Tổ chức tín dụng "kháng chỉ", ép người vay tiền mua bảo hiểm
Thời gian qua, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản có liên quan.
Cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
Không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bao hiểm.
Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/“ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm tổ chức tín dụng ép người vay tiền mua bảo hiểm
Ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm.
Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Đồng thời, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ép người vay tiền mua bảo hiểm
Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước:
(024) 3.826.6344
(024) 3.936.1017
- Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn
Đường dây nóng của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chi tiết đường dây nóng cụ thể như sau: Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn, Hotline: 024.22208018
Ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm là vi phạm nguyên tắc "tự nguyện"
Bộ Tài chính vừa phát thông cáo báo chí về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm.
Theo đó, trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư, khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).
Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay.
Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quan trọng.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, bao gồm bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức.
Theo đó, ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ; giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiện đang trình Chính phủ để xem xét, thông qua), Bộ Tài chính cũng đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối này như: Bổ sung nhóm quy định liên quan đến các điều kiện đối với đại lý bảo hiểm là ngân hàng.
Bổ sung nhóm các quy định về nguyên tắc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng đối với doanh nghiệp buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn bảo hiểm;
Bổ sung nhóm quy định về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu minh họa bán hàng và tài liệu giới thiệu sản phẩm, cần thể hiện rõ các quyền lợi bảo hiểm mà sản phẩm mang lại, tránh cách diễn đạt không rõ ràng, gây kỳ vọng sai hoặc hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm.
Đối với các tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm phân phối qua tổ chức hoạt động đại lý, tài liệu minh họa bán hàng phải có thêm những thông tin tối thiểu sau đây: tên, địa chỉ của tổ chức; nội dung được ủy quyền theo hợp đồng đại lý; tên, số chứng chỉ đào tạo đại lý của nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý; đồng thời phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm, không phải là sản phẩm của các tổ chức hoạt động đại lý.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra; chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như: thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Đồng thời, hoạt động giám sát được thực hiện độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã chủ động làm việc với lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN và trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp với cơ quan này để hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.
Hai bên thực hiện phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm và sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có.
Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Không để tiếp tục xảy ra tình trạng liên kết ép buộc người vay vốn phải mua bảo hiểm
Thông cáo báo chí cho biết, để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật.
Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chi tiết đường dây nóng cụ thể như sau: Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn, Hotline: 024.22208018
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm./.