CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chuyên gia kiến nghị các giải pháp tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

05:00 - 19/06/2023

(Chinhphu.vn) - Thay vì ưu đãi về thuế TNDN không còn giá trị, Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ phù hợp các khoản chi phí đầu tư, đào tạo lao động, chi phí nghiên cứu và phát triển, xây dựng nhà ở cho người lao động, hỗ trợ tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cho nhóm doanh nghiệp FDI đang hoạt động và nhóm doanh nghiệp FDI sẽ hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên gia kiến nghị các giải pháp tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Nguyên Tổng cục trưởng,Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ cần sáng suốt, mềm mỏng nhưng kiên định trước những đòi hỏi về ưu đãi chính sách của các nhà đầu tư nước ngoài trước việc chúng ta thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sao cho phù hợp với thực tiễn ngân sách Nhà nước.

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc chúng ta phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 

Trong thế giới phẳng, toàn cầu hóa kinh tế; với các biến cố diễn ra liên tiếp dẫn đến kinh tế thế giới đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và gia tăng toàn cầu hoá dịch vụ, điều này định hình lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới.

Trong bối cảnh đó, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế giữa các quốc gia và chống thất thu thuế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã khởi xướng và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận để phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận nhằm đảm bảo tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.

Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá, qua đó góp phần tăng thu ngân sách.

Cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu gây áp lực, nhưng quan trọng là tạo cơ hội, thúc đẩy chúng ta phải cải cách, hoàn thiện khung pháp lý của hệ thống thuế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tạo niềm tin, tăng cường hội nhập và nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc chúng ta phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng xóa bỏ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) bằng các giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề với mức lương cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đây là các yếu tố quan trọng để nâng cao năng xuất lao động của nền kinh tế.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) về thuế TNDN không bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ số tiền ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI hiện tại sẽ được chính phủ các quốc gia sở hữu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thu về ngân sách của họ. Còn nếu áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây sẽ là yếu tố dẫn đến đổi mới thu hút dòng vốn FDI, tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian tới.

Chuyên gia kiến nghị các giải pháp tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 2.

 Tác động của thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đến doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Tại thời điểm 31/12/2021, nền kinh tế nước ta có 22.609 doanh nghiệp FDI đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Tài chính, hiện nay có 1.015 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó có trên 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này từ năm 2024. 

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ thu thêm được phần thuế chênh lệch trong năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Khi đó, các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn tác dụng, đặt ra thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Tổng cục Thuế, hiện có 335 dự án FDI tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, khi đó các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng không được hưởng lợi vì phần chênh lệch này cũng sẽ bị chính phủ của các quốc gia sở hữu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thu về ngân sách của họ. 

Trước thực tế này, các doanh nghiệp FDI sẽ không quan tâm liệu Chính Phủ Việt Nam có áp dụng hay không thuế tối thiểu toàn cầu, họ sẵn sàng nộp thuế TNDN với tỷ lệ 15% nhưng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, các chính sách ưu đãi thuế TNDN chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế.

Các doanh nghiệp FDI thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí đầu tư phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển. 

Theo đó, những doanh nghiệp này cần các hình thức ưu đãi trực tiếp như ưu đãi hỗ trợ về chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, để khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra thách thức trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. 

Đồng thời, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. 

Bên cạnh đó, khi áp dụng có thể phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Thách thức xuất hiện khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là có, vì bất kỳ một vấn đề gì mới xuất hiện đều mang đến thách thức. Tôi nhận thấy, Chính phủ đã xác định khi thách thức xuất hiện, điều đó là tốt bởi vì chúng ta sẽ phát huy tối đa năng lực khi bị thách thức. 

Nếu chúng ta không thừa nhận, không đưa ra và đương đầu với thách thức mà chỉ tuyên truyền các cơ hội và thành tích để cùng vui, tự mãn, đó là kiểu "ru ngủ" - mà cổ nhân đã dạy, "Đời người có một gang tay - Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang". 

Tác động của thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đến dòng vốn FDI tại Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Trong những năm qua, ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, dòng vốn FDI của thế giới suy giảm nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI.

Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm:

Một là môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào;

Hai là tình hình chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài;

Ba là môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư - điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao;

Bốn là chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư;

Năm là môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện;

Sáu là Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư, tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài;

Bảy là lực lượng lao động trẻ, dồi dào, với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 23,6%. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường lao động trong khu vực;

Tám là vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu, là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. 

Cùng với 8 nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và chi phí lao động ngày càng cao ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi quyết định đầu tư vào quốc gia này, càng làm tăng sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư tiềm năng.

Rõ ràng, hiện nay chính sách ưu đãi thuế TNDN không có nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, khó lường, bất ổn về địa chính trị và địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các siêu cường. Sức hút của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài là các nhóm lợi thế nêu trên, cùng với nâng cao cơ sở hạ tầng sản xuất, giao thông và logistic.

