CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai phải chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không?

20:39 - 29/07/2022

(Chinhphu.vn) - Người dân vi phạm thu phí không dừng bị phạt từ 1-2 triệu. Vậy trong trường hợp người điều khiển xe tuân thủ đúng quy định nhưng Trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không? Xử phạt như thế nào?

Tram ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai phải chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đã là quy định thì phải bình đẳng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 Thu phí không dừng: Ai sai cũng bị phạt

Tại Tọa đàm "Thu phí không dừng – Quyền lợi và trách nhiệm", người dẫn chương trình nêu vấn đề: Khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021 quy định, trường hợp điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng cho phương tiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Vậy trong trường hợp người điều khiển xe tuân thủ các quy định về thu phí tự động không dừng nhưng Trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không? Xử phạt như thế nào?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ: Đã quy định phải bình đẳng, bình đẳng giữa người dân, bình đẳng với đối tượng phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Anh không hoàn thành tôi phải xử lý anh, còn hình thức xử lý thì thực hiện theo quy định.

Theo quy định, người dân vi phạm bị phạt từ 1-2 triệu, còn trong hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và chủ đầu tư cũng đã khẳng định với nhau, nếu sai lỗi do chủ đầu tư thì cũng bị phạt, nhà cung cấp dịch vụ cũng bị phạt.

Ngoài ra, còn về trách nhiệm là thực thi nhiệm vụ đối với các cơ quan đơn vị cũng phải nghiên cứu để xử lý.

Cái này trong hợp đồng và trong quy định chúng tôi đưa ra cũng rất rõ. Anh làm mà không đúng về nguyên tắc anh phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ.

Việc này vừa rồi như Viettel cũng đã thực hiện, một số trường hợp lỗi do máy móc, thiết bị gây ra. VETC cũng đã thực hiện, có sự giám sát chặt chẽ.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã giao Tổng cục Đường bộ cũng như Thanh tra Bộ thường xuyên kiểm tra giám sát.

Chúng tôi biết đây là giai đoạn đầu nên rất khó khăn, có nhiều vấn đề. Chúng ta làm sao phối hợp tháo gỡ, từng bước tạo sự đồng thuận thống nhất, dần dần hoàn thiện quy trình để khai thác.

Có thể nói là các cấp, các ngành, đặc biệt là các đơn vị liên quan trực tiếp, đều nhận thức được vấn đề này. Khi những phản ánh của người dân, của chủ phương tiện về bất cập là chúng ta phải ghi nhận, nghiên cứu xử lý và bổ sung.

Hiện nay Bộ chỉ đạo rất sát vấn đề này. Các nhà cung cấp dịch vụ như VETC, Viettel, các chủ đầu tư theo hình thức BOT trên các quốc lộ cũng phải ý thức về vấn đề này.

Nêu quan điểm của mình, ông Bùi Trình Tổng Giám đốc VDTC bày tỏ: Tôi đồng tính với ý kiến của Thứ trưởng Thọ, phải có những bộ đánh giá, giám sát.

Nguyên nhân xe không đi được qua trạm cũng do một phần tài khoản không đủ tiền, thẻ dán bên ngoài xe có thể hỏng hóc, bong tróc.

Đại diện VDTC cũng mong các nhà đầu tư BOT trong quá trình vận hành hoặc các nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn khách hàng đến điểm dịch vụ để kiểm tra chất lượng thẻ. Chủ phương tiện cũng lưu ý khi tham gia giao thông.

Chúng tôi sẽ có tính năng cảnh báo tiền trong tài khoản cho khách hàng, chúng tôi đang xây dựng. VDTC cũng mong muốn Bộ Giao thông vận tải ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá giống như mạng viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.