Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm

18/07/2022 06:12

(Chinhphu.vn) - Nếu đặt ngành du lịch đúng vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn của một quốc có nhiều tiềm năng du lịch như Việt Nam thì cần có bộ máy quản lý du lịch đủ tầm; hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương ổn định, đồng bộ, thống nhất để điều tiết quan hệ vùng; liên kết giữa các ngành, vùng, cụm, nhóm trong lĩnh vực du lịch phải được bền chặt, vững chắc mới mang lại những giá trị du lịch cao.

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 1.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Du lịch đã chứng minh được những nỗ lực vượt bậc để phục phồi nhanh chóng

Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng khách ấn tượng. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 4,3 lần và khách du lịch nội địa tăng 5,3 lần.

Từ năm 2016 đến trước năm 2019, du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục với 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018 và tăng 1,8 lần so với năm 2016. Khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 23 triệu lượt so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch tương đương 9,2% GDP cả nước. Giai đoạn này tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới.

Trước khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất thì tháng 01/2020 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục là 2 triệu lượt trong một tháng.

Du lịch đã chứng minh được những nỗ lực vượt bậc để phục phồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 kể từ khi mở lại hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Chỉ 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã phục vụ được 60,8 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019), vượt mục tiêu 60 triệu lượt của cả năm 2022. Lượng khách quốc tế tăng lên với tốc độ nhanh chóng qua từng tháng.

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 2.

Đặc biệt trong suốt thời gian qua, du lịch Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và liên tiếp nhận các giải thưởng quốc tế. Mới đây nhất theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày 24/5/2022 vừa qua, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới. Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 đánh giá, xếp hạng 117 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 17 chỉ số trụ cột. Trong 17 chỉ số trụ cột, du lịch Việt Nam có 6 chỉ số được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35), gồm có: (1) Sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 15 thế giới; (2) Tài nguyên tự nhiên, xếp hạng 24; (3) Tài nguyên văn hóa, xếp hạng 25; (4) Hạ tầng hàng không, xếp hạng 27; (5) Tài nguyên phi giải trí, xếp hạng 29; (6) An toàn, an ninh, xếp hạng 33. Đây là bước tiến bộ đột phá so với năm 2019 khi Việt Nam chỉ có 3 chỉ số được xếp vào nhóm này là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, những chỉ số trên và sự ghi nhận của quốc tế là dấu hiệu tích cực, thể hiện những nỗ lực cố gắng của toàn ngành du lịch Việt Nam. Trong đó có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư, các địa phương với khát vọng phát triển du lịch để góp phần khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Đây cũng là thành quả của một quá trình nỗ lực không ngừng của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại hoàn toàn du lịch khi có đủ điều kiện cho phép.

Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Sự phát triển đó cũng đã được đánh giá và ghi nhận tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội.

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 3.

Sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong du lịch còn thấp

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ngành du lịch còn tồn tại một số hạn chế, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Các nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề vướng mắc mà ngành du lịch đang gặp phải, dẫn đến du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đó là: Các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch…

Nhấn mạnh đến sự phối hợp liên ngành, liên vùng, ông Hà Văn Siêu cho biết, các thể chế, chính sách về phát triển du lịch cần chú trọng tới sự liên thông, liên kết giữa các ngành, các vùng để cùng phát triển du lịch.

"Ngành công an, ngoại giao về xuất nhập cảnh, các chính sách thị thực; ngành giao thông kết nối đường bộ, đường hàng không, đường sông, đường biển; đầu tư vào hạ tầng giao thông. Ngay trong ngành văn hóa và ngành du lịch cũng cần phải có sự liên kết chặt chẽ. Công nghiệp văn hóa phải phát triển tương xứng như thế nào để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Chính sách visa cần linh hoạt và khôn khéo hơn để đã miễn thị ta phải giữ khách lưu lại lâu hơn, đã miễn thì miễn đàng hoàng hơn; còn không chỉ cần thuận tiện, nhanh chóng mà làm hài lòng khách hàng.

Thực tế, nhiều nước miễn thị thực 30 ngày, tuy nhiên ở Việt Nam phần lớn các quốc gia mới đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, trong khi đó du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu đi du lịch lâu hơn. Điều đó dẫn đến không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.

"Mặc khác, điều kiện cơ sở hạ tầng, từ sân bay, nhà ga, cảng biển, hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng… cũng cần được nâng cấp với tầm nhìn dài hạn tránh tình trạng mới nâng cấp được vài năm lại quá tải. Do đó, những chính sách liên quan đến du lịch cần phải được không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thị trường", ông Hà Văn Siêu nói.

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 4.

Cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để huy động các nguồn lực, sự liên kết giữa các địa phương theo tính chất liên vùng, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả địa phương. Cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là chuỗi giá trị du lịch Việt Nam phải nằm trên hành trình khách đến Đông Nam Á và kết nối trên phạm vi toàn cầu. Như vậy du lịch Việt Nam mới gắn kết và đặt vào chuỗi kết nối du lịch trong phạm vi toàn cầu.

Tính kết nối của du lịch càng dễ nhận thấy khi đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến. Du lịch "trọng thương" kéo theo một loạt các ngành khác cũng lao đao. Du lịch gặp khó khăn khiến các ngành dịch vụ, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, công nghiệp, các doanh nghiệp... đều bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu du lịch phát triển thì cũng thúc đẩy các ngành khác bởi tất cả đã thành chuỗi giá trị cung ứng, ngành này phát triển hỗ trợ ngành khác phát triển đi theo. Chúng ta bàn nhiều giải pháp nhưng giải pháp quan trọng nhất là liên kết giữa các bên. Liên kết hợp tác là chìa khóa mở ra cho việc phát triển du lịch của Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng cũng có nhiều nhiệm vụ "té nước theo mưa" khi nhu cầu đến chúng ta mới làm. Điều đó dẫn đến hiệu quả du lịch đạt được chưa cao. Đơn cử, số lượng khách du lịch năm 2019, chúng ta đón 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch là 755 ngàn tỷ đồng, như vậy tổng thu vẫn thấp so với lượng khách. Qua đó cho thấy hiệu quả du lịch chưa đúng với mong đợi, so với các nước chỉ số này là thấp.

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 5.

Đã có hàng loạt những cái "bắt tay chiến lược" để phát triển du lịch

Vừa qua, đã có hàng loạt những cái "bắt tay chiến lược" giữa các địa phương, các tập đoàn lớn để phát triển du lịch Việt Nam. Nhiều vấn đề về liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo nhưng chưa tạo ra sản phẩm liên kết theo đúng yêu cầu du lịch, các sản phẩm liên kết còn hời hợt, hình thức, chương trình du lịch xuyên tỉnh, liên vùng đạt hiệu quả chưa cao.

Ông Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch muốn phát triển nhưng còn nhiều khó khăn hiện hữu cả về nguồn lực, trình độ, cơ chế, sự không đồng nhất giữa các bộ ngành; không có thiết chế điều tiết. Điều đó đòi hỏi phải có sự đổi mới cả về cơ chế, thể chế, đầu tư, bộ máy, con người, những vấn đề chung cần phải phối hợp liên kết với nhau. Câu chuyện liên kết luôn là bài toán muôn thuở cần phải giải. Chỉ có liên kết mới tạo ra sức mạnh mới, sức mạnh này thể hiện tính đa dạng, liên thông, nhờ có công nghệ hỗ trợ cho việc liên kết hiệu quả hơn, nhanh hơn.

"Thực chất những chính sách đầu tư cho du lịch, đầu tư những lĩnh vực khác liên quan đến du lịch đã được quy hoạch để hướng đến phục vụ du lịch hay chưa hay vẫn tự phát, mạnh ai người đấy làm? Các ngành, địa phương đã có tư duy hướng về sự phát triển du lịch vì lợi ích quốc gia dân tộc, đưa quốc gia dân tộc thành cường quốc du lịch hay chưa? Tính liên kết vùng đã được giải quyết như thế nào? Điều đó đòi hỏi vừa phải có chính sách vừa phải có bộ máy đủ mạnh để thực thi, mới huy động được các ngành, các địa phương cùng vào cuộc", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Minh chứng cho sự liên kết nếu bền chặt sẽ đạt hiệu quả cao và tạo ra chuỗi giá trị cung ứng liên ngành. Đó là du lịch kết hợp với nông nghiệp. Những chương trình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng vừa qua được tổ chức rất thành công. "Một mũi tên trúng nhiều đích" khi sự kết hợp này góp phần nâng cao giá trị về nông sản, thương hiệu hình ảnh nông sản Việt Nam, đời sống người dân điểm đến được cải thiện…

Việt Nam cần bộ máy quản lý du lịch đủ tầm - Ảnh 6.

Hệ thống tổ chức ngành du lịch phải đồng bộ, thống nhất, ổn định

Vấn đề nữa cần bổ sung ở góc độ cạnh tranh thế giới. Du lịch là ngành hội nhập, phải thích ứng với thế giới, do đó tiếng nói của ngành du lịch phải đủ mạnh, những ngành liên quan đến du lịch cũng phải chuyển biến theo thì du lịch Việt Nam với thế giới mới thu hẹp lại. Du lịch ngành tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực tuy nhiên hiện nay lại phụ thuộc khá nhiều vào ngành khác. Bài toán cạnh tranh chính ở chỗ đó. Khi mình làm chủ được sân đa phương trong hợp tác quốc tế, khi những vấn đề chúng ta đưa ra được các quốc tế chấp nhận thì mới chiếm lĩnh được trận địa trên cộng động quốc tế.

Cơ cấu tổ chức của ngành du lịch có những sự biến động trong thời gian qua cũng là hạn chế làm cho sự quản lý của ngành không được liên tục liền mạch. Bản thân ngành du lịch liên quan đến nhiều ngành, nên mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành không được liền mạch, tạo ra những "chơi vơi" khi thực thi những quyết định quản lý cần sự phối hợp của các ngành khác. Mỗi lần tách nhập thất thoát nhân lực cao, chất lượng nhân lực làm về tham mưu, chính sách quản lý không được ổn định, chuyên sâu, không được duy trì theo dòng lịch sử bền chặt và chất lượng.

Nếu đặt ngành du lịch đúng vị trí là một ngành kinh tế mũi nhọn của một quốc có nhiều tiềm năng du lịch như Việt Nam thì cần có bộ máy quản lý du lịch đủ tầm; hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương đồng bộ, thống nhất để điều tiết quan hệ vùng; tổ chức bộ máy ổn định để thiết lập các quan hệ liên ngành, liên vùng một cách vững chắc; cán bộ quản lý du lịch đủ khỏe thì ngành du lịch mới có cơ hội vượt lên, dẫn dắt lan tỏa các ngành khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đi lên.

Diệp Anh

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi