TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

05/05/2025 11:16

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/5, căn cứ quy định của pháp luật, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trước giờ khai mạc Kỳ họp, vào 07 giờ 15 phút, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào 08 giờ 00 phút, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Vào 9 giờ 00 phút sáng cùng ngày, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào và cử tri theo dõi.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 1.

Quốc hội khóa XV Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách

Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nghị quyết của Trung ương và các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, nhất là các nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hôm nay, Quốc hội khóa XV Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều vấn đề quan trọng, để tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với tên gọi bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới. Qua đó, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 2.

Tham dự Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có: Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tham dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương…

Về phía Quốc hội có: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: đồng chí Nguyễn Khắc Định, đồng chí Nguyễn Đức Hải, đồng chí Trần Quang Phương, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, đồng chí Vũ Hồng Thanh, đồng chí Lê Minh Hoan; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn và các vị Đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến tham dự và đưa tin về Kỳ họp thứ 9 có các phóng viên đại diện các cơ quan Thông tấn trong nước và quốc tế.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong không khí vui mừng của những ngày tháng lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa tổ chức rất thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hôm nay, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhân dân ta, đất nước ta.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các luật, nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng.

Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. 

“Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. 

Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 4.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. 

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân và công tác quản lý nhà nước...

Với những nội dung nêu trên, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cao độ, tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, thảo luận sâu sắc, quyết định sáng suốt; cùng với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày.

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024; TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2025

(Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV)

____________

Kính thưa đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đồng chí lão thành cách mạng!

Kính thưa Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước!

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những quyết sách mang tính lịch sử của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, tạo tiền đề đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Theo chương trình Kỳ họp, Chính phủ gửi đến Quốc hội 64 báo cáo, tờ trình, tài liệu trên nhiều lĩnh vực. Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2025 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ NĂM 2024

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình KTXH 9 tháng và ước cả năm 2024. Những tháng cuối năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, Chính phủ đã thống nhất, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với nỗ lực vượt bậc, "biến nguy thành cơ", "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế". Các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm[1]; bội chi, nợ công được kiểm soát tốt[2]. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới[3]; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 03 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao[4]. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%[5]; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm[6]. Thu NSNN đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342,7 nghìn tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất[7].

Các động lực tăng trưởng truyền thống đều phát huy hiệu quả. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 132 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ; Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD (tăng 2,4 tỷ USD so với số đã báo cáo). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; khách quốc tế tăng mạnh (39,5%). Xuất siêu 24,8 tỷ USD và khai mở thành công thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi[8]. Khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới. Chuyển đổi số mạnh mẽ với điểm sáng là Đề án 06. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực, tăng 20%[9]. Nhiều dự án, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa tốt[10]. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, lên hạng 44/133. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, tăng 01 bậc, xếp hạng 32 thế giới.

Ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đổi mới tư duy, cách làm trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; trong năm 2024, Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ với 28 Luật, 24 Nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 19 dự án luật, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa[11], tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông và viễn thông[12], tạo không gian và cơ hội phát triển mới, tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp. Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được đẩy mạnh triển khai với sự hưởng ứng tích cực của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và trên thế giới.

An sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đời sống người dân được nâng lên; tập trung khắc phục hiệu quả bão Yagi; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo[13]. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong năm 2024 đã hỗ trợ xóa trên 76 nghìn nhà tạm, nhà dột nát[14]. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tích cực.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được "trong ấm, ngoài êm", được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao[15]; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 6.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

II. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2025

Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng[16], trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu[17], đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trọng tâm là:

- Thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.

- Tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên[18]. Tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có 9 hội nghị với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước.

- Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách đột phá. Đề xuất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về xây dựng và thực thi pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số[19].

- Làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia với tinh thần làm việc "ba ca, bốn kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, chất lượng cao nhất và không để đội vốn.

Đặc biệt, trước việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực; Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Hoa Kỳ đồng ý đàm phán[20]. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".

1. Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2025

a) Về kinh tế

Tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025[21]; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số[22]. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm[23], tăng trưởng tín dụng tích cực[24]. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu NSNN 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%[25]; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD[26]; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025[27], cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế[28].

Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển[29]. Công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10,1%)[30]; điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm[31]. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%[32]; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh[33]. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Kết cấu hạ tầng KTXH được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội[34]… Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước[35], đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị[36]; trong đó Chính phủ trình Quốc hội 13 dự án luật quan trọng và ưu tiên bố trí nguồn lực để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Dịch vụ công trực tuyến được tăng cường[37]; chấp thuận đầu tư thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh; nâng cấp hạ tầng 5G và trục viễn thông quốc gia[38]. Triển khai Đề án 06 mang lại nhiều kết quả thực chất; cung cấp nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp[39]. Chuyển đổi số trong quản lý thuế, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai quyết liệt, hiệu quả[40].

b) Về văn hóa, xã hội và môi trường

Các chính sách an sinh xã hội[41], chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, đầm ấm, nghĩa tình, mọi người, mọi nhà đều có Tết[42]. Tổ chức chi trả sớm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2025. Đang tích cực triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay tiêu dùng, mua nhà ở xã hội đối với người trẻ tuổi, người nghèo, người thu nhập thấp[43]. Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước với phương châm "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít"[44]. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; thu nhập của người lao động tăng lên[45]. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, chíp, bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ cao, công nghệ then chốt[46]. Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới; mở rộng triển khai Học bạ số, tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm và đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học… Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được chú trọng đầu tư; ứng phó và ngăn ngừa hiệu quả, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm[47]. Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử được thúc đẩy triển khai mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ bản bảo đảm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm chủ và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến[48].

Công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có tín hiệu phát triển tích cực với nhiều sản phẩm, hoạt động văn hóa đặc sắc, sáng tạo của tuổi trẻ. Các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, ý nghĩa như Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…; tổ chức thành công Lễ diễu binh, diễu hành và nhiều sự kiện cấp quốc gia[49] kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước an toàn, vui tươi, lành mạnh, khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tri ân sâu sắc các thế hệ cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 7.

