CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Phải tạo ra được các cơ chế vượt trội, giải quyết các bất cập, chồng chéo để Thủ đô phát triển

09:13 - 16/07/2022

(Chinhphu.vn) - Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô. Luật Thủ đô sau sửa đổi (hoặc ban hành mới) phải thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, giải quyết được các bất cập, chồng chéo giữa các luật, cơ chế, chính sách.

Tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô - Ảnh 1.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Ngày 15/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TƯ ngày 28/11/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 975 đại biểu dự tại điểm cầu chính ở Thành ủy Hà Nội và 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã.

 Quy mô kinh tế tăng gấp gần 4 lần 

Trình bày báo cáo tổng kết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nêu 11 kết quả cụ thể, trong đó chỉ rõ, sau 17 năm thực hiện, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TƯ và đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội Thủ đô và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong đó, kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô GRDP năm 2021 theo giá hiện hành đạt 1,067 triệu tỷ đồng, gấp 3,9 lần năm 2008, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng và 17,7% tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng từ mức 120,3 triệu đồng/người năm 2019 lên 128,2 triệu đồng/người năm 2021 (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước và 1,2 lần so với bình quân vùng). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%.

Tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,0% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2021 đạt 411.261 tỷ đồng (bằng 40,8% so với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội vùng, bằng 13,8% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cả nước). 

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút mới khoảng 4.500 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 32,7 tỷ USD. Hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 326.000 đơn vị.

Về phát triển văn hóa - xã hội, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đến nay, tỷ lệ trường công lập chuẩn quốc gia đạt 76,9%. 

Về y tế, thành phố Hà Nội đã đạt tỷ lệ 13,7 bác sĩ/vạn dân và 27,5 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2021 là 91,8%.

Tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày báo cái tại hội nghị.

Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế, nguyên nhân cùng quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố cũng nêu 5 nhóm kiến nghị, đề xuất với Trung ương, trong đó kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54-NQ/TƯ.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo một số sở của Hà Nội đã làm rõ thêm những kết quả liên kết vùng, phát triển thương mại, dịch vụ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển giao thông vận tải...

Các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Thành ủy Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng để một nghị quyết phát triển vùng như Nghị quyết số 54-NQ/TƯ phát huy hiệu quả là phải làm rõ được cơ chế liên kết, hợp tác vùng, vì hiện nay, nói là hợp tác phát triển vùng, nhưng điều tiết vẫn theo từng tỉnh, thành phố; chưa rõ vai trò điều phối, chưa hình thành các hành lang phát triển.

Tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô - Ảnh 4.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Luật Thủ đô phải được đặt vào vị trí ưu tiên hơn

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ một cách quyết liệt, kịp thời, chất lượng và đúng tiến độ. Dự thảo Báo cáo tập trung, toàn diện, bám sát Nghị quyết số 54-NQ/TƯ và Kết luận số 13-KL/TƯ. Các tham luận của các sở thành phố đã đi vào cụ thể hóa, minh họa rất kỹ cho báo cáo của Thành ủy.

Về kết quả, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, thực hiện Kết luận số 13-KL/TƯ, Hà Nội không chỉ duy trì tăng trưởng khá, kinh tế Thủ đô còn thể hiện rõ xu thế hiện đại trong cơ cấu. Các nhân tố và yếu tố phục vụ cho tăng trưởng bền vững của Thủ đô cũng rất rõ nét. Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực với thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn và đạt mức tăng bình quân cao hơn mức tăng chung của cả nước.

“Những thành tựu, kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết số 54-NQ/TƯ đã được Thành ủy Hà Nội quán triệt nghiêm túc và triển khai sâu rộng. Nghị quyết đã tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội và sau 17 năm thực hiện, kinh tế - xã hội Thủ đô có bước phát triển toàn diện và Hà Nội vẫn là điểm tựa vững chắc cho phát triển của cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng”, đồng chí Trần Tuấn Anh nói.

Thống nhất với 4 quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu; 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 5 nhóm kiến nghị đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, những nội dung này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hà Nội không chỉ phục vụ cho mục tiêu phát triển Thủ đô, mà còn thực hiện mục tiêu phát triển chung của cả vùng và cả nước.

Nêu thêm 9 vấn đề cần quan tâm để hoàn thiện báo cáo, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô. Luật Thủ đô sau sửa đổi (hoặc ban hành mới) phải thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho Thủ đô, xứng đáng với vị thế của Thủ đô, giải quyết được các bất cập, chồng chéo giữa các luật, cơ chế, chính sách. 

Trong đó, Luật Thủ đô phải được đặt vào vị trí ưu tiên hơn, nhất là được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trên tinh thần Hà Nội vì vùng, vì cả nước và cả nước, cả vùng vì Hà Nội.

Tổng kết, bổ sung, sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô - Ảnh 5.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Cần thiết phải ban hành nghị quyết mới

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã triển khai nhiều chủ trương, đề án, dự án lớn nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong liên kết vùng, đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng trong những năm tiếp theo, tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, để tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TƯ, cần sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Việc phê duyệt quy hoạch vùng sẽ làm cơ sở để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương xây dựng thể chế liên kết vùng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế điều hành tập trung để tăng cường sự phối hợp trong triển khai tổ chức thực hiện các vấn đề của vùng và liên vùng; đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng các cơ chế, đề án, dự án tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54-NQ/TƯ, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, Nghị quyết mới nếu được ban hành, sẽ cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là cơ sở chính trị quan trọng cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước./.