Tuyên phạt nữ giám đốc 13 năm tù
TAND tỉnh Quảng Ninh vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Mai Chi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Korea Go Travel về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Thị Mai Chi (SN 1986, thường trú tại huyện An Dương, TP Hải Phòng) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Korea Go Travel.
Mặc dù công ty không có chức năng và giấy phép đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Chi đã thông tin gian dối có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.
Từ ngày 5/4/2022 đến ngày 5/8/2022, tại thị xã Quảng Yên, Chi đã lừa được 15 người ký hợp đồng và nộp tiền đặt cọc. Mỗi người chi từ 65,8 triệu đồng đến 125 triệu đồng để được Chi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động.
Sau khi thu được tiền đặt cọc, Chi đã không làm bất cứ hoạt động gì để những người này được đi xuất khẩu lao động, mà sử dụng hết vào việc chi tiêu cá nhân. Tổng số tiền Chi đã chiếm đoạt của những người trên là 1,3 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Chi đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Mai Chi 13 năm tù giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TUYÊN ÁN nguyên Đại úy, Phó Trưởng Công an xã Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang
Theo nội dung vụ án, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 23/1/2023, Tổ công tác do Nhã chỉ huy, đã bắt quả tang tại nhà của Giảng Văn Linh (ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, Cai Lậy) có 5 đối tượng đang đánh bài binh Ấn Độ ăn thua bằng tiền. Số tiền dùng để đánh bạc là 7,15 triệu đồng.
Tại trụ sở Công an xã Tam Bình, Nhã chỉ đạo và hướng dẫn ông Đặng Bảo Trung, Công an viên xã Tam Bình đang trực ban tại đơn vị lập biên bản sự việc và các biên bản liên quan không đúng nội dung sự việc để nhằm thay đổi hành vi có dấu hiệu tội phạm hình sự thành hành vi vi phạm hành chính.
Thông qua đó, Nhã yêu cầu các đối tượng vi phạm đưa tiền cho mình để không báo cáo xử lý hình sự đối với vụ việc. Linh đã đồng ý và đưa cho Nhã 5 triệu đồng và Giảng Trọng Nhân đưa cho Nhã 500.000 đồng.
Sau khi trừ tiền nộp phạt cho các đối tượng đánh bạc và tịch thu sung quỹ nhà nước tổng cộng 8,3 triệu đồng, Nhã giữ lại 10,35 triệu đồng chi tiêu cá nhân. Như vậy, Nhã đã có hành vi đòi và nhận hối lộ của các đối tượng đánh bạc số tiền 10,35 triệu đồng (5,5 triệu đồng tiền nhận hối lộ và 4,85 triệu tiền tịch thu tại chiếu bạc còn lại).
Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố bị cáo Đỗ Lê Nhã phạm tội nhận hối lộ theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND huyện Cai Lậy nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Nhã là rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của lực lượng Công an nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Công an và người tiến hành tố tụng; ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Bị cáo Nhã là người có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng vì vụ lợi đã nhũng nhiễu gợi ý nhận tiền để không báo cáo xử lý hình sự của người phạm tội.
Do đó, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Nhã nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội.
Sau phần nghị án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Tiền Giang quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nhã.
Đồng thời, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nhã về tội nhận hối lộ. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Tuyên án nguyên Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 30/9, Hội đồng xét xử TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Trọng Phỷ, nguyên kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa 3 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng vụ án này, bị cáo Đoàn Văn Quang (trú ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị xử phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “Đưa hối lộ”.
Theo hồ sơ vụ án, do có nương rẫy ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, nên giữa năm 2021 Đoàn Văn Quang huy động nhân lực, thiết bị kỹ thuật san ủi đường, đốn hạ cây bụi, đào múc đất để làm hồ chứa nước.
Phát hiện khoảng 500m2 rừng sản xuất tại khoảnh 8, khoảnh 9, tiểu khu 103 bị xâm hại, nhưng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn là Huỳnh Trọng Phỷ không tham mưu UBND xã Ninh Ích lập biên bản vi phạm hành chính, để xử lý theo quy định pháp luật.
Đến ngày 19/1/2022, tổ công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, phát hiện hành vi hủy hoại rừng, đồng thời lập biên bản tạm giữ chiếc xe múc đất. Ngày 20/1/2022, Quang tìm gặp Phỷ để đưa 49,7 triệu đồng nhờ Phỷ giúp đỡ không bị xử lý về hành vi hủy hoại rừng và được nhận lại chiếc xe múc đất.
Điều bất ngờ là tại phiên tòa sơ thẩm, hai bị cáo Quang và Phỷ đều phản cung, không chấp nhận nội dung cáo trạng của Viện KSND thị xã Ninh Hòa đã truy tố. Cả hai đều cho rằng số tiền hai bên giao nhận 49,7 triệu đồng là nhờ nộp phạt nếu bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, sau đó Phỷ đã trả lại số tiền này cho vợ ông Quang, nên đó là quan hệ dân sự chứ không phải là tiền đưa và nhận hối lộ.
Cùng với việc công bố bản tự khai của Quang thừa nhận đã đưa tiền cho Phỷ để lo lót không bị xử lý vi phạm và được nhận lại chiếc xe múc đất, kiểm sát viên đại diện Viện KSND thị xã Ninh Hòa tại phiên tòa giữ nguyên nội dung cáo trạng đã truy tố Quang và Phỷ, đồng thời rút tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, vì tại phiên tòa các bị cáo cố tình quanh co, chối tội.
Trong một phiên tòa trước đó, TAND thị xã Ninh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Quang 7 năm 6 tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”.