
Cán bộ, công chức nào làm nhiều, hiệu quả cao thì phải được hưởng nhiều
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).
Quan điểm xây dựng Luật là quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tại Tổ 2 cho rằng, việc sửa đổi Luật này cần khắc phục được triệt để tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Ngoài ra, việc bỏ biên chế suốt đời cũng cần gắn với công tác đánh giá thi đua, khen thưởng một cách rõ ràng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm, trong dự án Luật có đề cập đến những điều cán bộ, công chức không được làm. Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét sao cho phù hợp với các luật khác và quyền lợi của người lao động.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đối với thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu theo hướng xem xét cán bộ, công chức nào làm nhiều, hiệu quả cao thì phải được hưởng nhiều.
Còn việc tinh giản biên chế cần đưa ra mục tiêu, tiêu chí cụ thể để đánh giá một cách khách quan đối với người lao động, tránh tinh giản không thực chất.
Để thực hiện được hiệu quả công tác này, các cơ quan có thể nghiên cứu những ưu điểm trong tuyển dụng, đãi ngộ của khối doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu Trần Kim Yến
Phải khắc phục được triệt để tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức phải khắc phục được triệt để tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Đồng tình với quan điểm, xóa bỏ biên chế suốt đời, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, việc bỏ biên chế cũng cần gắn với công tác đánh giá thi đua, khen thưởng một cách rõ ràng.
Việc kỷ luật, khen thưởng cán bộ, công chức và đảng viên cũng cần đồng bộ, tránh sai phạm, chồng chéo, hình thức.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng cần nghiên cứu, xem xét thêm đối với hạ bậc lương và giáng chức đối với cán bộ, công chức trong một số trường hợp cụ thể.
Nêu quan điểm về đánh giá công chức, viên chức, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung “trách nhiệm về giải trình chứng minh trong trường hợp công chức bị đánh giá thấp” để đảm bảo sự khách quan, công bằng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Cần giữ quy định đại biểu HĐND được chất vấn chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND).
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần giữ quy định đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân, bởi việc giữ lại quy định “được chất vấn” của đại biểu HĐND để thể hiện dân chủ và từ trước tới nay, quyền này đã được quy định như vậy và đang phát huy tốt.

Thảo luận tại Tổ 9
Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa
Thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình) về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đa số đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.
Quan tâm đến chế độ làm việc của cán bộ, công chức, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét cơ chế để cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay.
“Ngoại trừ những vị trí công việc trực tiếp phải tiếp công dân, những vị trí khác có thể làm việc từ xa, làm việc online, quản lý trên các sản phẩm công việc cụ thể, trên hiệu quả công việc chứ không nhất thiết cứ đúng giờ thì vào cơ quan, hết giờ thì xách cặp về. Quan trọng nhất là đánh giá thông qua hiệu quả công việc”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng cho rằng, quy định như trên là hết sức ý nghĩa trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vì tại một số địa phương, cán bộ, công chức có thể phải đi hàng trăm cây số để về trung tâm làm việc.
Do đó, để thực hiện thuận lợi quy định này, đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lần này, nên có quy định về chế độ làm việc để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể làm việc từ xa đối với một số vị trí không trực tiếp làm việc với công dân. Cùng với đó, cần có tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc qua các sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng đề nghị tăng số ngày nghỉ trong năm đối với cán bộ, công chức ngoài các ngày nghỉ lễ, tết như hiện nay; được cộng dồn những ngày nghỉ phép trong năm hoặc cộng dồn trong suốt thời gian làm cán bộ, công chức để khi cần thì có thể sử dụng.
Nhấn mạnh đây là những quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật lần này cần cập nhật, bổ sung vào để tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Cần xếp loại đánh giá công chức theo thang điểm
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung thêm cụm từ “địa phương” tại khoản 1 Điều 11 cho rõ hơn. Có thể quy định lại như sau: “1. Được hưởng tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác theo kết quả, sản phẩm, hiệu quả công việc của vị trí việc làm đảm nhiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương”.
Về xếp loại đánh giá công chức quy định tại Điều 31 của dự thảo, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần xếp loại đánh giá công chức theo hướng chấm điểm, không nên quy định là “công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét cho thôi việc”.
“Ở đây chúng ta chỉ nên quy định là công chức có 02 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc. Nhưng theo tôi, chúng ta có thể đánh giá theo hướng chấm điểm, trong thang điểm 100, nếu dưới 70 điểm trong 2-3 năm liên tiếp thì có thể cho thôi việc. Bởi vì chúng ta cần lựa chọn những cán bộ làm việc tốt hơn”, đại biểu Phạm Đức Ấn phân tích.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Cần có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức được thuê, mua nhà ở công vụ
Đề cập về khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, tại khoản 3 Điều 10 quy định cán bộ, công chức được bố trí, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền. N
hận thấy đây là chính sách nhân văn được dư luận quan tâm, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị trong quá trình thực hiện cần xem xét các đối tượng ưu tiên, điều kiện được bố trí thuê, mua các nhà công vụ cần được đánh giá kỹ lưỡng. Bởi thực tế việc bố trí nhà ở công vụ và tạo điều kiện cho thuê còn rất khó khăn.
Do đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, nếu quy định việc sắp xếp, bố trí đối tượng ưu tiên và các điều kiện khác vào trong dự thảo Luật thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai.
“Tới đây, chúng ta sẽ thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh thì đội ngũ cán bộ công chức khi về các địa phương mới sẽ rất khó khăn trong việc bố trí về nhà ở. Mặc dù trong dự thảo Luật đã quy định rất rõ cán bộ công chức được quyền có nhà ở công vụ và được quyền thuê, tuy nhiên các điều kiện để thực hiện nội dung này còn khó khăn, trong khi cơ sở vật chất của nhiều địa phương vẫn không bảo đảm”, đại biểu chia sẻ.
Vì vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cán bộ, công chức theo hình thức được thuê, mua ưu tiên từ trên xuống và bảo đảm tính công bằng.
Đồng thời bày tỏ mong muốn trong dự án Luật sẽ có những quy định tạo thuận lợi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện để giúp cho các địa phương chuẩn bị điều kiện, nguồn lực thực hiện việc hỗ trợ các điều kiện làm việc tốt nhất cho các cán bộ, công chức trong bối cảnh thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.