Thủ tướng: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

c) Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng cao. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 Luật quan trọng[50]. Tại Kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết); trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tính "mở đường" như phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính, Nghị quyết về chính sách xây dựng và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách đặc biệt đối với người làm công tác pháp luật..., đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển mới. Tích cực ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành[51]; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư[52], Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ)[53]; đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài[54]. Thực hiện nghiêm Chương trình công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra[55]; đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân[56].

Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực[57], nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.

d) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Triển khai hiệu quả đường lối, chiến lược, chính sách quân sự, quốc phòng. Xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quan trọng của đất nước. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, ma túy, hàng giả... đạt kết quả tích cực[58]; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí[59]. Hoàn thành xuất sắc công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar[60].

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển[61]. Nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao được triển khai hiệu quả[62]. Nâng tầm đối ngoại đa phương; tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư[63] và Hội nghị Tương lai ASEAN, thể hiện trách nhiệm quốc tế, vị thế mới, tâm thế mới và vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Công tác đối ngoại nhân dân, bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai hiệu quả.

2. Hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt, hiệu quả hơn

Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp[64]. Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp[65]; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chưa đạt yêu cầu[66]. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông… tại các thành phố lớn chậm được giải quyết.

3. Nguyên nhân

(1) Nguyên nhân của kết quả đạt được: là do sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp, sâu sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự phối hợp, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự quản lý, điều hành đúng hướng, quyết liệt, sát thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

(2) Nguyên nhân của hạn chế, bất cập bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ yếu là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là kinh tế vĩ mô. Nước ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, lại có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài và tính cạnh tranh chưa cao. Những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, còn vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

4. Bài học kinh nghiệm

(1) Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(2) Tăng cường đoàn kết, thống nhất. Không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra nhưng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.

(3) Nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, khả thi, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; tiết kiệm thời gian; coi trọng trí tuệ; quyết đoán đúng thời điểm. Phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

(4) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, đúng bản chất.

(5) Tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỜI GIAN TỚI

1. Bối cảnh

Tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm; các tổ chức uy tín đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Có thể nói tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn[67]. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

2. Quan điểm chỉ đạo

(1) Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược"[68].

(2) Phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025, có các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

(3) Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

(4) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(5) Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.

3. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực. Sau đây, tôi nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:

(1) Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí[69]. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp; đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ và nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.

Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch; quyết liệt thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm quốc gia. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng[70]. Tăng cường xúc tiến thương mại, triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp; quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật.

Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

(2) Thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH[71]. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh.

Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...

Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thực hiện thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính.

(3) Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để". Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (2013). Hoàn thành việc rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025, bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý[72]. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh"[73].

Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt "không ngừng, không nghỉ". Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng[74]. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tiếp tục thí điểm Mô hình tiếp công dân trực tuyến; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh điểm nóng.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng[75] nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển KTXH, nhất là các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội.

(4) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt. Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao[76]. Cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị thành Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này về phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh thu hút, đa dạng hóa đối tác và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư FDI, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…; thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khẩn trương xây dựng Cổng một cửa đầu tư quốc gia và cấp tỉnh.

Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, trong đó: (i) Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng (như năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng…); phát triển đột phá các ngành mới nổi (như chip, bán dẫn, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo…). Thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; (ii) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng "nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững"; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm chủ lực[77]. Triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ thẻ vàng IUU. (iii) Phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Thực hiện tốt Chương trình kích cầu du lịch 2025; phấn đấu năm 2025 thu hút 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế. Xem xét, quyết định miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số người là nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao… và công dân một số nước, nhất là bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng. Xây dựng mô hình "Cảng miễn thuế" để góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn.

(5) Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, các dự án cao tốc trục Đông - Tây và các dự án quan trọng, động lực khác[78]; phấn đấu đến cuối năm 2025 thông tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau[79]. Hoàn thành thủ tục và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn Vinh - Thanh Thủy); cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và cảng Hòn Khoai. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án điện, truyền tải quan trọng[80]; tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào; phấn đấu tăng trưởng điện năng toàn hệ thống khoảng 12,5 - 13%. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, nhất là vệ tinh viễn thông, trục viễn thông quốc gia, mở rộng vùng phủ sóng 5G[81]. Chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án lớn giai đoạn 2026 - 2030. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2025.

(6) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân[82]… Sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt. Bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 - 2026. Huy động các nguồn lực để xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.

Tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân[83]. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước trước tháng 9/2025. Khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025. Xây dựng chính sách thích ứng kịp thời với già hóa dân số và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng.

Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên trên tất cả các ngành, lĩnh vực[84]. Tập trung số hóa toàn diện và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý nhà nước. Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, các phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số". Đẩy nhanh việc tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu[85]; mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng cá nhân hóa. Trong năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu; ban hành chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa trong tháng 5/2025.

(7) Phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và nhân dân phải được thụ hưởng thành quả văn hóa. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp giải trí. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 33. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao.

Trong năm 2025, phải cơ bản xoá bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Thành lập "Quỹ nhà ở xã hội quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

(8) Tập trung thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão. Xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm. Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết", giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận.

(9) Nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chiến lược, đề án, dự án, pháp luật về quân sự, quốc phòng, an ninh; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức quân sự địa phương "tinh - gọn - mạnh". Đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, phát triển khoa học công nghệ quân sự, sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, không để hình thành "điểm nóng"; tiếp tục trấn áp mạnh các loại tội phạm nhằm kiềm chế, kéo giảm tội phạm bền vững.

(10) Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao trong năm 2025; làm sâu sắc hơn quan hệ song phương; chủ động, tích cực hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại đa phương. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học, công nghệ; thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn. Tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, ngoại giao Nhân dân.

(11) Chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội dung định hướng quan trọng về KTXH, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các sự kiện lớn, quan trọng của đất nước năm 2025, góp phần tạo động lực trong xã hội, củng cố niềm tin và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

*

* *

Kính thưa Quốc hội!

Trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021 - 2025, thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Chính phủ trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào, cử tri cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, tạo niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, văn minh, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội và các đại biểu, khách quý.

Chúc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV thành công rực rỡ./.


[1] Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 786,3 tỷ USD. Điện năng toàn hệ thống tăng 10%; xuất khẩu kỷ lục 9,18 triệu tấn gạo với trị giá 5,75 tỷ USD. Thị trường lao động phục hồi tích cực.

[2] Tính đến hết năm 2024, bội chi NSNN năm 2024 bằng 3,1% GDP; nợ quốc gia ở mức an toàn, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 34,7% GDP, thấp hơn số đã báo cáo.

[3] Việt Nam đứng đầu ASEAN về tăng trưởng. Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng "Ổn định"; Moody's xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng "Ổn định"; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng "Ổn định".

[4] Theo phân loại của WB năm 2025, mức thu nhập trung bình cao tính theo GNI là 4.516 - 14.005 USD; GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2024 là 4.700 USD, tương đương GNI khoảng 4.465 USD.

[5] Trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ do Nhà nước quản lý.

[6] Tỷ giá USD/VNĐ năm 2024 chỉ tăng 4,8% trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh (6,5%). Lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm 1,1%/năm, năm 2024 giảm 1,24%/năm.

[7] Trong đó, miễn và giảm khoảng 98,7 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,6 nghìn tỷ đồng.

[8] Ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) với thời gian ngắn kỷ lục (16 tháng).

[9] Theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2024 của tổ chức OpenGov Asia.

[10] Như: NVIDIA và Chính phủ Việt Nam đã hợp tác thành lập Trung tâm R&D về AI và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam; Qualcomm có kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D hàng đầu thế giới về AI tại Việt Nam…

[11] Đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đơn giản hóa 313 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.

[12] Năm 2024 đã đưa vào khai thác thêm 109 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên hơn 2.021 km; khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, 02 dự án nâng cấp tuyến đường lên tiêu chuẩn cao tốc. Chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Đưa thêm 01 tuyến cáp quang biển đi quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vào hoạt động.

[13] Tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 là 1,93%, giảm 0,8%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm khoảng 4%.

[14] Năm 2024, đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 76.364 căn (khánh thành 42.179 căn và khởi công mới 34.185 căn). Cụ thể: (i) Hỗ trợ người có công với cách mạng 4.472 căn; (ii) Chương trình mục tiêu quốc gia 44.245 căn; (iii) Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát 27.647 căn.

[15] IMF đánh giá Việt Nam nằm top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, ước đạt 6,4% trong giai đoạn 2024 - 2029. Standard Chartered dự báo Việt Nam thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

[16] Ngày 02/4/2025, Hoa Kỳ chính thức tuyên bố chính sách thuế quan 10% lên tất cả các quốc gia và đặt mức trần thuế quan đối ứng rất cao (Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%). Ngày 09/4/2025, Hoa Kỳ tuyên bố tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày, trừ Trung Quốc.

[17] IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 xuống 2,8% (giảm 0,5% so với dự báo trước đó); Fitch Ratings dự báo dưới 2% (giảm 0,4%); S&P Global dự báo 2,2% (giảm 0,3%).

[18] Căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển, Chính phủ đề xuất và được Trung ương, Quốc hội thông qua điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo (Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của BCHTW về Đề án bổ sung về phát triển KTXH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên). Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp trên các lĩnh vực.

[19] Trong 4 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 54 công điện, 13 chỉ thị.

[20] Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực trao đổi trên các kênh chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh…; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ; ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm hàng trước khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới. Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng mới (02/4/2025), Tổng Bí thư đã điện đàm và có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; cử Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm đặc phái viên của Tổng Bí thư sang làm việc với Hoa Kỳ. Đảng ủy Chính phủ đã báo cáo ngay Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình và đề xuất giải pháp. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức 10 phiên họp về phương án đàm phán, ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các giải pháp ứng phó và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Sau khi Hoa Kỳ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn và chỉ đạo xây dựng phương án đàm phán. Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 06 nước được Hoa Kỳ ưu tiên đàm phán (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia) trong hơn 100 nền kinh tế.

[21] Tốc độ tăng GDP quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước các năm 2020 - 2025 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,42%; 3,46%; 5,98% và 6,93%.

[22] Có 09 địa phương tăng trưởng trên 10% là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam. Hai đầu tầu kinh tế có mức tăng trưởng tốt, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35%.

[23] Đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.

[24] Đến ngày 23/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 18,44% so với cùng kỳ. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được triển khai tích cực, đã cho vay 60 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng quy mô lên 100 nghìn tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia.

[25] Kết quả thu NSNN tăng khá do: (i) Kinh tế những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; (ii) Ban hành kịp thời và tập trung triển khai ngay từ đầu năm các chính sách tài khóa, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN; (iii) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thu thuế…

[26] Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 275,2 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu ước đạt 140,1 tỷ USD, tăng 12,8%; nhập khẩu ước đạt gần 135,1 tỷ USD, tăng 17,3%.

[27] Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng giai đoạn 2020 - 2025 là 5,15 tỷ USD, 5,50 tỷ USD, 5,92 tỷ USD, 5,85 tỷ USD, 6,28 tỷ USD, 6,74 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%.

[28] Nhiều tập đoàn đa quốc gia tích cực đầu tư, đưa vào hoạt động các nhà máy quy mô lớn như dự án Samsung Electronics mở rộng, dự án LG Display & LG Innotek mở rộng, dự án Intel mở rộng, dự án LEGO Group, dự án Amkor Technology mở rộng…

[29] Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng khá như cà phê tăng 52,9%, hạt tiêu tăng 41,6%, cao su tăng 23,7%, thủy sản tăng 14,6%.

[30] Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng ước tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%).

[31] Trong quý I/2025, tổng sản lượng điện toàn hệ thống đạt 67,8 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

[32] Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ tháng 1, 2, 3, 4 tăng lần lượt 9,5%, 9,4%, 10,8%, 11,1%.

[33] Trong quý I/2025, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C ước khoảng 20 - 22%.

[34] Trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Dự án Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (giai đoạn 1); thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt; đẩy mạnh triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ...

[35] Tổng vốn đầu tư của 80 công trình, dự án khoảng 445.000 tỷ đồng (khánh thành 47 và khởi công 33 công trình, dự án).

[36] Thành lập Ban Chỉ đạo về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06. Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số".

[37] Trong quý I/2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 39,06%; có 63/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

[38] Đến hết quý I/2025, đã lắp đặt 10.600 trạm BTS 5G; triển khai Dự án StarLink, trong đó có dịch vụ cố định vệ tinh và dịch vụ di động vệ tinh (tối đa 600 nghìn thuê bao).

[39] Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VneID. Đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử. Hơn 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản.

[40] Trong quý I/2025, xử lý gần 1,3 tỷ hóa đơn, tăng 15%; thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử là 34,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

[41] Tổng số tiền hỗ trợ an sinh xã hội là hơn 20,5 nghìn tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho người có công với cách mạng và thân nhân gần 10 nghìn tỷ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội gần 8 nghìn tỷ đồng.

[42] Các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.943 tỷ đồng. Tặng quà cho 1,66 triệu người có công với cách mạng với kinh phí trên 506,75 tỷ đồng. Hỗ trợ 6 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán cho 402 nghìn nhân khẩu.

[43] Trong 4 tháng, giải ngân 52.736 tỷ đồng với hơn 847 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; xây dựng trên 619 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn...

[44] Các địa phương đã nhận được 2.836,8 tỷ đồng hỗ trợ; cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được trên 201 nghìn căn, trong đó khánh thành 106 nghìn căn và khởi công mới trên 95 nghìn căn.

[45] Thu nhập bình quân của lao động quý I/2025 là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 720 nghìn đồng so với cùng kỳ.

[46] Ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030; Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0...

[47] Đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi; tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, không ghi nhận sự gia tăng bất thường trên phạm vi cả nước.

[48] Công nhận Bệnh viện Trung ương Huế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép gan; Bệnh viện Việt Đức đủ năng lực tổ chức 21 trường hợp ghép tạng trong một tuần, ghép đồng thời gan và thận.

[49] Như: Hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam", Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đất nước trọn niềm vui"…

[50] Gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

[51] Trong 4 tháng đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 98 Nghị định, 12 quyết định quy phạm.

[52] Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

[53] Cơ cấu Chính phủ sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gồm 14 bộ, 03 cơ quan ngang bộ (giảm 05 bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 03 cơ quan thuộc Chính phủ). Giảm 13/13 tổng cục và tương đương; giảm 519 cục và tương đương (giảm 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm 91,7%); giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 38%). Biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22 nghìn người (đạt khoảng 20%).

[54] Trong quý I/2025, cắt giảm, đơn giản hóa 18 quy định kinh doanh và 70 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; phân cấp 36 thủ tục hành chính.

[55] Đã triển khai 1.538 cuộc thanh tra hành chính và 4.135 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 2.058 tỷ đồng, 720 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 26 vụ, 15 đối tượng. Hoàn thành 607 kết luận thanh tra, chiếm 25,4% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra; tiếp nhận 92.290 đơn và đã xử lý 90.024 đơn các loại.

[56] Đã giải quyết 3.661/6.472 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 56,6%.

[57] Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực, nhất là liên quan đến các dự án, đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước…

[58] Trong Quý I/2025, đã điều tra, khám phá 9.468 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,12%. Phát hiện, xử lý 222 vụ, 437 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 1.766 vụ, 2.797 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 7.253 vụ, 13.272 đối tượng phạm tội về ma túy.

[59] Trong 4 tháng đầu năm 2025, số vụ tai nạn giao thông giảm 28,2%; số người chết giảm 8,3%; số người bị thương giảm 37,2% so với cùng kỳ.

[60] Cử 02 đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với 106 cán bộ, chiến sỹ sang Myanmar.

[61] Đã nâng cấp quan hệ với Cộng hòa Séc lên Đối tác Chiến lược, với New Zealand, Singapore và Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ với Thụy Sĩ lên Đối tác toàn diện. Đến nay, đã có 12 nước có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam.

[62] Từ đầu năm đến nay, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có 07 chuyến thăm chính thức các nước và có 16 đoàn các nước thăm chính thức Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, Singapore; gặp Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Thủ tướng Chính phủ họp với Thủ tướng Campuchia và Lào; có các chuyến công tác tới Lào, Ba Lan, Cộng hòa Séc; tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55... Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước thăm chính thức Việt Nam, trong đó có Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ, Tổng thống Brazil, Thủ tướng các nước Nhật Bản, New Zealand, Tây Ban Nha…

[63] Thông qua 2 tuyên bố và 5 đồng thuận quan trọng trong chuyển đổi xanh bền vững. Hai tuyên bố gồm: (i) Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm; (ii) Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác và phối hợp giữa P4G và các tổ chức, cơ chế quốc tế về tăng trưởng xanh. Năm đồng thuận gồm: (i) Huy động tài chính thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; (ii) Khuyến khích nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ xanh; (iii) Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững; (iv) Phát triển và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao; (v) Chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, thân thiện với môi trường.

[64] Trong 4 tháng đầu năm 2025 có 68,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,9%. Trong khi đó, có 89,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9%.

[65] Chỉ đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (12,27%).

[66] Đến cuối tháng 02/2025, các NHTM mới giải ngân 3,4 nghìn tỷ đồng/145 nghìn tỷ đồng (2,34%).

[67] Trong đó, (i) Một số đối tác lớn của Việt Nam (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản…) tăng trưởng chậm lại, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch của Việt Nam; (ii) Lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm chậm hơn so với dự kiến; (iii) Nguy cơ rủi ro an ninh năng lượng, an ninh mạng, biến đổi khí hậu…

[68] Gồm những nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng: (1) Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (NQ số 18-NQ/TW); (2) Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (NQ số 57-NQ/TW); (3) Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (NQ số 59-NQ/TW); (4) Phát triển khu vực kinh tế tư nhân (NQ số 68-NQ/TW).

[69] Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng và đề xuất bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện các chính sách thuế nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

[70] Như Trung Đông, Đông Âu, Mỹ La tinh, Trung Á, Pakistan, Ai Cập, Ấn Độ, Brazil…

[71] Như: Luật Doanh nghiệp; Các Tổ chức tín dụng; Đầu tư; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đấu thầu; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Năng lượng nguyên tử...

[72] Như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)…

[73] Triển khai hiệu quả Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

[74] Các nhiệm vụ thuộc "Đề án xây dựng cơ chế xử lý vật chứng tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc".

[75] Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2,2 nghìn dự án đầu tư.

[76] Như: giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Dung Quất mở rộng, Sư tử trắng 2B…

[77] Đồng thời, thực hiện hiệu quả thực chất Đề án phát triển 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung phát triển các hệ thống logistics trong nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển sàn giao dịch nông sản.

[78] Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Hoà Liên - Tuý Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh…; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, các cảng khu vực Lạch Huyện, thông xe kỹ thuật cầu Rạch Miễu 2 vào ngày 02/9/2025; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nghiên cứu xây dựng tuyến tàu điện ngầm từ Long Thành đến Tân Sơn Nhất, tuyến đường sắt trên cao từ Văn Cao đi Láng Hòa Lạc.

[79] Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc từ Cà Mau xuống cảng Hòn Khoai.

[80] Như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Quảng Trạch 1 (1.430 MW), Nhơn Trạch 3&4 (1.600 MW), đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên…

[81] Phấn đấu triển khai thêm ít nhất 55 nghìn trạm phát sóng mới 5G trong năm 2025.

[82] Sớm xây dựng, ban hành cơ chế đặc biệt thu hút, trọng dụng các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Khẩn trương triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

[83] Tập trung xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035.

[84] Ưu tiên bố trí đủ 3% tổng chi NSNN cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.

[85] Nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, đất đai, phương tiện…

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 8.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025

Đánh giá về bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực. Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước. 

Đặc biệt, Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số). 

Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.

Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.

Thứ tư, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo.

Thứ năm, chủ động ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, điều chỉnh thuế quan; xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có chính sách thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh tế số; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát hiệu quả; kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ chất lượng các quy định mới ban hành, bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, đất đai, quy hoạch để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân. 

Tập trung sửa đổi, bổ sung các luật, quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư… để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Thứ tám, điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Thứ chín, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Thứ mười, chủ động nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp cơ cấu do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; đồng thời, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chủ động, toàn diện công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, nhất quán, có tính dẫn dắt để định hướng kỳ vọng thị trường, tạo sự đồng thuận trong xã hội và khích lệ tinh thần vượt khó phục hồi.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 9.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo một số nội dung chủ yếu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 24/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 20 báo cáo của các tổ chức thành viên và ý kiến của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Đã tổng hợp thành 35 trang, tập hợp khoảng 1.737 lượt ý kiến với 142 trang, gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sau đây là nội dung chủ yếu về ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Về những vấn đề chủ yếu cử tri và Nhân dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, đồng tình ủng hộ rất cao, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá rất cao Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, phục vụ doanh nghiệp và người dân, “ý đảng hợp với lòng dân”. 

Cử tri và Nhân dân cho rằng, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, lần thứ 11 Khóa XIII; Kỳ họp thứ 8, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội Khóa XV thực sự là dấu mốc lịch sử, quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận, ủng hộ cao với các chủ trương lớn của Đảng và nhà nước như: Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”; Chủ trương miễn học phí cho học sinh từ giáo dục mầm non đến hết bậc trung học phổ thông; Cuộc vận động cả nước chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025 và xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; Cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đánh giá cao Đảng và Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách rất phù hợp cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Chủ trương ưu tiên bố trí cơ sở vật chất (vật kiến trúc, đất đai) dôi ra sau sắp xếp tổ chức bộ máy cho 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cử tri và Nhân dân; Cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân rất vui mừng phấn khởi khi Đảng và Nhà nước đã chính thức xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ “nút thắt” “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025; Vui mừng, phấn khởi, tự hào, tự tin về kết quả đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đã tăng cường các chuyến thăm, làm việc với các nước; đồng thời nhiều nguyên thủ các nước cũng đến thăm và làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta... nâng tầm vị thế của đất nước.

Chủ trương tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cấp quốc gia, với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, đa dạng, ý nghĩa. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao và hoan nghênh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng, gặp khó khăn khi phải chuyển đến làm việc ở đơn vị hành chính mới; băn khoăn lo lắng về chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ, làm cho giá vàng, tỷ giá đồng USD, thị trường chứng khoán biến động mạnh ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; lo lắng, bức xúc, bất bình và lên án mạnh mẽ đối với một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây như: Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả: “sữa giả”, “thuốc giả”, “thực phẩm kém chất lượng”; tình trạng lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.

Cử tri và Nhân dân còn lo ngại việc gia tăng một số bệnh như: dịch cúm, sởi, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh dại do chó mèo cắn; bức xúc tình trạng một số người giả danh các cơ quan chức năng gọi điện thoại, nhắn tin, lôi kéo, dọa nạt người dân hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; đăng tin thất thiệt, giật tít “câu like” “câu view” một số clip đăng tải vi phạm thuần phong, mỹ tục gây tác hại xấu cho xã hội…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả “gần dân, sát dân” chủ động phục vụ Nhân dân là một việc rất hệ trọng, chưa có tiền lệ, tác động sâu rộng đến toàn xã hội. 

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh vướng mắc, phát sinh (nếu có) để đạt được yêu cầu của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “vừa chạy vừa xếp hàng”; “không được để gián đoạn công việc”; “bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ”; chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước đấu tranh quyết liệt, kiên quyết xử lý chặn đứng, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; chấm dứt tình trạng sử dụng sim rác gọi điện chiếm đoạt thông tin cá nhân lừa đảo, đăng tin thất thiệt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân.

Đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; đề nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu phát động một số cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước quy mô lớn, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc để phát huy mọi nguồn lực, hiệu triệu mọi người dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đi đôi với áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn nguồn nước, không khí, môi trường sống của người dân, phòng chống một số bệnh nguy hiểm do ô nhiễm môi trường gây ra, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 10.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đề cập về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.033 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó: 2.032 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 99,95%. 

Kết quả cụ thể: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 38/38 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới. Đặc biệt chú trọng tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới.

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã trả lời 1.946/1.947 kiến nghị. Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Việc giải quyết kịp thời các kiến nghị đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, ổn định tình hình và cải thiện đời sống Nhân dân...

Đối với một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai do Bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. 

Qua giám sát cho thấy, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai do chưa ban hành Danh mục. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục trên. 

Về quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ: Từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri tại nhiều địa phương liên tục đề nghị giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động, được nhận hai chế độ trợ cấp. 

Qua giám sát cho thấy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Người có công thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Nghị định số 131 quy định: Trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì được hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng. 

Tuy nhiên, Nghị định số 131 chỉ quy định hồ sơ, thủ tục cho người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hưởng thêm trợ cấp thương binh, mà chưa đề cập quy trình giải quyết cho những người trước đây đã thôi hưởng trợ cấp mất sức để nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng khôi phục lại quyền lợi về chế độ mất sức. 

Qua giám sát đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi đầy đủ, thống nhất và công bằng. 

Bộ Nội vụ đã tiếp thu, đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Về một số kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được giải quyết: Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị thay thế Thông tư số 08/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.

Qua giám sát cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo thông tư thay thế, đăng tải lấy ý kiến từ 01/7/2020. Tuy nhiên, gần 05 năm trôi qua, thông tư thay thế vẫn chưa được ban hành. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 08.

Cử tri nhiều địa phương kiến nghị thay thế Thông tư liên tịch số 200/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao.

Qua giám sát cho thấy, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều thống nhất cần thiết phải thay thế Thông tư số 200. Tuy nhiên, quá trình xác định cơ quan chủ trì ban hành văn bản còn vướng mắc.

Tiếp thu ý kiến qua giám sát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản thay thế. Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền. Kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 200.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 11.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Trình bày Tờ trình tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. 

Theo đó, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. 

Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 03 cấp là: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. 

Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của Mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.

Mô hình chính quyền địa phương 03 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. 

Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến Nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 02 nhóm nội dung:

1. Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội;

2. Các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng báo cáo với Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH dự kiến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 12.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 13.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 14.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 5/5, trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự lễ viếng có Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tham dự lễ viếng có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 15.

Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Trong tiếng quân nhạc trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 16.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 17.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 18.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Kết thúc lễ viếng, các vị đại biểu Quốc hội trở về Nhà Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị vào 08 giờ 00 phút. 

Tại phiên trù bị, các vị đại biểu Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 19.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 20.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 21.

Kết thúc lễ viếng, các vị đại biểu Quốc hội trở về Nhà Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 22.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội. 

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 23.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Kỳ họp thứ 9 quyết định các vấn đề có tính chất lịch sử với sự phát triển của đất nước

Trước đó, chiều 4/5, Bí thư Đảng uỷ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị giữa Ban Thường vụ Đảng uỷ Quốc hội với Tổ trưởng Tổ đảng - Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11. 

Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Đảng uỷ Quốc hội đã phối hợp với Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai rất nhiều công việc quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9; Báo cáo Bộ Chính trị về dự kiến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp; Các nội dung lớn, trọng tâm trình tại Kỳ họp đều được xin ý kiến Bộ Chính trị.

Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã họp liên tịch để thống nhất về dự kiến Chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội; Tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên chỉ đạo rà soát, đôn đốc tiến độ gửi tài liệu Kỳ họp để đại biểu tiếp cận trước nội dung.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 24.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 9 khai mạc vào sáng ngày 5/5/2025 và dự kiến bế mạc ngày 30/6/2025, được tổ chức thành 02 đợt. Thời gian nghỉ giữa 2 đợt là 12 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Để đảm bảo Kỳ họp thứ 9 diễn ra thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đề nghị các Tổ trưởng Tổ đảng - Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội quán triệt sâu sắc, bám sát những định hướng, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 11 để xem xét, cho ý kiến từng dự án luật, nghị quyết. 

Đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào sửa đổi, bổ sung 08/120 điều, với 02 nhóm nội dung: Các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 25.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Cho biết, thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025 để có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Dự kiến, sẽ dành khoảng 1 tháng (từ ngày 6/5 đến hết ngày 5/6) để lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các công đoạn phải tiến hành rất khẩn trương nhưng cũng phải rất cận trọng, kỹ lưỡng.

Liên quan đến việc thể chế hóa Kết luận số 150 của Bộ Chính trị về việc tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan đến các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các Ban của HĐND và Ủy viên UBND; Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội thống nhất sẽ quy định chuyển tiếp tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với nội dung đúng như chỉ đạo tại Kết luận số 150.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật trực tiếp điều chỉnh các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và 01 Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

“Công việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung đặc biệt quan trọng, có tính chất lịch sử đối với sự phát triển của đất nước. Chủ trương này của Đảng được hầu hết người dân quan tâm, ủng hộ, đồng tình cao”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng để đạt chất lượng cao nhất.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 26.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Đối với 6 dự án luật cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần quan tâm thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng; tính hợp lý, khả thi của các quy định để làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đồng chí Trưởng đoàn có trách nhiệm giải thích rõ ràng đến các đại biểu trong đoàn về chủ trương rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cũng như việc quyết định ngày bầu cử Quốc hội khóa XVI và bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

“Kỳ họp lần này là lịch sử của lịch sử, nhiều vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Chưa bao giờ chúng ta làm cách mạng về tinh gọn bộ máy lớn như thế. Giai đoạn một chúng ta sáp nhập các cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, cơ quan Chính phủ, ở các địa phương. 

Nhưng giai đoạn hai này là giai đoạn cực kỳ khó khăn, không đơn giản. Đòi hỏi chúng ta phải lãnh đạo cả về chính trị, tư tưởng, để thực hiện cuộc cách mạng thành công, thần tốc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phải thực sự đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, dành thời gian tối đa cho hoạt động của Quốc hội, chủ động nghiên cứu tài liệu, sâu sát vấn đề. 

Mỗi ý kiến đóng góp phải xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất với đất nước và cử tri; đấu tranh với tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự thành công của Kỳ họp, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 27.

Dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp lịch sử, tạo hành lang pháp lý thực hiện các chủ trương lớn đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới 

Trao đổi trên Báo Đại biểu Nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh, những nội dung Quốc hội bàn và quyết định tại Kỳ họp sẽ thể chế hóa, triển khai ngay Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, tạo hành lang pháp lý thực hiện các chủ trương lớn, khơi thông các điểm nghẽn, tiếp tục đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, tác động sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị và đời sống nhân dân trong nhiều năm tới.

Theo ông Lê Quang Tùng: Hội nghị Trung ương 11 là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, thì Kỳ họp thứ 9 chính là Kỳ họp lịch sử nhằm thể chế hóa, triển khai ngay Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các định hướng chiến lược về cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp lại đơn vị hành chính, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực, góp phần quan trọng tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 52 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Với chương trình nghị sự đồ sộ, hệ trọng, Kỳ họp thứ 9 cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt của Quốc hội, đồng thời cũng thể hiện sự đồng bộ giữa Đảng lãnh đạo, Quốc hội thể chế hóa và Chính phủ tổ chức thực hiện.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 28.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng: Nhiệm vụ hệ trọng bậc nhất của Kỳ họp thứ 9 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

Nhiệm vụ hệ trọng bậc nhất của Kỳ họp thứ 9 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

Ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh, nhiệm vụ hệ trọng bậc nhất của Kỳ họp thứ 9 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến của Việt Nam vì với việc sửa đổi lần này, chúng ta sẽ thiết lập nền tảng hiến định cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp gồm: Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các nội dung công việc liên quan đến sửa đổi Hiến pháp là minh chứng sinh động cho tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” bởi khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 theo yêu cầu của Trung ương. 

Do vậy, các nội dung về sửa đổi Hiến pháp sẽ được trình Quốc hội, tiến hành thảo luận tại tổ ngay trong ngày làm việc đầu tiên, 5/5, để ngày 6/5 triển khai ngay việc lấy ý kiến nhân dân.

Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW của Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã khẩn trương tiến hành rà soát và xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, tập trung vào 2 nhóm nội dung: Một là, quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các Điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng).

Hai là, quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Ngay sau khi được Quốc hội thảo luận, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian khoảng 1 tháng. Sau đó, các cơ quan sẽ có 5 ngày để tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với các hình thức đa dạng, phong phú trên các nền tảng báo in, điện tử, truyền thông số… để các cơ quan, tổ chức và Nhân dân biết, tham gia ý kiến đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung; phản ánh chính xác, toàn diện nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường để kịp thời tuyên truyền tới cử tri và Nhân dân, đồng thời ghi nhận, phản ánh sâu sắc ý kiến đóng góp của các tầng lớp Nhân dân để các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”

Ông Lê Quang Tùng chia sẻ: Qua tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín, chúng tôi ghi nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân đối với chương trình nghị sự của Quốc hội, nhất là việc Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết về: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi…

Cử tri và Nhân dân hết sức phấn khởi, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào các nội dung trên, bởi Quốc hội sẽ đặt nền tảng pháp lý cho việc thực hiện những chủ trương rất lớn, rất nhân văn, thể hiện sâu sắc bản chất của chế độ chúng ta, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh, đích đến cuối cùng là chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Việc sửa đổi Hiến pháp hay sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội… không chỉ là mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước, mà còn hiện thực hóa chủ trương rất lớn của Đảng ta về “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”, hay nói một cách giản dị như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn, đó là “bao nhiêu lợi ích đều vì Dân”.

Ông Lê Quang Tùng tin tưởng, trên cơ sở sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, với sự quán triệt sâu sắc các chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và trách nhiệm cao nhất trước cử tri, Nhân dân và đất nước, các ĐBQH sẽ tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhất trọng trách của Quốc hội, thể chế hóa các quyết sách lịch sử của Đảng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đất nước bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 29.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)

Thể hiện tư duy phát triển mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị

Theo ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Kỳ họp thứ Chín là kỳ họp mang tính lịch sử, với thời gian họp dài nhất trong nhiệm kỳ Khoá XV, có khối lượng công việc rất lớn, trong đó Quốc hội sẽ ưu tiên xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Tôi tin tưởng kỳ họp sẽ tạo xung lực mới cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.

Xem xét, quyết định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Kỳ họp nhận được sự quan tâm của ĐBQH và đông đảo cử tri. Việc sáp nhập tỉnh sẽ góp phần tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. 

Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện tư duy phát triển mới, không chỉ dừng ở mục tiêu tinh giản đầu mối mà hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước hưng thịnh. 

Việc sắp xếp lại các tỉnh sẽ giúp tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị; đồng thời tạo không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ để các địa phương, vùng miền cùng phát triển.

Các nội dung, nhóm nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp đều là những vấn đề hệ trọng, không chỉ mang ý nghĩa trong hiện tại mà tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. 

Đặc biệt, những nội dung được ưu tiên xem xét, quyết định để phục vụ công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những điều kiện cần thiết để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 30.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Bản lĩnh, trí tuệ, tập trung cao độ cho Kỳ họp

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, dự kiến sắp xếp chương trình, nội dung Kỳ họp khá hợp lý, phù hợp và khoa học. Cụ thể như dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận về Hiến pháp ngay trong ngày làm việc đầu tiên. 

Đây là công việc quan trọng cần ưu tiên bởi Hiến pháp sẽ là khởi nguồn để Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật khác; đồng thời sẽ tạo điều kiện để lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và Nhân dân, góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Với ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp, tôi tin rằng, các ĐBQH sẽ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tập trung cao độ đóng góp các ý kiến để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, thông qua những quyết sách mang tính đột phá, giải quyết những điểm nghẽn phát triển, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Đặc biệt, các quyết sách về thể chế, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế cần thể hiện tầm nhìn chiến lược, kiến tạo một tương lai phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước, hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 31.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An

Tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ để kỳ họp thành công tốt đẹp

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Lê Thị Song An, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là kỳ họp có thời gian họp dài nhất, xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, có tính cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị Trung ương 11, trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan nhằm thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính.

Bên cạnh các nội dung, nhóm nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, Quốc hội còn xem xét, quyết định các nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri Long An gửi gắm niềm tin và kỳ vọng Quốc hội sẽ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện thành công cuộc “cách mạng” về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số; triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tháo gỡ những điểm nghẽn pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đầu tư, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công… tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Với khối lượng công việc rất đồ sộ, công tác chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp được Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện rất khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và bám sát quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Dưới sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự triển khai khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp, đại biểu tin rằng, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng. 

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 32.

Đại biểu Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Tạo xung lực mới cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ

Trao đổi trên Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, bám sát chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn, ông đặc biệt quan tâm đến chương trình nghị sự quan trọng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề hệ trọng thuộc cả hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của quốc gia.

Đặc biệt, hàng loạt dự án luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững sẽ được xem xét.

Chẳng hạn, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đồng thời sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước nhằm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cùng các chính sách kinh tế – xã hội trọng điểm khác.

Đây là sự cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, thể hiện quan điểm coi khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ chốt cho phát triển nhanh, bền vững.

Đại biểu Trần Văn Khải tin tưởng kỳ họp sắp tới sẽ tạo xung lực mới cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.

Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cần phù hợp với đặc thù của từng địa phương

Bày tỏ tán thành chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng: Quan trọng hơn, chủ trương này thể hiện tư duy phát triển mới, không chỉ dừng ở mục tiêu tinh giản đầu mối mà hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển đất nước hưng thịnh.

Việc sắp xếp lại các tỉnh sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị; đồng thời tạo không gian phát triển mới và động lực mạnh mẽ để các địa phương, vùng miền cùng phát triển.

Để triển khai hiệu quả, đại biểu đề xuất quá trình sắp xếp, sáp nhập cần có lộ trình khoa học, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân.

Đồng thời sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý và có chính sách thỏa đáng đối với nhân sự dôi dư.

Đại biểu nhấn mạnh: Nếu làm tốt, việc sáp nhập tỉnh sẽ góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, phát huy nguồn lực và tạo động lực cho phát triển bền vững lâu dài.

TỔNG THUẬT: QUỐC HỘI KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9- KỲ HỌP ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG, QUYẾT ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ- Ảnh 33.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy: Từ ngày 6/5/2025 sẽ tiến hành công bố nghị quyết để lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Đề xuất rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Chiều 4/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan của Quốc hội đã trả lời nhiều vấn đề báo chí quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến sắp xếp bộ máy; sửa đổi Hiến pháp; rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV...

Về việc sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 44. Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước.

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc (thông thường vào tháng 1), công tác bầu cử được tiến hành vào tháng 5, tức là có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về tổ chức nhân sự các cơ quan Nhà nước, gắn với yêu cầu kiện toàn nhân sự trong Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, để làm sao cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân lần tới được tiến hành gần nhất có thể sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự các cơ quan nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước trong quá trình tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo công tác bầu cử tiến hành khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu, đảm bảo quyền công dân về bầu cử và ứng cử.

Có thể góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 qua ứng dụng VNeID

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo kế hoạch, từ ngày 6/5/2025 sẽ tiến hành công bố nghị quyết để lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Trong đó, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức lấy ý kiến truyền thống, người dân có thể tham gia ý kiến trực tuyến qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Đây là điểm mới và tạo thuận lợi hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thùy cho biết thêm: Dự kiến sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 8/120 điều của Hiến pháp.

 

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
TOÀN CẢNH LỄ DIỄU BINH, DIỄU HÀNH KỶ NIỆM 50 NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: HÀO HÙNG ĐI GIỮA LÒNG NHÂN DÂN

TOÀN CẢNH LỄ DIỄU BINH, DIỄU HÀNH KỶ NIỆM 50 NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: HÀO HÙNG ĐI GIỮA LÒNG NHÂN DÂN

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức diễn ra vào 6h30 ngày 30/4/2025.

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

LỊCH NGHỈ LỄ QUỐC KHÁNH 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ Lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử từ 1 triệu đồng trở xuống.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi