TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL

29/03/2025 21:50

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Brazil nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Lễ đón cấp Nhà nước Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27-29/3/2025.

2. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Brazil đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường, hội kiến với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

3. Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã trao đổi về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi nước gần đây, trao đổi ý kiến nhằm triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Brazil, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

4. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội to lớn của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây với công cuộc Đổi mới và ghi nhận vị thế đối ngoại ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Chủ tịch nước Lương Cường chúc mừng những thành tựu của Brazil trong quá trình thúc đẩy phát triển bền vững đồng thời ưu tiên hòa nhập xã hội và đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác ở cấp khu vực và trên thế giới.

5. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của "Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Brazil" công bố ngày 18/11/2024 tại Rio de Janeiro. 

Hai bên nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược dựa trên nền tàng của hơn 35 năm quan hệ ngoại giao và thể hiện khát vọng chung về việc tăng cường quan hệ song phương thông qua đối thoại và hợp tác cùng có lợi. 

Đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược là biểu tượng tình hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Brazil, những giá trị và nguyên tắc chung của quan hệ quốc tế, đặc biệt là bảo vệ hòa bình, tôn trọng luật pháp và hợp tác cùng phát triển.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 2.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

6. Hai bên hoan nghênh việc ký Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2025-2030, bao gồm sáu trụ cột chính: (i) Chính trị, quốc phòng, an ninh và thách thức toàn cầu; (ii) Kinh tế - thương mại và đầu tư; (iii) Khoa học – công nghệ và sáng tạo; (iv) Biến đổi khí hậu và môi trường; (v) Giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và ngoại giao nhân dân; (vi) Lãnh sự và hỗ trợ cộng đồng. 

Hai nhà lãnh đạo tin tưởng rằng việc triển khai các mục tiêu nêu trong Kế hoạch hành động sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược phát triển toàn diện và thực chất; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.

7. Hai nhà lãnh đạo đã đánh giá cao và chứng kiến lễ ký và trao các văn hiện hợp tác khác gồm: Hiệp định Trao đổi thông tin mật, Hiệp định về việc làm có thu nhập cho thân nhân cán bộ ngoại giao, Biên bản ghi nhớ về thành lập Tổ Công tác thúc đẩy Hợp tác Thương mại và Công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil. 

Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đàm phán, ký kết trong thời gian tới các thỏa thuận về tạo thuận lợi đầu tư, hợp tác tư pháp, pháp lý và an ninh mạng trong thời gian tới. 

Hai nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF).

8. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Brazil được tổ chức nhân dịp chuyến thăm với sự tham dự của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

9. Ghi nhận hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của hợp tác song phương, thừa nhận còn nhiều tiềm năng để khai thác phát triển hơn nữa, hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu đưa trao đổi thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2030. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa giao thương giữa Việt Nam và Brazil. Về vấn đề này, hai bên đánh giá cao cơ hội kinh doanh rất lớn trong lĩnh vực đạm động vật và máy bay.

10. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bày tỏ cảm ơn quyết định của Chính phủ Việt Nam mở cửa thị trường cho thịt bò của Brazil. Ngài Tổng thống thông báo quyết định của Brazil dỡ bỏ lệnh cấm về cá rô phi và mở cửa thị trường Brazil cho một số loại tôm, theo tiêu chuẩn quốc tế. Về cá tra, ba-sa, Chính phủ Brazil cam kết tiến hành đánh giá kỹ thuật trong thời gian sớm nhất. 

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh các cơ hội hợp tác về ngành công nghiệp máy bay dân sự và quân sự; khuyến khích EMBRAER và các đối tác Việt Nam tiếp tục hợp tác về mua sắm máy bay và đầu tư. Hai nhà lãnh đạo đồng ý giao các Bộ trưởng theo sát để đạt được kết quả sớm trong các chủ đề này.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 3.

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva dẫn đầu Đoàn cấp cao hai nước tiến hành hội đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

11. Cân nhắc những tiến bộ của Việt Nam về đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, và trên cơ sở quan tâm của cả hai bên về việc tăng cường hợp tác kinh tế, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva công bố quyết định của Brazil công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

12. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự quan tâm của hai nước trong việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), trong đó Brazil là thành viên. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Mercosur vào nửa cuối năm 2025, Brazil sẵn sàng thảo luận về một khuôn khổ cân bằng và cùng có lợi cho mục tiêu trên, phù hợp với chính sách kinh tế của các bên.

13. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiềm năng hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Brazil, tầm quan trọng của việc mở rộng mối quan hệ đối tác trong việc nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. 

Hai bên hoan nghênh tăng cường hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ của hai nước và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dự kiến tổ chức vào Quý IV năm 2025 tại Brasilia. Trong các chủ đề ưu tiên cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đa dạng sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ nano và quang tử học.

14. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì đối thoại về năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo và các sáng kiến khác có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia.

15. Chủ tịch nước Lương Cường chúc mừng Brazil về kết quả thành công đạt được của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 tại Rio de Jainero vào tháng 11 năm 2024; tái khẳng định ủng hộ các sáng kiến của Brazil trong khuôn khổ Liên minh chống đói nghèo-mà Brazil là thành viên sáng lập, cam kết cùng nỗ lực để xóa đói phù hợp với mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. 

Việt Nam cũng đánh giá cao các ưu tiên của Brazil về y tế, thương mại, đầu tư và tài chính, biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo, cải cách hệ thống hòa bình và an ninh đa phương và sự phát triển thế chế BRICS trong nhiệm kỳ Brazil làm Chủ tịch luân phiên Nhóm BRICS. 

Brazil đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững thể hiện qua việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư vào tháng 4 năm 2025.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

16. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết quốc gia đối với chủ nghĩa đa phương, tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các Nhà nước. 

Hai bên nhấn mạnh giá trị của đối thoại và hợp tác trong các cơ chế khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đồng thời cam kết tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm. 

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và nhất trí tìm kiếm hình thức tăng cường hợp tác giữa Đông Nam Á và Nam Mỹ cũng như giữa các tổ chức khu vực liên quan như ASEAN và MERCOSUR. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường hơn nữa hợp tác Nam-Nam.

17. Hai nhà lãnh đạo nhắc lại nhu cầu cấp bách về việc cải tổ quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn của các quốc gia đang phát triển trong các cơ quan có tính quyết định, giúp các quốc gia này hoà nhập tốt hơn với thực tế địa chính trị hiện nay. 

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 2025, hai bên ủng hộ rà soát toàn diện Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhằm trang bị các công cụ cần thiết để đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng của thế kỷ 21.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

18. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tính cấp bách của việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm việc mở rộng số lượng ủy viên thường trực và không thường trực để tăng cường sự hiện diện của các nước đang phát triển từ các khu vực không có đại diện hoặc có ít đại diện như châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ Latin, để Hội đồng Bảo an có tính đại diện, hợp pháp và hiệu quả cao hơn. 

Chủ tịch nước Lương Cường tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyện vọng có một ghế thường trực của Brazil tại Hội đồng Bảo an sau khi được cải cách. Tổng thống Lula da Silva đã cảm ơn Chủ tịch nước Lương Cường vì sự ủng hộ liên tục của Việt Nam.

19. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sự cam kết đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), là công cụ quốc tế tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động hàng hải ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982.

TOÀN VĂN TUYÊN BỐ CHUNG GIỮA VIỆT NAM VÀ BRAZIL- Ảnh 6.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva

20. Hai nhà lãnh đạo nhất trí biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại. Hai bên nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi sự tiến bộ hướng tới phát triển bền vững, tăng cường hành động của tất cả chủ thể trong xã hội và huy động tất cả nguồn lực của nhân loại để giải quyết bất bình đẳng về cơ cấu trong và giữa các quốc gia, đồng thời mở đường cho quá trình chuyển đổi công bằng hướng tới xã hội với khí thải carbon thấp và khả năng thích nghi với biến đối khí hậu. 

Hai bên tái khẳng định cam kết của mình đối với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và nhất trí cần nỗ lực hợp tác trong việc theo đuổi các mục tiêu và mục đích dài hạn của Thỏa thuận Paris. Việt Nam đánh giá cao Brazil về quyết định đăng cai Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đối khí hậu năm 2025 (COP30) tại Belém.

21. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng bằng đồng thuận. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đánh giá cao Việt Nam quyết định đăng cai Lễ ký Công ước trên trong năm 2025 tại Hà Nội.

22. Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cảm ơn Chủ tịch nước Lương Cường và các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã đón tiếp chu đáo và trọng thị, thể hiện tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Brazil cũng như tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. 

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã trân trọng mời Chủ tịch nước Lương Cường và các nhà Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Brazil vào thời điểm phù hợp cho cả hai bên. Chủ tịch nước Lương Cường và các nhà Lãnh đạo Việt Nam đã vui vẻ nhận lời./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
SẼ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, SẮP XẾP CẤP XÃ

SẼ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH, SẮP XẾP CẤP XÃ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

CHÍNH PHỦ TẬP TRUNG SÁP NHẬP MỘT SỐ TỈNH, KHÔNG TỔ CHỨC CẤP HUYỆN, GIẢM ĐẦU MỐI MỞ RỘNG QUY MÔ CẤP XÃ

CHÍNH PHỦ TẬP TRUNG SÁP NHẬP MỘT SỐ TỈNH, KHÔNG TỔ CHỨC CẤP HUYỆN, GIẢM ĐẦU MỐI MỞ RỘNG QUY MÔ CẤP XÃ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới Chính phủ tập trung hoàn thành đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo hướng sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử - văn hóa; không tổ chức cấp huyện; giảm đầu mối để mở rộng quy mô của cấp xã; đồng thời đề xuất sửa đổi, bố sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan.

Tạm dừng điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính

Tạm dừng điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An thống nhất tạm dừng việc tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhân sự; nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, dự kiến đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính...

KẾT LUẬN 127-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VỀ TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

KẾT LUẬN 127-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ VỀ TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU, ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau đây là toàn văn Kết luận số 127-KL/TW:

BỘ CHÍNH TRỊ YÊU CẦU NGHIÊN CỨU BỎ CẤP HUYỆN, SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

BỘ CHÍNH TRỊ YÊU CẦU NGHIÊN CỨU BỎ CẤP HUYỆN, SÁP NHẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Kết luận số 126-KL/TW yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh;…

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 cho một số đối tượng

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi