Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đối mặt với căn bệnh này.
Số ca sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng gấp đôi mỗi năm kể từ năm 2021, với hơn 12,3 triệu ca tính đến cuối tháng 8 năm 2024 - gần gấp đôi 6,5 triệu ca được báo cáo trong toàn bộ năm 2023. Ước tính có khoảng bốn tỷ người có nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền từ muỗi trên toàn thế giới, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ người vào năm 2050.
Ở Việt Nam, sốt xuất huyết phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng bệnh sốt xuất huyết đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn vì nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà còn mở rộng các vùng lưu hành bệnh.
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống vector và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Thời gian qua, phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua. Chính phủ Việt Nam xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Để phân tích, luận bàn, tìm ra những giải pháp để phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, hôm nay (3/12), Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Toạ đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" với sự tham gia của các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia:
TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
GS.TS. Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1
Ông Dion Warren, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA) tại Takeda
Để bắt đầu, xin mời TS. BS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chia sẻ về tình hình, diễn biến và gánh nặng của bệnh sốt xuất huyết hiện nay tại Việt Nam.
TS.BS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế): Hiện nay tại Việt Nam có 2 bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch mà chúng tôi rất quan tâm, đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Hằng năm, trên thế giới có từ 100-400 triệu người mắc và hơn 10.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong thấp.
Do bệnh sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt đây là bệnh lây truyền qua vector là con muỗi vằn nên từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi rất quan tâm đến bệnh sốt xuất huyết này.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia dịch tễ lâu năm tại Việt Nam, GS.TS. Vũ Sinh Nam có thể cho biết những yếu tố nào đang khiến dịch sốt xuất huyết trở nên khó kiểm soát hơn, đặc biệt là trong điều kiện môi trường hiện tại?
GS.TS. Vũ Sinh Nam: Sốt xuất huyết là do muỗi truyền, hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết và rất nhiều khó khăn, trong đó có một số khó khăn chính như sau:
Thứ nhất, về xu hướng toàn cầu: Năm 1970 chỉ có 9 quốc gia ghi nhận có sốt xuất huyết nặng, nhưng hiện nay có trên 130 nước trên toàn cầu ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành. Ước tính, có khoảng 400 triệu ca mắc hằng năm. Ở Việt Nam, lần đầu ghi nhận sốt xuất huyết là năm 1958, sau đó trở thành bệnh lưu hành trên toàn quốc. Trước đây, chu kỳ từ 10-12 năm có 1 vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023 đã có 2 vụ dịch lớn là năm 2019 là hơn 300.000 và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong. Dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.
Khó khăn thứ hai là việc phòng chống vector. Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng chống vector hiện nay rất khó khăn, vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước do con người làm ra. Vì vậy nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì chúng ta không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng. Nhưng trong thực tế việc này để đạt được hiệu quả mong muốn là khó.
Thứ ba, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector phát tiển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.
Thứ tư, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra là rất khó khăn.
Thưa Cục trưởng Hoàng Minh Đức, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể nào trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch sốt xuất huyết? Những nỗ lực này đã tạo ra những cơ hội gì để tiếp tục cải thiện hiệu quả phòng chống bệnh trong thời gian tới?
TS.BS. Hoàng Minh Đức: Bệnh sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Trước đây chưa có vũ khí đặc hiệu, chưa có vaccine, vì thế chủ yếu kiểm soát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết qua vector và điều trị triệu chứng.
Tuy nhiên kiểm soát vector rất khó, trước đây chúng ta dựa vào cộng đồng sử dụng các nhân sinh học để tiêu diệt bọ gậy. Trong một hệ sinh thái từ trước đến nay loài người chưa lần nào tiêu diệt được một loài, nên trước đây bọ gậy, muỗi chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau đó ở các vùng đô thị hoá còn 11 tỉnh miền núi phía bắc chưa bao giờ có ca sốt xuất huyết nào. Nhưng bây giờ muỗi vằn sốt xuất huyết đã di chuyển theo hệ thống giao thông, đô thị hoá của các tỉnh, vì thế sốt xuất huyết đã lên đến các tỉnh miền núi phía bắc.
Trước đây, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia, chủ yếu dùng mạng lưới cộng tác viên ở thôn, bản, xã để truyền thông, hướng dẫn cho người dân loại bỏ loăng quăng, bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước sạch trong nhà. Đặc điểm của muỗi vằn là chỉ đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước sạch chứ không phải ở sông, hồ, bụi rậm. Hệ thống cộng tác viên của chúng ta đã làm rất tốt, vì thế số ca mắc đã giảm. Sốt xuất huyết là bệnh có ca mắc lớn, tuy nhiên điều trị tốt nên số ca tử vong rất thấp.
Chương trình mục tiêu kết thúc vào năm 2020. Trước đây, khi có Chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta đã kiểm soát cơ bản các vụ dịch. Tuy nhiên sau khi chương trình kết thúc, theo Luật Ngân sách, chúng ta yêu cầu các địa phương bố trí ngân sách phòng, chống sốt xuất huyết nhưng khi không có chương trình cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine thì vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo cũng giảm bớt. Chính vì thế, trong những năm gần đây, sốt xuất huyết gần như quay trở lại.
Ví dụ, ở Hà Nội năm ngoái có hơn 40.000 ca mắc, chưa bao giờ Hà Nội có ca mắc lớn như thế. Năm nay, đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 7.000 trường hợp mắc.
Cho nên, sốt xuất huyết vẫn là dịch bệnh chúng tôi quan tâm trong công tác phòng chống dịch, mặc dù có thành quả như trước đây.
Thưa PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, là người đứng đầu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nơi tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết ở phía nam, xin ông chia sẻ những gánh nặng đặt ra cho hệ thống y tế, các y bác sĩ và các thách thức trong việc chữa, trị sốt xuất huyết!
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm cho Việt Nam chúng ta hơn 40 năm qua, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ. Trong hơn 30 năm làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chúng tôi được may mắn tham gia vào Chương trình phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và gần đây là Nhi đồng Thành phố cùng với Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách công tác điều trị và huấn luyện cho các tỉnh ở phía nam về sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em.
Chúng ta thấy đặc điểm ở miền Nam khác miền Bắc một chút. Gần như là tất cả các lứa tuổi đều mắc sốt xuất huyết. Chúng tôi gặp những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh. Và cho đến giờ, chúng ta phát hiện là ở miền Nam chiếm 60-70% là trẻ dưới 15 tuổi bị sốt xuất huyết. Nhưng ngược lại, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì người lớn lại chiếm số lượng nhiều. Như vậy, có thể nói là tất cả người dân, ai cũng có thể bị sốt xuất huyết - từ trẻ cho đến lớn. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc là người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao.
Hằng năm trên thế giới, hồi nãy GS. Vũ Sinh Nam đã nói, cho tới bây giờ, thống kê trên toàn thế giới là hơn 14 triệu ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là vùng Nam Mỹ chiếm khoảng 12 triệu ca, tử vong hơn 10.000 ca. Riêng Việt Nam chúng ta, trong nhiều năm qua, đặc biệt là các tỉnh phía nam, luôn luôn phải đối phó với dịch sốt xuất huyết xảy ra gần như năm nào cũng có, có những năm rất lớn. Gần đây nhất là sau dịch COVID-19, năm 2022 cả nước hơn 370.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là có 140 trường hợp tử vong, tập trung ở các tỉnh phía nam.
Khi dịch xuất huyết xảy ra thì gánh nặng rất lớn. Đầu tiên là nó đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Gần đây, thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính lại cũng là đối tượng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Nó còn ảnh hưởng tới cả kinh tế, an sinh xã hội. Khi có những ca tử vong khiến người dân rất lo lắng, hoang mang. Trước đây, người ta không dám nói tên bệnh sốt xuất huyến mà nói là cái "bệnh ấy", tức là bệnh gì đó nguy hiểm lắm. Hằng năm, riêng tại giai đoạn một, chúng tôi tiếp nhận khoảng từ 50.000 đến 15.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám. Ví dụ như năm 2022 có tới 15.000 trường hợp và trong đó, số nhập viện (10-20% bệnh nhân nặng hoặc là có đe dọa chuyển nặng phải nhập viện), có năm là từ 500 cho đến 5.000 ca. Đặc biệt năm 2022, sốt xuất huyết nặng đe dọa tử vong, sốc trụy mạch, xuất huyết tiêu hóa… biến chứng là hơn 1.500 ca.
Phải nói là gánh nặng đối với toàn bộ hệ thống y tế, từ trạm y tế cho đến y tế quận, huyện đến các bệnh viện tỉnh và bệnh viện Trung ương. Ví dụ như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tràn ngập bệnh nhân sốt xuất huyết. Thậm chí có những năm chúng tôi chống dịch, đi xuống các tỉnh miền Tây thì không có đủ chỗ cho bệnh nhân nằm và Ủy ban nhân dân đã quyết định thành lập những Khoa điều trị tạm thời - trưng dụng tất cả căng tin của bệnh viện để bệnh nhân nằm. Rồi quá tải về mặt hồi sức. Chiếu qua Brazil, một tháng có đến 700.000-800.000 trường hợp sốt xuất huyết, tỉ lệ nặng vào khoảng ít nhất phải 10% thì chúng tôi cũng không tưởng tượng là các đồng nghiệp Brazil đang đối phó với dịch sốt xuất huyết thế nào.
Quay trở lại Việt Nam chúng ta và đặc biệt các tỉnh phía nam, hiện giờ có nguy cơ lan ra những tỉnh, thành phố mà trước đây chưa có. Ví dụ như Hà Nội, năm 2003, Hà Nội có ca mắc sốt xuất huyết cao gấp đôi Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là chuyện đầu tiên trong lịch sử 40 năm. Ở miền Trung và miền Nam, các tỉnh trước đây được gọi là cao nguyên, ít khi nào thấy ca sốt xuất huyết nhiều như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông thì nay lại có sốt xuất huyết và có ca tử vong. Như vậy, gánh nặng đối với hệ thống điều trị rất lớn.
Hiện nay, nếu quá tải cơ sở điều trị thì lực lượng y bác sĩ phải tập trung toàn lực. Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu trong Chương trình sốt xuất huyết quốc gia: Cả bệnh viện chống dịch, cả ngành y tế chống dịch và cả nước chống dịch. Vận động tất cả nguồn lực. Tuy nhiên nguồn lực cũng có hạn. Khi đó thì nguy cơ nhân viên y tế quá tải, và chắc chắn chất lượng điều trị phục vụ làm sao được. Rồi vấn đề thuốc men, dịch truyền… Hiện giờ cả thế giới, nguồn cung ứng vật tư y tế sau dịch COVID-19 càng thiếu và tiêu hao, các sản phẩm về máu đều có thể khan hiếm. Thiếu nguồn cung là khó khăn vô cùng lớn. Và đặc biệt gây tử vong ở người bệnh là gánh nặng lớn nhất đối với ngành y tế.
Theo Cục trưởng Hoàng Minh Đức, những khoảng trống nào trong các phương pháp phòng ngừa hiện tại đang cần được khắc phục để bảo vệ cộng đồng hiệu quả hơn?
TS.BS. Hoàng Minh Đức: Thế giới trong 40 năm vừa rồi đã rất cố gắng để có một phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mà vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine. Trước đây có rất nhiều nghiên cứu, từ của các nước hiện phát triển cho đến nước đang phát triển.
Chúng tôi cũng biết rằng là trường đại học Maidoll cũng có nghiên cứu về sản xuất vaccine sốt xuất huyết. Mấy chục năm chúng ta nghiên cứu để sản xuất ra vaccine sốt xuất huyết nhưng không thể sản xuất được vì nó có 4 type và công nghệ ngày xưa cũng như kỹ thuật hiện đại chưa sản xuất được vaccine.
Chúng ta vẫn phải dùng phương pháp cổ truyền là tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Đó vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Tiêu diệt vector là trung gian rất khó. Vì thế, vẫn có khoảng trống trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Quan trọng nhất vẫn là sản xuất ra được vaccine để cơ thể con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết.
May mắn là trong những năm gần đây, đã có vaccine sốt xuất huyết và hiện tại, tại Việt Nam đã cấp phép cho vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.
HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN VẮC XIN SỐT XUẤT HUYẾT
Vào tháng 5/2024 vừa qua, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, và được bắt đầu triển khai tiêm chủng từ cuối tháng 9 cho người dân tại các đơn vị tiêm chủng công lập và tư nhân trên toàn quốc.
Trước đó, vaccine này đã được cấp phép tại 40 quốc gia. Để hiểu rõ hơn về loại vaccine này cũng như vai trò của vaccine trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, chúng tôi xin dành câu hỏi cho các vị chuyên gia tại tọa đàm hôm nay.
Vaccine sốt xuất huyết vốn được xem như một trong những bài toán hóc búa mà nhân loại đã miệt mài đi tìm lời giải suốt gần 100 năm nay. Quá trình để tìm ra loại vaccine thành công này cũng có không ít gian nan. Thưa ông Dion Warren, là người đại diện Takeda, ông có thể chia sẻ thêm về quá trình này?
Ông Dion Warren - Tổng Giám đốc khu vực Ấn Độ - Đông Nam Á (I-SEA), Takeda: Sốt xuất huyết là một vấn đề rất phức tạp. Điều này không chỉ do mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà còn bởi quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine cho sốt xuất huyết thường mất rất nhiều thời gian và công sức.
Kể từ năm 1986, chúng ta đã chứng kiến một bước đột phá quan trọng trong việc phát triển vaccine tại khu vực châu Á. Các loại vaccine này đã được phát triển nhằm đối phó với các phân type virus sốt xuất huyết khác nhau và đóng vai trò như một nền tảng, hay còn gọi là "xương sống," để phát triển các thế hệ vaccine tiếp theo.
Những tiến bộ này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ các nhà khoa học và tổ chức y tế, với mục tiêu kiểm soát và đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết trong khu vực và trên toàn cầu. Trong khoảng 20 năm qua, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống sốt xuất huyết. Trong quá trình này, đã có tới 19 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện với sự tham gia của khoảng 20.000 đối tượng. Việc đánh giá hiệu lực, tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine đã mất hơn nửa thập kỷ để hoàn thiện.
Như các bạn đã biết, hiện nay, vaccine Takeda đã chính thức được phê duyệt lưu hành tại 40 quốc gia, bao gồm các nước ở khu vực Nam Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Đông Nam Á. Tại khu vực này, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã đưa vaccine này vào chương trình y tế nhằm đối phó với bệnh sốt xuất huyết. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chúng tôi rất tự hào khi đạt được những kết quả đáng khích lệ như vậy. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu đã mở rộng đáng kể phạm vi chỉ định sử dụng vaccine này, tạo tiền đề cho việc áp dụng rộng rãi. Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật khuyến cáo về phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó đặc biệt khuyến nghị sử dụng vaccine này tại các khu vực có gánh nặng bệnh cao, như Việt Nam.
Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi vaccine này được phân phối trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Á và Việt Nam. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc phát triển các giải pháp y tế để bảo vệ cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã công nhận và thông qua quy trình thẩm định vaccine, đánh giá cao mức độ an toàn và chất lượng của sản phẩm. Điều này cho phép vaccine được sử dụng tại cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân, mở rộng cơ hội tiếp cận và mang lại lợi ích sức khỏe cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Để hiểu rõ hơn về sự an toàn và hiệu lực của vaccine này, chúng tôi xin mời GS. Vũ Sinh Nam chia sẻ thêm!
GS.TS. Vũ Sinh Nam: Có được vaccine sốt xuất huyết là niềm vui của nhân loại. Đó là thành công của nhân loại cũng như là một tiến bộ khoa học mà tất cả mọi người dân, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới, đang mong đợi.
Theo dữ liệu của Công ty Takeda thì vaccine TAK 003 được thiết kế để bảo vệ khỏi 4 type virus dengue, được thử nghiệm trên 14 quốc gia với trên 28.000 người tham gia. Kết quả cho thấy vaccine TAK 003 này có tác dụng bảo vệ nhiễm virus Dengue đến 80,2% và chống nhập viện là 90,4%. Hiện nay, vaccine này đã được triển khai ở rất nhiều nước trên thế giới, trong đó hàng triệu liều được triển khai ở Brazil, Argentina, Indonesia và Việt Nam. Đến lúc này, chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng hoặc trầm trọng được ghi nhận. Điều đó chứng tỏ vaccine hiện nay an toàn và có hiệu quả cho người sử dụng.
Việc vaccine sốt xuất huyết có mặt tại Việt Nam là một tin vui đối với người dân và ngành y tế của Việt Nam. Kính thưa Cục trưởng Hoàng Minh Đức, ông đánh giá vai trò của vaccine sốt xuất huyết đối với công tác phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay như thế nào?
TS.BS. Hoàng Minh Đức: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Cách đây 7 năm, chúng tôi đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn.
Từ trước tới nay chúng tôi vẫn biết vaccine là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là công tác phòng chống dịch. Trong 58 bệnh truyền nhiễm, hiện có hơn 40 bệnh có vaccine. Vaccine sốt xuất huyết được cấp phép vào tháng 5/2024.
Khi có vaccine, chúng ta có một trong những vũ khí hiệu quả. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền. Như PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng nói, sốt xuất huyết bây giờ khác biệt hoàn toàn. Trước đây chủ yếu lây nhiễm cho người dưới 15 tuổi, nhưng hiện nay gặp ở tất cả lứa tuổi với tỉ lệ mắc và nhập viện như nhau. Như GS.TS. Vũ Sinh Nam nói, tỉ lệ tiêm vaccine không nhiễm sốt xuất huyết là 85% và khi bị nhiễm thì hơn 90% không có triệu chứng nặng phải nhập viện. Vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.
Thưa GS.TS. Vũ Sinh Nam và PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, dưới góc nhìn của các chuyên gia lâm sàng và dịch tễ, hai ông có thể chia sẻ những mong mỏi và kỳ vọng của các chuyên gia dịch tễ tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như các y bác sĩ khi vaccine sốt xuất huyết được đưa vào triển khai tại Việt Nam? Xin được mời PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng!
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng: Để trả lời câu hỏi này, tôi nhắc lại ý của GS. Vũ Sinh Nam: Vaccine sốt xuất huyết ra đời, một vaccine hiệu quả, an toàn là niềm mơ ước của tất cả thầy thuốc trong lĩnh vực bệnh lý truyền nhiễm, đặc biệt là ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch xuất huyết hằng năm xảy ra, cướp đi sinh mạng của các cháu bệnh nhi, của thanh thiếu niên trẻ cũng như người dân khác, đe dọa tới hạnh phúc của cả gia đình.
Bản thân chúng tôi làm trong lĩnh vực lâm sàng hơn 30 năm, có những lúc chúng tôi ký chứng tử 2 - 3 cháu bệnh nhân tử vong, đặc biệt có gia đình trong một mùa dịch mất đi luôn cả hai đứa con. Đây là niềm đau, phải nói là không thể tưởng tượng được.
Chương trình sốt xuất huyết quốc gia chúng ta đã đặt ra mục tiêu làm sao giảm tỉ lệ mắc bệnh và giảm tỉ lệ tử vong. Ngành chúng tôi hợp tác chặt chẽ với y tế dự phòng như TS. Hoàng Minh Đức có nói. Nhưng làm sao để giảm tử vong, mặc dù chúng ta thông tin cho bà con biết là hiện giờ điều trị xuất huyết ở Việt Nam đã thống nhất phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế dựa vào những nghiên cứu, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã giảm tỉ lệ tử vong của sốt xuất huyết một cách ngoạn mục (có thể hơn 10 lần) nhưng vẫn còn bệnh dịch, đã là dịch là có bệnh nặng và đã có bệnh nặng là có tử vong.
Và các lãnh đạo của Bộ, trong công tác phòng, chống dịch luôn luôn đặt câu hỏi cho các nhà lâm sàng là làm sao giảm tỉ lệ tử vong nữa. Xin thưa rằng để làm giảm tỉ lệ bệnh nhân thì phải làm giảm gánh nặng bệnh tật, có nghĩa là phải làm giảm số ca mắc, đó là cái chìa khóa quan trọng nhất để giảm tỉ lệ tử vong sốt xuất huyết.
Để làm giảm số ca mắc thì ngoài công tác phòng, chống diệt muỗi, diệt lăng quăng, bảo vệ cho trẻ, bảo vệ cho chúng ta không bị muỗi đốt thì vaccine vẫn là công cụ hiệu quả nhất. Và chúng ta thấy tất cả các dịch truyền nhiễm đều phải có vaccine là công cụ chính. Thành ra vaccine ra đời là một kỳ vọng, một mong muốn và chúng tôi mong rằng sau đó chúng ta có thể triển khai rộng rãi và nhanh chóng cho tất cả người dân, tất cả đối tượng để giảm tỉ lệ ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ đó chắc chắn sẽ giảm số ca sốt huyết nhập viện, giảm số ca năng và chắc chắn sẽ giảm tỉ lệ tử vong.
Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết được hai tháng, Phó Giáo sư có thể chia sẻ về tình hình tiêm ngừa vaccine sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như là ở trên toàn quốc nói chung được không?
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng: Thứ nhất, tại Thành phố Hồ Chí Minh thì 3 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã triển khai các vaccine sốt xuất huyết rồi. Các trung tâm trích ngừa theo yêu cầu của người dân.
Trong 2 tháng vừa rồi, chương trình talk show của giai đoạn 1 lấy chủ đề là đồng hành cùng vaccine sốt xuất huyết hoặc là bệnh sốt xuất huyết đã có vaccine hiệu quả phòng bệnh. Trong vòng 60 phút, các chuyên gia của bệnh viện chia sẻ trực tiếp với người dân, những người quan tâm. Trung tâm Tiêm chủng của Bệnh viện Nhi đồng 1 làm những áp phích tuyên truyền rộng rãi cho người dân để người dân tiếp cận. Phản ứng của người dân rất tốt.
Hiện giờ giá vaccine do công ty quy định, nhưng tôi cũng thông tin luôn là giá cũng không cao so với các vaccine dịch vụ khác, trên 1 triệu đồng một chút. Tôi nghĩ là với hai mũi cách nhau 3 tháng thì nhiều người dân có thể tiếp cận được. Bản thân chúng tôi vận động anh em tiêm vaccine để làm gương, tuyên truyền. Sắp tới có sự hỗ trợ của Chính phủ và công tác dự phòng cũng như các chuyên gia, công ty có thể để đưa vaccine được vào chương trình tiêm chủng mở rộng là điều tuyệt vời nhất. Điều mơ ước của tất cả các bác sĩ lâm sàng.
Còn về phía GS. Vũ Sinh Nam, ông có bổ sung thêm ý kiến gì không ạ?
GS.TS. Vũ Sinh Nam: Rõ ràng vaccine là một bước tiến rất quan trọng và đây là một giải pháp bổ sung cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Với vai trò như một chuyên gia, tôi rất mong đợi việc mở rộng triển khai bài bản và hiệu quả trong cộng đồng.
Để làm được việc đó, tôi mong chúng ta cần có giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng để giúp cộng đồng hiểu biết rõ về gánh nặng của sốt xuất huyết cũng như ích lợi của vaccine để người dân có thể chủ động, tích cực tham gia sử dụng vaccine. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng, cần phải giám sát chặt chẽ về hiệu quả cũng như an toàn của vaccine sau khi chúng ta sử dụng vaccine. Và đặc biệt là phối hợp chặt chặt chẽ với các cơ quan y tế và các đơn vị khi tổ chức triển khai tiêm vaccine này để người dân sớm được tiếp cận được vaccine nhanh và hiệu quả.
NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG VÀ QUẢN LÝ SỐT XUẤT HUYẾT TÍCH HỢP
Thưa ông Dion Warren, ông có thể chia sẻ về quá trình Takeda mang vaccine sốt xuất huyết đến với các nước ở Đông Nam Á và châu Mỹ Latin không? Takeda đã có được những kinh nghiệm gì tại các quốc gia này và Takeda áp dụng như thế nào tại Việt Nam?
Ông Dion Warren: Tôi hiểu rằng mục tiêu cuối cùng của các sáng kiến này là tạo ra những tác động tích cực và toàn diện về mặt sức khỏe cộng đồng. Đối với những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như sốt xuất huyết, tôi tin rằng vaccine sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Đặc biệt, tại Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sốt xuất huyết, việc đưa vaccine vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với gánh nặng bệnh cao và điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp bền vững, trong đó vaccine là một phần không thể thiếu.
Tôi xin chia sẻ thêm về câu hỏi liên quan đến bài học kinh nghiệm khi chúng tôi triển khai giới thiệu vaccine tại khu vực Mỹ Latin và châu Á. Một trong những bài học quan trọng mà chúng tôi có thể áp dụng tại Việt Nam chính là tư duy xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa các nguồn lực mà còn đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, từ đó hướng tới mục tiêu chung mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra. Sự gắn kết này sẽ là chìa khóa để đạt được các kết quả bền vững trong việc phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh sốt xuất huyết.
Mục tiêu của chúng ta là giảm thiểu, thậm chí tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các ca tử vong do sốt xuất huyết từ nay đến năm 2030. Để đạt được điều này, cần tăng cường sự phối hợp giữa khu vực công và tư, bao gồm các tổ chức y tế, hiệp hội y khoa, hiệp hội người bệnh, cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tư nhân.
Chúng ta cần xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng, đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Các sáng kiến đưa ra phải được thiết kế khoa học, khả thi và tập trung vào mục tiêu chung, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Như các chuyên gia đã nhấn mạnh, việc kiểm soát môi trường sống của muỗi vằn - tác nhân truyền bệnh - là yếu tố then chốt. Đặc biệt, chúng ta cần chú trọng việc loại bỏ các nơi đọng nước xung quanh khu vực sinh sống, nơi muỗi có thể sinh sản.
Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi các biện pháp phòng ngừa và hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách bảo vệ gia đình mình. Điều này rất quan trọng, bởi bản chất của bệnh sốt xuất huyết là phức tạp và có khả năng bùng phát nhanh nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Công tác này đòi hỏi sự chung tay từ các cơ quan chức năng, tổ chức y tế và toàn xã hội để đảm bảo môi trường sống an toàn và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Do đó, chúng ta cần phối hợp triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm cả các giải pháp y học và các can thiệp từ cộng đồng. Từ những bài học kinh nghiệm của Ấn Độ và Thái Lan, chúng tôi nhận thấy rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân trong nhiều năm qua đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ đã cùng nhau xây dựng các kế hoạch cụ thể, từ việc triển khai tiêm chủng đến quản lý và giám sát chương trình. Quá trình này không phải là điều có thể thực hiện nhanh chóng trong một đêm hay vài ngày, mà đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì và một chiến lược dài hạn.
Chúng ta cần duy trì niềm tin vào mục tiêu chung, đồng thời xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các bên liên quan. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc để triển khai các chương trình hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng và kiểm soát dịch bệnh một cách bền vững.
Thực tế, mọi nỗ lực mà chúng ta thực hiện đều có thể tạo ra những tác động tích cực đáng kể. Chúng tôi đặc biệt mong muốn các tổ chức cùng nhau hợp tác chặt chẽ, để cùng hướng tới mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra: Xóa bỏ hoàn toàn các ca tử vong do sốt xuất huyết từ nay đến năm 2030.
Sự hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo động lực để triển khai các giải pháp hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe cộng đồng. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng nghỉ từ tất cả các bên liên quan.
Thưa GS. Vũ Sinh Nam, ông có thể chia sẻ về chiến lược hợp lực phòng, chống sốt xuất huyết sau khi người dân tiếp cận được vaccine rộng rãi! Những yếu tố nào cần có trong một chiến lược phòng ngừa toàn diện để tối ưu hiệu quả trong phòng, chống sốt xuất huyết?
GS.TS. Vũ Sinh Nam: Phòng chống sốt xuất huyết truyền thống của chúng ta là diệt muỗi truyền bệnh - diệt vector. Rõ ràng bây giờ chúng ta có thêm vũ khí mới là vaccine, rất tuyệt vời. Nếu chỉ sử dụng vaccine không - thì chúng ta thấy không thể phòng tránh toàn diện được bởi vì vẫn còn muỗi, bọ gậy, vẫn còn virus thì vẫn còn nguy cơ cao. Vì vậy, ngoài tiêm vaccine thì vẫn phải song song với biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để đảm bảo tính bền vững khi chúng ta sử dụng vaccine.
Chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới cũng hướng dẫn là ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector. Điều này cũng thể hiện ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Mặc dù người ta đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector để đảm bảo tính bền vững của vaccine. Trong đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài. Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát và cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những biển hiện bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả.
Qua các phần thảo luận vừa rồi, chúng ta đã có thêm những góc nhìn đa chiều về tình trạng sốt xuất huyết, vai trò của vaccine và chiến lược phòng chống dịch bệnh. Đây là bước đi quan trọng hướng đến một tương lai, nơi sốt xuất huyết không còn là một gánh nặng đối với sức khỏe người dân Việt Nam.
Hy vọng rằng với nỗ lực chung, chúng ta sẽ tiến tới một tương lai an toàn và khỏe mạnh hơn cho cộng đồng./.