Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao mức sống dân cư. Với tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Ngày 31/3/2023, Chính phủ ra Nghị quyết số 45/NQ-CP ban hành chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG VÀ ĐÓNG GÓP CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN
Kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% GDP, tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung
Kinh tế tư nhân bao gồm ba khu vực: Hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; doanh nghiệp ngoài nhà nước; và hộ sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Hiện khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 50,5% GDP của nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế ổn định, không chịu tác động bởi các cú sốc từ bên ngoài, tốc độ tăng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng của toàn nền kinh tế.
Chẳng hạn, tốc độ tăng GDP của kinh tế tư nhân năm 2019 đạt 9,26%, cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với mức tăng 7,36% của toàn nền kinh tế. Số liệu tương ứng của năm 2022 lần lượt là 8,89%, 0,72 điểm phần trăm và 8,12%.
Vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn trước đại dịch COVID-19, giải ngân vốn đầu tư của khu vực tư nhân có tốc độ tăng trên 10% mỗi năm, phản ánh vai trò rất quan trọng của khu vực kinh tế này trong nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
Tuy vậy, hiện nay, nguồn vốn quan trọng này chưa được khơi thông, thu hút và sử dụng hiệu quả cho phát triển.
Khu vực nông, lâm, thủy sản: Trụ đỡ của nền kinh tế
Trong những năm qua, thực hiện chủ chương chuyển đổi cơ cấu ba khu vực kinh tế, mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sản chỉ chiếm khoảng 12% GDP, nhưng đã thực hiện xuất sắc vai trò là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế; đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của đất nước với trên 100 triệu dân.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn đóng góp quan trọng vào chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Một loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, chè, rau quả, tôm, cá tra và các sản phẩm nông sản, thủy sản khác ngày càng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế nông sản, thủy sản Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của đất nước, tạo điểm sáng nổi bật trong bức tranh thương mại hàng hóa quốc tế.
Đồng thời, khu vực này còn góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm căn cứ để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng chiến lược hướng tới kinh tế thị trường.
Tuy đạt được những kết quả rất đáng tự hào, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại.
Cụ thể là: Phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa phổ biến; quá trình phát triển còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa mạnh, chưa tạo được đột phá về giá trị gia tăng, năng xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Đã xây dựng được một số doanh nghiệp tư nhân lớn
Tại thời điểm 31/12/2022, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút gần 9,1 triệu lao động, chiếm 59,2% trong tổng số 15,34 triệu lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của khu vực này chiếm 59,38%; giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chiếm 61,32%; doanh thu thuần sản xuất kinh doanh chiếm 57,5%.
Với ý trí vươn lên, khát khao khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt, trong những năm qua, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng; đã xây dựng được một số doanh nghiệp tư nhân lớn, có trình độ về công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu, đạt tầm khu vực và thế giới như: Vingroup, Sovico, TH, Hòa Phát,… góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Cộng đồng doanh nhân năng động, sáng tạo, có ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Nhiều doanh nhân đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, bền vững nhằm tạo dựng, phát triển và củng cố thương hiệu, đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chủ yếu là vừa và nhỏ, cơ cấu bất hợp lý, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài
Tuy vậy, doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng suất và năng lực cạnh tranh thấp.
Số liệu thống kê cho thấy, có tới 62,5% trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô dưới 5 lao động; 18,6% doanh nghiệp có quy mô từ 5-9 lao động; 15,3% doanh nghiệp có quy mô từ 10- 49 lao động, chỉ có 0,63% doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên.
Xét trên góc độ hiệu quả vốn sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp ngoài nhà nước cần 1,61 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần. Số liệu này của doanh nghiệp nhà nước là 2,66 đồng và doanh nghiệp FDI là 1,03 đồng.
Cơ cấu doanh nghiệp theo ngành kinh tế không hợp lý. Số doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chiếm tới 66,8% trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực dịch vụ, riêng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và có động cơ khác chiếm trên 50%.
Sự bất hợp lý về cơ cấu doanh nghiệp là rào cản rất lớn đối với xây dựng và phát triển mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ta phụ thuộc khá lớn, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài với chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 40,11% trong tổng chi phí nguyên vật liệu dùng trong sản xuất; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - Ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước chiếm tới 50,98%.
Bên cạnh đó doanh nghiệp ngoài nhà nước còn phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách. Hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật chưa đủ minh bạch, thiếu cụ thể, không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.
Hộ sản xuất kinh doanh: Quy mô siêu nhỏ, hoạt động manh mún, năng suất thấp, đóng góp vào tăng trưởng còn mờ nhạt
Hộ sản xuất kinh doanh là một lực lượng quan trọng của kinh tế nước ta. Trong những năm qua, khu vực này đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô và tốc độ.
Nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã đứng vững trong nền kinh tế thị trường, có tác động tích cực đến công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Năm 2022, khu vực hộ sản xuất kinh doanh có 5,17 triệu hộ, với 82,97% số hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chỉ có 17,03% số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Hộ sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 9 triệu lao động, tương đương với số lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bình quân mỗi hộ sản xuất kinh doanh có 1,74 lao động.
Hộ sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, hộ sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, phần lớn người lao động cũng là chủ hộ kinh doanh nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn kinh doanh khá cao. Nếu như doanh nghiệp ngoài nhà nước cần 1,61 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, thì hộ sản xuất kinh doanh chỉ cần 0,35 đồng.
Tuy vậy, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động manh mún, hộ sản xuất kinh doanh hạn chế về năng lực kinh doanh, trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng xuất lao động thấp; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn mờ nhạt.
Bên cạnh đó, với nguồn vốn hạn chế, khó tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài, vì vậy hộ sản xuất kinh doanh hầu như không có cơ hội tham gia vào các ngành sản xuất đòi hỏi công nghệ tiên tiến.
Đây là nguyên nhân có tới 4,29 triệu hộ trong tổng số 5,17 triệu hộ của toàn nền kinh tế hoạt động trong ngành thương mại dịch vụ.
Một điểm nữa cùng cần phải đề cập tới đó là các hộ sản xuất kinh doanh luôn phải xử lý tình trạng nhũng nhiễu diễn ra ở các cấp, vào các thời điểm có thể nhũng nhiễu.
Chủ cửa hàng ăn tại một phường thuộc trung tâm thành phố Hà Nội cho biết họ thường xuyên nhận được các cú điện thoại từ cơ quan quản lý ở cơ sở đề nghị hỗ trợ cho các ngày lễ, tết, đi nghỉ mát, sinh nhật. Nếu chủ cửa hàng không biết điều, ngày hôm sau sẽ có chiếc xe của lực lượng chức năng đỗ ngay trước cửa, hết đường kinh doanh. Bên cạnh đó, đội ngũ vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thường xuyên đến kiểm tra, nhũng nhiễu cửa hàng.
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Hiện nay, lợi ích và an ninh quốc gia đang định hình toàn diện mọi chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu, tái định hình lại chuỗi cung ứng với xu hướng đẩy mạnh mạng lưới sản xuất khu vực.
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị, tình hình kinh tế, chính trị bất ổn, khó lường khiến cho đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu bị thu hẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt dòng vốn FDI đổ vào các nước đang phát triển suy giảm mạnh. Xu hướng đầu tư bền vững của dòng vốn FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính, vì một tương lai xanh.
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là hai xu thế chính, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn cầu.
Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, với những thay đổi lớn mang tính chu kỳ, thay đổi cấu trúc với những đột phá chưa từng có.
Đặc biệt, sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ diễn ra nhanh, mạnh trong nhiều lĩnh vực, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ số, cơ sở dữ liệu lớn, robot, lưu trữ năng lượng,... đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh.
Xu thế đổi mới công nghệ sẽ đưa đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, nhưng cũng là cơ hội cho các nước đi sau nếu biết nắm bắt và tận dụng thành quả phát triển của nhân loại.
Trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, các mô hình kinh tế như: Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,… sẽ nổi lên là những mô hình đầy tiềm năng, có vai trò quan trọng, định hình các nền kinh tế, đòi hỏi các quốc gia phải cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng và phát triển.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ những gì đang diễn ra của kinh tế, chính trị thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn phát triển thì không thể đứng ngoài xu hướng chung.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng và Nhà nước đã khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thực hiện quan điểm phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: Công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.
NHẬN DIỆN MỘT SỐ BẤT CẬP, THÁCH THỨC CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN
Năng lực hạn chế, mờ nhạt trong chuỗi giá trị toàn cầu
Trong xu thế toàn cầu hóa, định hình lại chuỗi cung ứng và CMCN 4.0 phát triển như vũ bão, kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt kinh tế tư nhân đã bộc lộ những bất cập, đang phải đối mặt với nhiều thách thức để vươn lên, hòa vào xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.
Tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI, xuất siêu của nền kinh tế do khu vực FDI thực hiện và quyết định, khu vực trong nước luôn nhập siêu.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước đông về số lượng nhưng đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, nội lực tồn tại và năng lực cạnh tranh thấp. Công nghiệp phụ trợ non kém, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, công nghệ và phương thức sản xuất của khu vực này cũng lạc hậu. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về cơ bản dừng lại ở trình độ lắp ráp - Trình độ thấp nhất trong 4 cấp độ công nghiệp hóa.
Năng lực của doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, đồng thời cũng hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Vì vậy, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn mờ nhạt.
Thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thiếu đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng; khả năng làm việc nhóm và hội nhập kém. Thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao.
Năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế, mặc dù trong thời gian qua, năng suất lao động của nước ta đã được cải thiện, nhưng vẫn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới.
Thách thức chuyển đổi xanh
Xu hướng tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ đối với kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, các chính sách xanh của Liên minh châu Âu đặt ra những thách thức mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Để tiếp cận thị trường này, khu vực kinh tế tư nhân phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và chứng minh được sản phẩm thân thiện với môi trường, được sản xuất theo các quy trình bền vững.
Điều này đòi hỏi kinh tế tư nhân phải đầu tư công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với thách thức về suy thoái môi trường, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu và các hình thức thời tiết cực đoan đang gia tăng.
Đối mặt với nhiều rào cản chính sách
Đặc biệt, kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách.
Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một bộ phận doanh nhân với đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
CẦN LÀM GÌ ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN GÁNH VÁC ĐƯỢC VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC?
Loại bỏ mọi trở lực, kiến tạo động lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để hiện thực hóa chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân, thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần phân định rõ vai trò của Nhà nước là pháp luật hóa chủ trương chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng khơi dậy và thúc đẩy kinh tế tư nhân có bước chuyển đột phá, phát triển nhanh, bền vững.
Chính phủ cần khẩn trương, đi trước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo niềm tin, động lực và sự năng động của kinh tế tư nhân.
Lúc này, nếu không đột phá về cơ chế, chính sách, kinh tế tư nhân khó có thể vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Để đột phá về thể chế phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, khác biệt, táo bạo.
Đồng thời, cần xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Để đáp ứng và theo kịp tiến trình phát triển rất nhanh của CMCN 4.0, tránh tụt hậu so với khu vực và thế giới, Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển.
Đặc biệt, Chính phủ cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia, có tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, đào tạo và trọng dụng các nhà kỹ trị có năng lực, tâm huyết, sẵn sàng hành động; nuôi dưỡng, động viên tư duy đổi mới, xoá bỏ bệnh quan liêu, kiên quyết nói không với tham nhũng.
Cộng đồng doanh nhân cũng cần phải dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu và đứng lên từ thất bại, chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống.
Có như thế, Việt Nam mới vượt qua thách thức, tận dụng thành công các cơ hội do CMCN 4.0 đưa tới.
Trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, thực hiện vai trò nhà nước kiến tạo, Chính phủ cần tìm kiếm, hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế tư nhân mở rộng không gian phát triển; tham gia vào những ngành, lĩnh vực mới của kinh tế thế giới để kinh tế Việt Nam nhanh chóng hoà vào dòng chảy của kinh tế toàn cầu, không chậm chân và bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Chính phủ cần thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ ưu đãi, hỗ trợ vốn, công nghệ và lao động có kỹ năng, tay nghề, phù hợp cho kinh tế tư nhân tiến hành sản xuất kinh doanh trong những ngành và lĩnh vực mới.
Xây dựng và khẩn trương thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc
Xây dựng và khẩn trương thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc hòa nhịp xu hướng tái định hình và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến lược quốc gia cần có tính đột phá, linh hoạt về thể chế, chính sách, nguồn vốn để tạo dựng, nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm xây dựng nền kinh tế kết hợp hài hòa giữa sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường với sức mạnh ngoại lực.
Để phát triển doanh nghiệp dân tộc trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảng và cạnh tranh gay gắt, cộng đồng doanh nhân và chính phủ phải tạo dựng hệ thống các thực thể kinh tế vệ tinh bao gồm: Doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, đội ngũ quản lý và chuyên gia hàng đầu để đồng hành cùng doanh nghiệp dân tộc.
Hệ thống vệ tinh nhằm phát triển mạng lưới liên kết trong tất cả các lĩnh vực liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp dân tộc, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính độc lập, tự chủ của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chính phủ cần có các giải pháp tạo động lực và điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát động, khuyến khích và hỗ trợ tài chính, chuyên gia trong thực hiện chuyển đổi số và các dự án xanh hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện phát triển xanh và bền vững.
Khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị các điều kiện để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường.
Đẩy mạnh liên kết kinh tế vừa là giải pháp ứng phó, vừa là phương thức cạnh tranh chiến lược, nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới.
Chủ động thực hiện đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng mô hình và phương thức sản xuất tiên tiến, chú trọng tới yếu tố môi trường, phát triển xanh, bền vững trong hoạt động sản xuất.
Tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chủ động ứng phó với khủng hoảng năng lượng, hòa nhập với xu hướng phát triển xanh, cải thiện hình ảnh, tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của kinh tế tư nhân; với phương châm bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, kinh tế tư nhân sẽ phát triển nhanh, khẳng định vai trò và động lực quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.
Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê