TOÀN VĂN: Nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch hại thực vật

10/01/2025 17:21

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định số 09/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

CHÍNH PHỦ

_________

Số: 09/2025/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 2025

NGHỊ ĐỊNH
Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

____________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng thủ dân sự ngày 20 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, hoạt động hoặc tham gia hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật gây ra tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).

2. Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.

3. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.

4. Trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, cùng một thời điểm, cơ sở sản xuất được nhận hỗ trợ một chính sách cao nhất.

Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN XUẤT VÙNG BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH HẠI THỰC VẬT

Điều 4. Đối tượng hỗ trợ

Cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Điều 5. Mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

1. Mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

a) Diện tích lúa:

Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;

Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;

Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

b) Diện tích mạ:

Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

c) Diện tích cây hằng năm khác:

Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;

Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;

Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.

d) Diện tích cây trồng lâu năm:

Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;

Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

2. Mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

a) Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.

b) Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp trên 1/2 chu kỳ khai thác, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 03 năm tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.

c) Diện tích vườn giống, rừng giống: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.

d) Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm:

Nhóm cây sinh trưởng nhanh, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.

Nhóm cây sinh trưởng chậm, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

3. Mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản)

a) Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

b) Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30.000.000 đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.

c) Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

4. Mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại (chết, mất tích) do thiên tai

a) Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 15.000 đồng/con đến 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 31.000 đồng/con đến 45.000 đồng/con.

b) Chim cút đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 3.000 đồng/con đến 5.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 6.000 đồng/con đến 10.000 đồng/con.

c) Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 500.000 đồng/con đến 600.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 610.000 đồng/con đến 1.500.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con.

d) Bê cái hướng sữa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 2.000.000 đồng/con đến 4.000.000 đồng/con; bò sữa trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 4.100.000 đồng/con đến 12.000.000 đồng/con.

đ) Trâu, bò thịt, ngựa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 1.500.000 đồng/con đến 3.000.000 đồng/con; trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ từ 3.100.000 đồng/con đến 7.000.000 đồng/con.

e) Hươu sao, cừu, dê, đà điểu: hỗ trợ từ 1.000.000 đồng/con đến 2.500.000 đồng/con.

g) Thỏ đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 30.000 đồng/con đến 50.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ từ 51.000 đồng/con đến 70.000 đồng/con.

h) Ong mật (đàn): hỗ trợ từ 300.000 đồng/đàn đến 500.000 đồng/đàn.

5. Mức hỗ trợ đối với sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm diện tích đang sản xuất hoặc diện tích có muối đã được tập kết trên ruộng)

Diện tích sản xuất muối: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.

6. Trường hợp hỗ trợ bằng giống cây, con, hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Điều 6. Trình tự, trách nhiệm thực hiện hỗ trợ

1. Trình tự, trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

2. Trình tự, trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ kiểm tra phối hợp với cơ sở sản xuất tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết.

Tổ kiểm tra bao gồm đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, đại diện thôn, tổ dân phố. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia Tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra thực hiện phối hợp với cơ sở sản xuất tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo quy định tại Nghị định này.

Điều 7. Nguồn lực, nguyên tắc hỗ trợ kinh phí

1. Nguồn lực hỗ trợ

a) Ngân sách trung ương.

b) Ngân sách địa phương.

c) Các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương

a) Các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương: ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

b) Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống: ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

c) Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ trên 20% đến 60%: ngân sách trung ương hỗ trợ 50% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

d) Các địa phương còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo.

đ) Tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương quy định tại các điểm a, b, c, d khoản này được xác định theo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương hằng năm.

3. Các quy định khác

a) Trường hợp phần ngân sách địa phương đảm bảo tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này vượt quá nguồn lực của địa phương gồm: các nguồn tài chính hợp pháp khác quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và 70% số dư đầu năm Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh thì ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn lực để thực hiện.

b) Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo mức tối đa quy định tại Nghị định này.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Tài chính

a) Căn cứ quy định tại Nghị định này và báo cáo kết quả thực hiện chi từ nguồn ngân sách nhà nước của các địa phương, Bộ Tài chính bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

b) Trường hợp cần bổ sung nguồn lực để kịp thời hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung cho ngân sách địa phương bằng 70% mức dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ để địa phương đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Sau khi địa phương báo cáo kết quả thực hiện chi từ nguồn ngân sách nhà nước (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), Bộ Tài chính bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung cho các địa phương phần kinh phí hỗ trợ còn thiếu hoặc thu hồi phần kinh phí đã bổ sung còn dư trên cơ sở thực tế hỗ trợ các đối tượng theo quy định.

3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo quy định tại Nghị định này.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chỉ đạo tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật gây ra, chủ động thực hiện công tác hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương, các nguồn lực hợp pháp khác để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch hại thực vật để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật; tổng hợp báo cáo, đề xuất nhu cầu hỗ trợ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, đồng thời gửi báo cáo cho Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để tổng hợp chung theo quy định.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các cơ sở sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định này.

3. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, các nguồn tài chính hợp pháp khác, đặc điểm sản xuất và thực tế tại địa phương, quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật về ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:

a) Mức hỗ trợ cụ thể đối với từng loại cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản, vật nuôi và sản xuất muối quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định này.

b) Mức hỗ trợ cao hơn so với quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định này cho từng loại cây trồng, lâm nghiệp, thuỷ sản, vật nuôi và sản xuất muối nhưng không vượt quá 1,5 lần.

c) Mức hỗ trợ đối với loại cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản, vật nuôi và sản xuất muối khác chưa được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định này.

d) Hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này.

đ) Sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ đối với trường hợp quy định tại điểm c, d khoản này và phần chênh lệch vượt quá mức quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định này.

4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại địa phương, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp đến cơ sở sản xuất có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối bị thiệt hại theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm công khai danh sách nhận tiền hỗ trợ theo quy định.

5. Kết thúc đợt thiên tai, dịch hại thực vật hoặc cuối năm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (đối với thiệt hại do thiên tai) kết quả thực hiện theo biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản suất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng từ ngân sách nhà nước

1. Cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về thông tin, số liệu thiệt hại.

Điều 11. Quy định chuyển tiếp

Thiệt hại do thiên tai xảy ra từ ngày 01 tháng 9 năm 2024 chưa được nhận hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 02 năm 2025.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Các quy định về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho đến khi có quy định mới của Chính phủ về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2).

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

[Đã ký]

Trần Hồng Hà


Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, QUỐC KHÁNH NĂM 2025

LỊCH NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ, NGHỈ LỄ 30/4-1/5, QUỐC KHÁNH NĂM 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 25/1 - 2/2/2025; Nghỉ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày; nghỉ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.

Danh sách các điểm BẮN PHÁO HOA Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành

Danh sách các điểm BẮN PHÁO HOA Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Các điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Long An, Hà Tĩnh...

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

TOÀN VĂN: Nghị định 178/2024/NĐ-CP chính sách với CBCCVC, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

TOÀN VĂN: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Các tuyến đường CÔNG AN XÃ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từ ngày 1/1/2025

Các tuyến đường CÔNG AN XÃ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từ ngày 1/1/2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Theo Thông tư số 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2025, Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi