CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn rất khó khăn

16:55 - 27/10/2022

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022.

Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vẫn rất khó khăn - Ảnh 1.

Ngân hàng đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hoá thủ tục cho vay

Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Theo đó, để triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng ngân hàng thương mại. Báo cáo của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13.000 tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng, nhưng các ngân hàng cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất bằng cách đơn giản hoá thủ tục cho vay; chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ…

Chẳng hạn, tại BIDV, đến cuối tháng 9, tổng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 7.052 tỷ đồng, dư nợ hơn 5.647 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 17,1 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, hàng không, nông nghiệp… Bên cạnh đó, BIDV cũng đã tiếp nhận 271 đề nghị hỗ trợ lãi suất từ khách hàng với dư nợ khoảng 15.500 tỷ đồng để rà soát, triển khai. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất của BIDV là 11.000 tỷ đồng. 

Tương tự, tại Agribank, tính đến cuối tháng 9/2022 đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2022, số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng…

Ngại thủ tục, lo thanh kiểm tra

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể như, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết họ không muốn đáp ứng và vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán… Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Trong báo cáo Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ 2% chậm. Theo NHNN, các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhưng khi triển khai thì các ngân hàng lại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hơn nữa, hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ.

Đặc biệt, NHNN cho biết, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán. Đồng thời, chính khách hàng, nhất là các doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại, do phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho doanh nghiệp nhưng tiền hỗ trợ từ ngân sách nên mọi chứng từ, thủ tục phải chặt chẽ. NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được từ chối khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng nhưng không hạ chuẩn cho vay, nên khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cho ngân hàng.

Hiểu được những khó khăn này của cả ngân hàng và doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan đều cho biết sẽ cùng tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tiếp cận vốn cũng như thanh tra kiểm tra sau này. Chẳng hạn, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với NHNN thiết kế các quy định rõ ràng về quy trình xây dựng dự toán, thanh quyết toán, hạn chế vướng mắc, đảm bảo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại thực hiện. NHNN cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách tại một số tỉnh, thành phố...

HD