Cử tri tỉnh Đắk Lắk: Cử tri và Nhân dân đang lo lắng về tình trạng tội phạm lừa đảo ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dưới sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, như: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố người nước ngoài sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan Nhà nước (Tòa án, Viện kiểm sát, Công an...) hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ công (ngân hàng, bảo hiểm, nhà mạng...) để lừa đảo, gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Đề nghị có giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này.
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Trong những năm gần đây, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để hoạt động diễn biến phức tạp. Các đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết; phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc, trao đổi ngoài đời thực.
Đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nhắn tin, gọi điện qua điện thoại, qua mạng xã hội diễn ra rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đồng thời thường xuyên thay đổi để đối phó với cơ quan chức năng.
Điển hình là khi chúng ta thực hiện chủ trương chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, làm sạch "Sim rác" để hạn chế tội phạm lừa đảo, thì các đối tượng lại lợi dụng chính chủ trương này để mạo danh cơ quan quản lý nhà nước, nhân viên các nhà mạng, ngân hàng gọi điện để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để chiếm đoạt "Sim" điện thoại của nạn nhân, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội... để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và như cử tri phản ánh. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của loại tội phạm này, việc phát hiện, xử lý là rất khó khăn.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành Công an xây dựng, đăng tải hàng trăm phóng sự cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đề nghị các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt gửi tin nhắn tuyên truyền người dân chấp hành các quy định của pháp luật.
Tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Năm 2024, lực lượng Công an phát hiện, xử lý hơn 7.866 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (có hơn 4.100 vụ lừa đảo trên không gian mạng) - theo mốc thống kê số liệu của Quốc hội). Kết quả đấu tranh đã góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh trấn áp tội phạm
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng bám sát các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh trấn áp tội phạm, cụ thể:
(1) Phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền định hướng dư luận, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng, trên các trang mạng xã hội (đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về các phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.
Phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn đến các thuê bao di động cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các phương thức hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
(2) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên không gian mạng; thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030", nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ "Sim rác", xác thực tài khoản ngân hàng, xác thực sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet, hạn chế các trường hợp sử dụng vào mục đích hoạt động lừa đảo; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm.
(3) Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; thông báo toàn quốc số điện thoại đường dây nóng (0692.345.860) của Cục Cảnh sát hình sự là đầu mối tiếp nhận tin báo, tố giác của người dân về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp nhanh, "khẩn cấp" truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(4) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là chia sẻ xác minh thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia và các quốc gia có liên quan trong hợp tác đấu tranh chuyên án chung đối với các đối tượng lợi dụng địa bàn nước ngoài để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân trong nước.