CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa

15:44 - 09/11/2022

(Chinhphu.vn) - Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú: Sự cố, thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau.

Sự cố, thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau

Góp ý vào các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn đại biểu Quốc  hội tỉnh Kiên Giang cho biết, theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 2 dự thảo luật quy định: Sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. 

Còn thảm họa biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

Như vậy, sự cố, thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. 

Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa như Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. 

Quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ

Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phong tục dân sự.

Cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt: Cần bổ sung để quy định xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự đảm bảo khái quát, toàn diện

Tiếp tục rà soát quy định của các Chương, Mục để đảm bảo sự thống nhất

Tham gia thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các lý do về chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình và báo cáo thẩm tra nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Luật này.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định của các Chương, Mục để đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ Dự thảo Luật và thống nhất với các Luật hiện hành, tránh chồng chéo, đảm bảo đồng bộ khi áp dụng. 

Về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng, cần bổ sung cụm từ “tình trạng khẩn cấp trong hoạt động phòng thủ dân sự” với giải nghĩa rõ ràng nội hàm để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi sau khi Luật được ban hành.

Về khoản 2 Điều 12, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, việc quy định còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các công trình, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính khái quát, tính toàn diện của quy định pháp luật.

Đại biểu cho biết, tại Điều 22 của Dự án Luật quy định cụ thể rõ ràng về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự. 

Tuy nhiên, khoản 4 quy định: Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4. 

Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát để quy định phù hợp, thống nhất các khoản trong điều luật này.