CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử

17:09 - 11/11/2022

(Chinhphu.vn) - Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh.

Cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn liệu có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không

Mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm về nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, con người

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật là cần thiết khi công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới 2 mục tiêu: tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Vấn đề đặt ra là liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phải kèm theo các điều kiện bảo đảm về nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, con người. "Có thể bố trí đủ kinh phí hay không, lộ trình xây dựng, nâng cấp các hệ thống hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử trong tương lai như thế nào? Ngoài ra, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. Vậy có hợp lý không khi đưa tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào?", đại biểu băn khoăn.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế; từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp giấy tờ đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh

Cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật Giao dịch điện tử - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng cần cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh.

Tán thành với ý kiến trên, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật về cơ bản đã hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 và cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Đại biểu cho rằng việc mở rộng như vậy là phù hợp trong điều kiện hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất về giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực của đời sống sẽ tiết giảm, tiết kiệm được chi phí.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch. Đồng thời, cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh.

Đại biểu lý giải, đối với các thủ tục này, hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, sự có mặt là cần thiết để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn./.