Cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế thông qua tổ chức chi trả thu nhập, bao gồm:
Trường hợp thứ nhất, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
Trường hợp thứ hai, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% và cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Chúng ta lưu ý nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với khoản thu nhập vãng lai này thì cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Trường hợp thứ ba, cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:
+ Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế nhưng thuộc diện phải QTT TNCN thì trực tiếp quyết toán thuế với CQT trên toàn bộ thu nhập phát sinh trong năm.
(CHI CỤC THUẾ KHU VỰC I)