Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 16 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước gồm: 1- Vụ Tổ chức-Biên chế, 2- Vụ Chính quyền địa phương, 3- Vụ Công chức - Viên chức, 4- Vụ Tiền lương, 5- Vụ Tổ chức phi chính phủ, 6- Vụ Cải cách hành chính; 7- Vụ Hợp tác quốc tế; 8- Vụ Pháp chế; 9- Vụ Kế hoạch-Tài chính; 10- Vụ Công tác thanh niên; 11- Vụ Tổ chức cán bộ; 12- Thanh tra Bộ; 13- Văn phòng Bộ; 14- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; 15- Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương; 16- Ban Tôn giáo Chính phủ.
4 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin.
Như vậy so với cơ cấu tổ chức theo Nghị định 34/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017, Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã giảm 2 vụ gồm: Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp.
Ngoài ra, Bộ cũng giảm một đơn vị sự nghiệp công lập là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội do sáp nhập với Học viện Hành chính Quốc gia.
Nghị định nêu rõ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện xong việc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp nhân sự của đơn vị theo Đề án sắp xếp, kiện toàn các Vụ thuộc Bộ Nội vụ.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị.