CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Chính sách mới về cơ cấu tổ chức, phí, an ninh mạng có hiệu lực từ 1/10

16:01 - 01/10/2022

(Chinhphu.vn) - Từ 1/10, một số chính sách mới về cơ cấu tổ chức, giảm phí, an ninh mạng có hiệu lực.

Bộ Giao thông vận tải giảm 4 đầu mối

Cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải tại Nghị định số 56/2022/NĐ-CP đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Bộ so với quy định tại Nghị định số 12/2017/NĐ-CP (từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối). Trong đó:

+ Hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường.

+ Tổ chức lại 3 Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 Vụ, theo đó giải thể Vụ An toàn giao thông.

+ Sáp nhập Vụ Đối tác công - tư vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.

+ Tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam.

Cục Đường cao tốc Việt Nam có 6 đơn vị 

 Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường cao tốc Việt Nam được quy định tại Quyết định 1245/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10. 

Theo đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường cao tốc Việt Nam có 6 đơn vị bao gồm: 1- Văn phòng; 2- Phòng Kế hoạch - Tài chính; 3- Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác; 4- Phòng Pháp chế - Đấu thầu; 5- Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; 6- Trung tâm Kỹ thuật và Điều hành giao thông đường bộ cao tốc.

Các tổ chức quy định từ  (1) đến (5) nêu trên là đơn vị giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tổ chức quy định tại (6) nêu trên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục.

Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đơn vị

Quyết định số 1218/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam có hiệu lực từ 1/10/2022.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về Giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đơn vị gồm:

- Phòng Tổ chức - Hành chính;

- Phòng Pháp chế - Thanh tra;

- Phòng Kế hoạch - Đầu tư;

- Phòng Tài chính;

- Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;

- Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái;

- Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế;

- Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Cùng đó là các Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV và các đơn vị: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.

5 trường hợp yêu cầu xóa bỏ thông tin sai sự thật trên mạng từ 1/10/2022

Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định về các trường hợp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật, sai sự thật trên mạng như sau:

1- Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật;

2- Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin;

3- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

4- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

5-  Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

Thu hồi tên miền với hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia

Từ ngày 1/10/2022, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực quy định việc hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Cụ thể, 2 trường hợp áp dụng gồm: Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam…

Giảm 20-50% một số loại phí kinh doanh vận tải 

 Thông tư 59/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/10 đến hết ngày 31/12/2022 quy định giảm từ 20 - 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải như: 

+ Giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; lệ phí ra, vào cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. 

+ Giảm 20% mức thu đối với 07/10 nội dung thu phí trong 02 khoản phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.

+ Giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. 

+ Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa và lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa.

Thí điểm thu, nộp án phí, lệ phí Tòa án trực tuyến 

 Từ 1/10, Tòa án nhân dân tối cao triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. 

 Cụ thể, thời điểm thực hiện thí điểm tại Hà Nội sẽ từ ngày 1/10/2022 đến hết 31/10/2022 tại các Tòa án nhân dân các quận, huyện: Long Biên, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Hai Bà Trưng. 

 Bãi bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô 

 Có hiệu lực từ 1/10/2022, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô:

1- Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

2-  Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

3-  Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ

Có hiệu lực từ 1/10/2022, Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Trong đó, đối với hệ thống thông tin cấp độ 1, 2, 3, phương án bảo đảm an toàn thông tin phải xem xét khả năng dùng chung giữa các hệ thống thông tin đối với các giải pháp bảo vệ, chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư thừa, trùng lặp, lãng phí.

Đối với hệ thống thông tin cấp độ 4, 5, phương án bảo đảm an toàn thông tin cần được thiết kế bảo đảm tính sẵn sàng, phân tách và hạn chế ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khi một thành phần trong hệ thống hoặc có liên quan tới hệ thống bị mất an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin đối với phần mềm nội bộ khi xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp: Phần mềm nội bộ được xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp phải tuân thủ Khung phát triển phần mềm an toàn; đáp ứng yêu cầu an toàn cơ bản đối với Phần mềm nội bộ.

Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 3 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về logic.

Trường hợp hệ thống thông tin cấp độ 4 hoặc cấp độ 5 được triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu hoặc Điện toán đám mây, thiết kế hệ thống phải đáp ứng các yêu cầu: Phải được thiết kế tách riêng, độc lập với các hệ thống khác về vật lý và có biện pháp quản lý truy cập giữa các hệ thống; các vùng mạng trong hệ thống phải được thiết kế tách riêng, độc lập với nhau về logic và có biện pháp quản lý truy cập giữa các vùng mạng; có phân vùng lưu trữ được phân tách độc lập về vật lý; các thiết bị mạng chính phải được phân tách độc lập về vật lý.