NGHỊ ĐỊNH
Về việc thành lập và quy chế hoạt độngcủa Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị đinh này quy định về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.
2. Nghị định này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hỗ trợ nguồn tài chính cho Quỹ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập và hoạt động cho hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa.
Điều 2. Tên gọi và địa vị pháp lý của Quỹ
1. Tên gọi: Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Tên giao dịch quốc tế là:..
2. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá (khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, khoa học công nghệ phục vụ cho các hoạt động thủy sản), đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
3. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc theo mô hình Ban Quản lý Dự án; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
4. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Điều 3. Nhiệm vụ của Quỹ
1. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ theo quy định.
2. Tài trợ của các hoạt động, dự án bổ sung nguồn lục phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
3. Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan
4. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Công bố công khai quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ, báo cáo tình hình thực hiện Quỹ theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan
6. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Bộ máy tổ chức quản lý và điều hành của Quỹ
1. Bộ máy tổ chức quản lý và điều hành của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và Cơ quan điều hành nghiệp vụ. Tổ chức quản lý và điều hành của Quỹ hoạt động theo hình thức biệt phái hoặc kiêm nhiệm.
2. Hội đồng quản lý Quỹ có không quá 09 thành viên, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
b) Hội đồng quản lý Quỹ gồm 01 Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm hoặc phê duyệt theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ.
c) Hội đồng quản lý Quỹ sử dụng bộ máy của cơ quan thường trực của Ủy ban làm cơ quan quản lý Quỹ.
d) Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phân công và được thực hiện tại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ban hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ.
3. Ban kiểm soát Quỹ có không quá 05 thành viên, gồm có Trưởng Ban kiểm soát và các thành viên.
a) Trưởng Ban kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm hoặc phê duyệt theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ.
b) Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ.
4. Cơ quan quản lý Quỹ bao gồm: Giám đốc, các Phó giám đốc và các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ.
a) Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm hoặc phê duyệt, Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ. Giám đốc Quỹ được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của Quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
b) Phó giám đốc, kế toán trưởng do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ.
c) Đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ.
d) Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phân công và được thể hiện tại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
Điều 5. Nguồn tài chính của Quỹ
1. Nguồn hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không bao gồm ngân sách của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa).
2. Nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.
3. Nguồn từ trích lập sau chênh lệnh thu chi hằng năm của Quỹ
4. Các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Điều 6. Nội dung chi
1. Thực hiện các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa.
2. Hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản tại huyện Trường Sa, gồm: tàu, nhiên liệu, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị bảo quản, thiết bị an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác
3. Hỗ trợ hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Trường Sa, gồm: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
4. Hỗ trợ hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bao gồm: Thực hiện đồng quản lý, bảo tồn, tàu, xuồng tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái;
5. Hỗ trợ dịch vụ phục vụ nghề cá, bao gồm: sửa chữa tàu, lồng bè, vận chuyển nhiên liệu, thủy sản, thực phẩm.
6. Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân tại huyện Đảo Trường Sa.
7. Kinh phí hoạt động của cơ quan quản lý Quỹ chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Điều 7. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán
1. Chế độ tài chính:
a) Hằng năm, cơ quan quản lý Quỹ thành lập kế hoạch tài chính gồm: kế hoạch hoạt động, kế hoạch thu, kế hoạch chi tài chính gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định;
b) Hằng năm, cơ quan quản lý Quỹ lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán;
c) Tồn dư Quỹ cuối năm trước được chuyển sang năm sau
2. Chế độ kế toán, kiểm toán, quản lý tài sản và công khai tài chính
a) Thực hiện công tác hoạch toán, kế toán theo quy định của pháp luật.
b) Thực hiện quản lý, sử dụng tàu sản theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính
Điều 8. Báo cáo, phê duyệt dự toán, quyết toán
1. Hằng năm, vào thời điểm yêu cầu xây dựng dự toán ngân sách theo quy định, cơ quan quản lý Quỹ có trách nhiệm báo cáo đánh giá tình hình thu, chi của Quỹ năm hiện hành và dự kiến thu, chi của Quỹ năm dự toán gửi Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa xem xét theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm hiện hành, kế hoạch tài chính năm sau và quyết toán thu, chi quỹ để báo cáo Chính phủ cùng với báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước.
3. Việc sử dụng kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để thực hiện các nhiệm vụ cho theo quy định tại Điều 6 Nghị định này được quyết toán như sau:
a) Đối với các nhiệm vụ chi sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước được quyết toán theo qu định hiện hành của pháp luật về xây dựng, đầu tư công và ngân sách nhà nước;
b) Đối với các nhiệm vụ chi sử dụng nguôn vốn từ Quỹ không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thực hiện quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân tài trợ phù hợp với thực tiễn và chủu trương của Đảng và Nhà nước về phát triển huyện Đảo Trường Sa (nếu có).
4. Kết thúc năm, cơ quan quản lý Quỹ có trách nhiệm báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong quý I năm sau. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, phê duyệt quyết toán Quỹ theo quy định hiện hành;
5. Đối với nguồn thu, chi của Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, kết thúc năm, cơ quan quản lý Quỹ có trách nhiệm báo cáo quyết toán gửi cơ qua tài chính tỉnh Khánh Hòa để thực hiện ghi thu, ghi chi vào ngân sách nhà nước và tổng hợp vào quyết toán ngân sách tỉnh Khánh Hòa theo quy định hiện hành.
Điều 9. Thanh tra và giám sát hoạt động của Quỹ
1. Quỹ chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị định này.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm:
a) Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
b) Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa
c) Tổ chức huy động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huy động nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước cho Quỹ.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Nghị định này.
đ) Quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa
e) Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc xây dựng kế hoạch công tác thu, chi và quản lý sử dụng nguồn thu của Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.
g) Chỉ đạo việc công khai thông tin về Quỹ theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2022.
Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.