quỹ BHXH đảm bảo sẽ do cơ quan BHXH thực hiện.
Chính sách an sinh ngày càng tiến bộ, nhân đạo, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân
Thảo luận tại Tổ vào chiều ngày 2/11 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bày tỏ nhất trí với quy định bổ sung trong dự thảo luật về trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Người cao tuổi những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội,... được hưởng khoản trợ cấp theo Luật Người cao tuổi.
Rất nhiều lần các Đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri, nhiều người cao tuổi đề nghị hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xuống dưới 80, có thể là 75 tuổi và nếu được là 70 tuổi.
“Việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để trợ cấp đối với những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, có trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được hưởng là quy định rất tiến bộ và cũng đáp ứng được mong mỏi của cử tri và thể hiện chính sách an sinh ngày càng tiến bộ, nhân đạo, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân...”, đại biểu biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh.
Đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc bổ sung quy định thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28, đồng thời là một trong những giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tuy nhiên, để đảm bảo quy định khả thi trong thực tế triển khai, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước, nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.
Đồng thời, cân nhắc việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và đối với chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.