Chuyên gia kiến nghị các giải pháp tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 3.

Lý do quyết định đầu tư của Tập đoàn Lego đáng để Việt Nam nghiên cứu, định hướng cho kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Quyết định của Tập đoàn Lego khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương ngày 3/11/2022 là minh chứng cho việc Tập đoàn không quan tâm đến ưu đãi thuế TNDN. 

Vào thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, Tập đoàn Lego biết rất rõ Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Lý do Tập đoàn Lego quyết định đầu tư không xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy Việt Nam có cam kết rất mạnh về thực hiện Cop26; Việt Nam nằm ở châu Á, nơi có tỷ lệ trẻ em cao, là thị trường đầy tiềm năng, qua đó Tập đoàn có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của khu vực; đồng thời Việt Nam có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu. 

Hơn nữa, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua với hạ tầng phù hợp trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế, đảm bảo cho tầm nhìn phát triển của Lego tại nhà máy trong 20 năm tới. Không chỉ xây dựng nhà máy và bán sản phẩm, Lego đầu tư tại Việt Nam với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tập đoàn Lego Việt Nam lập một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong chiến lược phát triển, Tập đoàn luôn ưu tiên các nhà cung ứng địa phương. Ông Preben Elnef, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Lego Việt Nam cho biết không phải quy mô, mà các nhà cung ứng cần tuân thủ các tiêu chuẩn, cùng nhau phát triển bền vững, hướng tới các giá trị bảo vệ môi trường. 

Tập đoàn Lego cam kết sẽ sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo trong sản xuất, đồng thời trồng lại cây xanh nhiều hơn số cây đã bị chặt khi xây dựng nhà máy. Lý do quyết định đầu tư của Tập đoàn Lego đáng để Việt Nam nghiên cứu, định hướng cho kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Qua quyết định đầu tư của Tập đoàn Lego tại Việt Nam, thiết nghĩ Chính phủ cần sáng suốt, mềm mỏng nhưng kiên định trước những đòi hỏi về ưu đãi chính sách của các nhà đầu tư nước ngoài trước việc chúng ta thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sao cho phù hợp với thực tiễn ngân sách Nhà nước.

 Các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ, nhưng cần gì khi Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu?

Trước thực tế Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết. Một số giải pháp được đại diện Kocham đề xuất là ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. 

Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp FDI đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Đại diện Samsung Việt Nam đề xuất Việt Nam cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, phương án triển khai các khoản hỗ trợ bằng tiền này sẽ được xây dựng tiêu chuẩn áp dụng tùy theo đặc tính của từng loại hình doanh nghiệp. 

Đại diện Samsung Việt Nam gợi ý Chính phủ Việt Nam cần bảo đảm quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế Nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (QDMTT) để Việt Nam có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền như Singapore, Malaysia, Hồng Công (Trung Quốc) đang chuẩn bị để áp dụng QDMTT.

Tập đoàn Lego Việt Nam yêu cầu các chính sách của Việt Nam phải rõ ràng; mong muốn Việt Nam hỗ trợ để hoàn tất các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất; phòng cháy chữa cháy và tối ưu hóa việc sản xuất điện mặt trời; đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng và Logistics.

Chuyên gia kiến nghị các giải pháp tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 4.

Đại diện Samsung Việt Nam đề xuất Việt Nam cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

 Cần làm gì để tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu?

Để kịp thời thực hiện đúng và hiệu quả cam kết của Chính phủ trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần chủ động, khẩn trương, Quốc hội cùng đồng hành với Chính phủ để rà soát, sửa đổi và cập nhật những quy định của pháp luật; xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp liên quan tới việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu theo quan điểm chủ động trong chính sách, đảm bảo phù hợp điều kiện tài chính của Việt Nam, phù hợp quy tắc thuế mới và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác, tạo nguồn thu ngân sách và tạo nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, tạo môi trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng lộ trình cụ thể, chi tiết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với pháp luật Việt Nam và những quy định trong các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, đồng thời sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thay vì ưu đãi về thuế TNDN không còn giá trị, Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ phù hợp các khoản chi phí đầu tư, đào tạo lao động, chi phí nghiên cứu và phát triển, xây dựng nhà ở cho người lao động, hỗ trợ tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cho nhóm doanh nghiệp FDI đang hoạt động và nhóm doanh nghiệp FDI sẽ hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới, phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai thực hiện.

Thật đáng mừng khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đề xuất và triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, đến nay đã có trên 140 quốc gia tham gia nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế, chống thất thu và xói mòn cơ sở thuế của các quốc gia, trả lại nguồn thu chính đáng cho các quốc gia đáng được hưởng vì đã dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo thêm nguồn thu và nguồn vốn cho đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao giá trị tài sản cố định và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn./.

Nguyễn Bích Lâm 

Nguyên Tổng cục trưởng,Tổng cục Thống kê