QUY ĐỊNH
chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập
I- PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
Điều 1
1. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Áp dụng đối với đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân liên quan.
II- CHỨC NĂNG
Điều 2. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên và viên chức, người lao động; xây dựng đảng bộ, chi bộ và đơn vị trong sạch, vững mạnh.
III- NHIỆM VỤ
Điều 3. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh
1. Lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công tác chuyên môn của đơn vị đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động.
2. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nêu cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới lề lối, phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở ở đơn vị, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
4. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn của đơn vị. Nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức xây dựng nội bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, đơn vị, Nhân dân.
Điều 4. Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng
1. Chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lãnh đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động; phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, hợp tác và giúp đỡ nhau; kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động.
2. Thường xuyên phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của đơn vị để cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động nắm vững, chấp hành; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên.
3. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Điều 5. Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ
1. Lãnh đạo thực hiện chủ trương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của đơn vị.
2. Lãnh đạo công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nhận xét, đánh giá; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật. Quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ giỏi có năng lực nổi trội, đạo đức tốt.
3. Đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét, quyết định các vấn đề về tổ chức và cán bộ của đơn vị theo thẩm quyền.
Điều 6. Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng
1. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong thực hiện Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là, các chủ trương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm.
2. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời.
Điều 7. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội
1. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả nghị quyết và điều lệ của mỗi tổ chức; phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên, người lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
2. Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên nắm bắt, lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.
3. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất cấp ủy làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội để nắm tình hình hoạt động và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.
Điều 8. Lãnh đạo xây dựng tổ chức đảng, đảng viên
1. Đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; chủ động đấu tranh và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy.
2. Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện để đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt.
3. Tăng cường công tác quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao; đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Làm tốt công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng phát triển đảng viên từ đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, quần chúng ưu tú.
5. Xây dựng cấp ủy có đủ phẩm chất, năng lực, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên. Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) ở nơi có hội đồng quản lý (hội đồng trường); bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị.
6. Tổ chức cơ sở đảng ở đơn vị sự nghiệp công lập có từ 200 đảng viên trở lên được bố trí cán bộ chuyên trách trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Bí thư về Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Số lượng cụ thể do cấp ủy và lãnh đạo đơn vị quyết định. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính được tự quyết định số lượng cán bộ chuyên trách công tác đảng phù hợp với điều kiện của đơn vị.
7. Định kỳ hằng năm, cấp ủy lấy ý kiến của quần chúng tham gia góp ý về kết quả lãnh đạo của cấp ủy, thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đơn vị.
IV- MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Đối với tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp ủy cấp tỉnh); các quận, huyện, thị, thành ủy và tương đương thuộc tỉnh, thành ủy (gọi tắt là cấp ủy cấp huyện)
1. Cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về định hướng chính trị, những nội dung công tác quan trọng, công tác cán bộ đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp mình thông qua cấp ủy của đơn vị theo quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy và của cấp ủy cấp huyện.
2. Các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh hoặc cấp ủy cấp huyện gửi các cấp ủy đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như đối với các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy cấp huyện, cấp xã. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập được mời dự các cuộc họp có nội dung liên quan do Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy triệu tập.
3. Cấp ủy đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định.
Điều 10. Đối với ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương
1. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương lãnh đạo cấp ủy, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương về nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ theo phân cấp và những vấn đề có liên quan.
2. Văn bản của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có nội dung liên quan được gửi đến cấp ủy đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để triển khai thực hiện.
Điều 11. Đối với cấp ủy cấp trên trực tiếp
1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự lãnh đạo thường xuyên, toàn diện của cấp ủy cấp trên trực tiếp về công tác xây dựng đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
2. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, cấp ủy báo cáo, xin ý kiến cấp ủy cấp trên trực tiếp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ.
Điều 12. Đối với thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường)
1. Đảng bộ, chi bộ, cấp ủy phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) trong thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao, cấp ủy thường xuyên thông báo với thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) về ý kiến của đảng viên, viên chức, người lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ và chính sách, chế độ trong cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để đảng bộ, chi bộ thực hiện Quy định này.
2. Định kỳ (6 tháng, 1 năm, đại hội đảng) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) báo cáo với cấp ủy hoặc đại hội về kết quả hoạt động, chủ trương, nhiệm vụ của đơn vị; cấp ủy hoặc đảng bộ, chi bộ thảo luận, ra nghị quyết về những vấn đề lớn, quan trọng để lãnh đạo đảng viên, quần chúng trong đơn vị thực hiện.
3. Bí thư, thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng và pháp luật khi để xảy ra vi phạm kỷ luật đảng, tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị. Khi đảng ủy, chi ủy và thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) có ý kiến khác nhau thì thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định đó; đồng thời, cấp ủy và thủ trưởng đơn vị, chủ tịch hội đồng quản lý (hội đồng trường) cùng báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền.
Điều 13. Đối với cấp ủy và chính quyền địa phương
Cấp ủy đơn vị sự nghiệp công lập giữ mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có tổ chức đảng, đơn vị đóng trên địa bàn và nơi có đảng viên đang công tác của đơn vị cư trú.
V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ Quy định này và văn bản hướng dẫn của cấp ủy cấp trên xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Quy định số 97-QĐ/TW, ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư khoá IX; được phổ biến đến chi bộ.