Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, các giải pháp của Bộ Công an trong công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian tới như sau:
Một là, tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản khác liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nhà ở và công trình.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương rà soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong đó rà soát và đánh giá một cách chi tiết, cụ thể những điều kiện về an toàn phòng cháy, những loại hình cụ thể từ đó đưa ra những giải pháp về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó nêu ra các trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trong công tác phòng cháy, chữa cháy và đề ra các giải pháp cụ thể.
Ba là, phương châm “lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực” trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Coi tính mạng người dân là trên hết.
Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, hộ gia đình hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa và tự giác chấp hành quy định.
Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả, duy trì mạnh mẽ mô hình: Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng; mô hình "nhà tôi có bình chữa cháy, có lối thoát nạn thứ 2".
Giải pháp căn cơ: Sớm kết hợp các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình đào tạo của các bậc học, cấp học.
Bốn là, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Công an các địa phương trong tổ chức, rà soát, đánh giá đối với các loại hình cơ sở này ở địa phương, đồng thời hướng dẫn người dân, hộ gia đình thực hiện các giải pháp trước mắt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc vận động các hộ gia đình trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động phát hiện và xử lý tình huống sự cố cháy nổ. Đặc biệt trang bị thiết bị báo cháy, mặt nạ lọc độc, bình chữa cháy, thiết bị phá dỡ, thang thoát nạn, dây hạ chậm...
Mỗi hộ gia đình cần có phương án thoát nạn trong các tình huống cụ thể, đặc biệt là phải có lối thoát nạn thứ 2...
Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khẳng định “không phạt cho tồn tại”.
Đối với các vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn kiên quyết xử lý với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên rà soát, đánh giá việc xử phạt vi phạm hành chính của Công an các đơn vị, địa phương. Trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh (kể cả nhà cho thuê trọ); ban hành Tài liệu hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy căn cứ theo Bộ Tài liệu hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành…