Một số bất cập trong thi tuyển công chức
Thực tiễn hiện nay, việc tuyển dụng công chức đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, theo đó, các quy định đã khá chặt chẽ và đầy đủ, tổ chức thi tuyển thành 02 vòng.
Các thí sinh qua được vòng 1 – vòng sàng lọc, lựa chọn (đối với các môn kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học) để tiếp tục tham dự thi vòng 2.
Bên cạnh một số ưu điểm như việc ứng dụng công nghệ thông tin ở vòng 1 để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, khách quan, công bằng, minh bạch; giảm thiểu số lượng thí sinh tham dự vòng 2 nhằm tiết kiệm, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn công chức cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi còn có những bất cập: Một số cơ quan, tổ chức còn lúng túng trong việc ra đề thi, chất lượng đề không đồng đều, nhiều cơ quan tổ chức thi không chuyên nghiệp. Nội dung câu hỏi khó đánh giá được khả năng hiểu biết xã hội, năng lực tư duy, mức độ khó, dễ có độ chênh lệch giữa các kỳ thi, vì thế khó đảm bảo những người trúng tuyển và trở thành công chức có cùng mặt bằng năng lực và đáp ứng được yêu cầu công việc.
Mặt khác, việc tổ chức thi vòng 1 ở tất cả các cơ quan dẫn đến lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực; phần mềm sử dụng thi trên máy tính chưa được xem xét, đánh giá, chưa thành quy định bắt buộc trong công tác thi tuyển công chức.
Nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào công chức trong toàn quốc
Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm đổi mới phương thức, nội dung kiểm định nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào công chức trong toàn quốc; đồng thời tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian trong quy trình tuyển dụng, giúp các cơ quan tuyển được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị không phải thực hiện thi công chức hai vòng như hiện nay, mà sau khi qua vòng kiểm định chỉ tổ chức thi một vòng nghiệp vụ chuyên ngành để lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ .
Chỉ áp dụng với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua phương thức thi tuyển
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Nghị định này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, hình thức và thẩm quyền thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia tuyển dụng vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định này chỉ áp dụng thực hiện đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua phương thức thi tuyển.
Về quy định chuyển tiếp, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Các nội dung chính và điểm đổi mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm:
Thứ nhất, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là một trong những nội dung quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định.
Việc thống nhất kiểm định tập trung trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Giá trị được sử dụng trong toàn quốc, sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các Bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.
Thứ hai, điểm nổi bật nhất của việc kiểm định là đổi mới về nội dung kiểm định theo hướng tập trung đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn của thí sinh.
Các hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức.
Thứ ba, việc tổ chức kiểm định sẽ được thực hiện định kỳ 2 lần/năm và theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tuyển dụng, bảo đảm quyền lợi của thí sinh và bảo đảm sự chủ động của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
Thứ tư, là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kiểm định, theo đó thí sinh có thể lựa chọn đăng ký tham dự kiểm định qua trang thông tin về kiểm định (nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng), việc tổ chức kiểm định trên máy vi tính, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan.
Thứ năm, công khai kết quả kiểm định trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng tuyển dụng sát với vị trí việc làm. Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng.