Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
Một số nội dung chưa áp dụng ngay mà phụ thuộc lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Bên cạnh nhiều điểm mới, một số nội dung quy định xử phạt tại Nghị định này chưa áp dụng ngay mà còn phụ thuộc vào lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo Điều 26 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường quy định như sau: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, việc xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện theo lộ trình chậm nhất vào ngày 31/12/2024.
Ngày 25/8 là thời điểm Nghị định trên có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.
Điều này tương tự như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình.
Đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn. Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… tại địa phương mình để quy định chi tiết. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.
Theo Điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, nội dung trên được quy định thực hiện chậm nhất vào ngày 31/12/2024 tại Điều 79 của Luật này.
Tương tự như đối với một hành vi vi phạm hành chính mà theo quy định có lộ trình thực hiện như: lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn… Nghị định số 45 đã quy định đầy đủ chế tài để đảm bảo đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc áp dụng xử phạt đối với các hành vi này phải căn cứ vào thời điểm tổ chức, cá nhân bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm đó theo quy định của pháp luật.