Cụ thể, tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035" với mục tiêu tổng quát là phát triển ngành Dệt May và Da Giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.
Để đạt được mục tiêu chung, Chiến lược đưa ra các giải pháp trọng tâm về: 1- Phát triển thị trường; 2- Thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước; 3- Phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất; 4- Tổ chức quản lý; 5- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 6- Đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt May, Da Giầy; 7- Cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn.
Đẩy manh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại
Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng; đẩy manh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, đầy đủ chính xác và kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng. Đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt may, da giầy thông qua các nền tảng giải trí, văn hóa xã hội như phim truyền hình, âm nhạc, sự kiện thời trang.
Xây dựng kế hoạch phát triển các thương hiệu dệt may, da giầy Việt Nam, đưa thương hiệu Việt Nam vào chuỗi bán lẻ toàn cầu; nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh; nghiên cứu sở hữu các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài.
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, thanh toán... giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; xúc tiến việc xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có chế tài xử lý nghiêm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước, tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; có các biện pháp kiểm soát chống gian lận xuất xứ.
Tăng cường chuyển đổi số
Các doanh nghiệp sẽ tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy; xây dựng và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức và phát triển mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu; xây dựng hình ảnh của ngành Dệt May, Da Giầy Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may, da giầy; khuyến khích thành lập hiệp hội hoặc chi hội về thời trang dệt may, da giầy để tạo môi trường chung cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp dệt may, da giầy; thúc đẩy liên kết thời trang Việt Nam với các hiệp hội thời trang thế giới; triển khai và đẩy mạnh các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; giữa tập đoàn, doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vệ tinh,... để tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may, da giầy toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng.
Đồng thời, phát triển đầu tư các dự án sản xuất nguyên liệu tổng hợp dẫn xuất từ dầu mỏ; sản xuất xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chi số cao, chất lượng cao; sản xuất dệt, nhuộm, hoàn tất và công nghiệp hỗ trợ…
Vũ Phương Nhi