TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa

16/04/2024 15:19

(Chinhphu.vn) - Toàn văn dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến.


NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết về đất trồng lúa

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết Điều 56, Điều 57 Luật Trồng trọt, Điều 182 Luật Đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và sử dụng đất trồng lúa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đất trồng lúa: là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.

2. Đất chuyên trồng lúa: là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.

3. Đất trồng lúa còn lại:đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.

4. Gây ô nhiễm đất trồng lúa: là hoạt động đưa vào đất các chất độc hại, sinh vật làm thay đổi kết cấu, thành phần của đất, làm ảnh hưởng không có lợi đến sản xuất lúa, chất lượng lúa gạo, và môi trường.

5. Gây thoái hóa đất trồng lúa: là hoạt động làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi hoặc bị chua hóa, mặn hóa, phèn hóa, khô hạn, chai cứng, chặt bí dẫn đến giảm độ phì và mất cân bằng dinh dưỡng của đất trồng lúa, giảm năng suất lúa.

6. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa: là hình thức chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm; cây lâu năm; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

7. Kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa là hình thức kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản gồm trồng một vụ lúa và một vụ nuôi trồng thủy sản hoặc trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này

1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thời gian trả lời tính hợp lệ của thành phần hồ sơ:

a) Trường hợp nộp trực tiếp: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính hợp lệ của thành phần hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân;

c) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

3. Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

4. Cách thức trả kết quả: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử.

CHƯƠNG II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA

Điều 5. Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

1. Điều kiện, tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

a) Phù hợp với khoản 1 Điều 56 của Luật Trồng trọt;

b) Đúng với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

c) Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa.

2. Trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm: ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, giống cây trồng được chuyển đổi phải thuộc Danh mục loại cây trồng lâu năm do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng, phần diện tích hạ thấp mặt bằng không được tập trung tại 1 khu vực;

4. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Điều này được thống kê là đất trồng lúa.

Điều 6. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

1. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được phê duyệt hàng năm.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tổng hợp số liệu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gửi Bản đăng ký Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tới Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 30 tháng 10 theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào Bản đăng ký Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Ủy ban nhân dân cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tổng hợp số liệu đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên phạm vi toàn huyện gửi Bản đăng ký Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 11 theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Ủy ban nhân dân cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên phạm vi toàn tỉnh trước ngày 30 tháng 12 theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ Quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện.

Điều 7. Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa có nhu cầu chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc cá nhân trong nước có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa gửi Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa theo mẫu Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét sự phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tại khoản 4 Điều 6.

Trường hợp Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản đồng ý cho chuyển đổi theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, vào sổ theo dõi và gửi cho tổ chức, cá nhân đăng ký. Trường hợp Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không phù hợp, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản theo mẫu Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp Bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đúng hoặc chưa đầy đủ thông tin, trong thời hạn 03 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian xem xét giải quyết thủ tục hành chính.

Điều 8. Quy định bóc tách và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa khi chuyển sang mục đích phi nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa phải bóc tách tầng đất mặt trên diện tích xây dựng đó để sử dụng hiệu quả vào mục đích nông nghiệp và xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách tối thiểu từ 20 cm (cen-ti-mét) trở lên tính từ mặt đất.

3. Phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.

4. Trường hợp công trình xây dựng trên đất chuyên trồng lúa nhưng bị trũng, ngập nước không thể thực hiện bóc tách tầng đất mặt thì tổ chức, cá nhân phải nộp một khoản tiền cho cơ quan nhà nước. Tùy vào điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích, vị trí đất trũng, ngập nước phải nộp tiền thay thế việc bóc tách tầng đất mặt.

Mức tiền phải nộp không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích công trình không thể bóc tách tầng đất mặt xây dựng trên đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 9. Hồ sơ, trình tự thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt.

1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị thẩm định theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản vẽ vị trí sử dụng khối lượng đất mặt sau khi bóc tách.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.

a) Trường hợp hồ sơ hợp lý, khả thi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chấp thuận phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu tại Phụ lục IX kèm theo Nghị định này gửi cho tổ chức, cá nhân.

b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lý, khả thi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục X kèm theo Nghị định này. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơgửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thiện đúng theo yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chấp thuận phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn theo yêu cầu hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng ý với hồ sơ hoàn thiện thì thông báo bằng văn bản theo mẫu tại phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp cần thiết phải tiến hành thẩm định vị trí, diện tích bóc tách tầng đất mặt ngoài thực địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản kiểm tra trước khi ban hành văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm: thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc bóc tách; sử dụng hiệu quả, đúng mục đích tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa khi chuyển sang đất phi nông nghiệp và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Điều 10. Điều kiện, tiêu chí xây dựng công trình trên đất trồng lúa phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

1. Không làm ảnh hưởng đến công năng sử dụng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, diện tích đất trồng lúa hiện đang sản xuất liền kề.

2. Đối với cá nhân có quy mô diện tích đất trồng lúa hoặc diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tập trung từ 03 ha trở lên đối với khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và 02 ha trở lên đối với các khu vực còn lại; Đối với tổ chức có quy mô diện tích đất trồng lúa hoặc diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tập trung từ 45 ha trở lên đối với khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và 30 ha trở lên đối với các khu vực còn lại thì được sử dụng một phần diện tích trên đó để xây dựng (01) một công trình.

3. Là công trình xây dựng (01) một tầng, không xây dựng tầng hầm; xây dựng bằng vật liệu lắp ghép đơn giản, dễ tháo dỡ; không sử dụng vào mục đích để ở.

4. Tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa 0,01% tổng diện tích đất lúa hoặc đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không vượt quá 500 m2.

5. Diện tích đất xây dựng công trình theo quy định tại Điều này được thống kê là đất trồng lúa.

Điều 11. Hồ sơ, trình tự thẩm định công trình xây dựng trên đất trồng lúa.

1. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng công trình trên đất trồng lúa, gửi hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị cho phép xây dựng công trình. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị xây dựng công trình theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp diện tích đề nghị xây dựng công trình của tổ chức, cá nhân;

c) Bản mô tả sơ đồ, vị trí xây dựng công trình.

2. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, thẩm định hồ sơ.

a) Trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản cho phép tổ chức, cá nhân được xây dựng công trình theo mẫu tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Nghị định này. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơgửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thiện đúng theo yêu cầu, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ban hành văn bản cho phép xây dựng công trình theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn theo yêu cầu hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện không đồng ý với hồ sơ hoàn thiện thì thông báo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp cần thiết phải tiến hành thẩm định ngoài thực địa vị trí, diện tích công trình xây dựng trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đoàn kiểm tra, lập biên bản kiểm tra trước khi ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tiêu chí xác định vùng, khu vực đất trồng lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi.

1. Thuộc vùng, khu vực đất chuyên trồng lúa.

2. Có hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng thuận lợi.

3. Có độ phì từ mức trung bình trở lên, môi trường sinh thái phù hợp với sinh trưởng phát triển cây lúa.

4. Đúng với quy Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Điều 13. Quy định nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đất chuyên trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất chuyên trồng lúa có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp để thực hiện công trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.

2. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50 % số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

3. Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa được nhà nước giao, cho thuê; nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định

Điều 14. Thời gian, trình tự, thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp

1. Việc nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp theo quy định của  được thực hiện khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trình tự, thủ tục kê khai, xác định diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền khi chuyển mục đích sử dụng sang mục đích phi nông nghiệp

Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập Bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa được nhà nước giao, cho thuê theo mẫu tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định này, gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xác định diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

a) Trường hợp Bản kê khai hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền theo mẫu tại Phụ lục XVII gửi đến Sở Tài chính để xác định số tiền phải nộp và tổ chức, cá nhân.

b) Trường hợp Bản kê khai không hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện Bản kê khai gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian hoàn thiện bản kê khai không tính vào thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Bản kê khai bổ sung hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Sở Tài chính căn cứ văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi, bảng giá loại đất trồng lúa tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định, xác định số tiền phải nộp và thông báo cho tổ chức, cá nhân theo mẫu tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp quá thời hạn nộp tiền theo văn bản thông báo của Sở Tài chính, tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

CHƯƠNG III
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA

Điều 15. Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa

1. Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;

b) Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

3. Hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha/năm đối với vùng, khu vực quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi, ngoài số tiền được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều này để đầu, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại.

4. Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo Khoản 2 Điều này được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách; Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo Khoản 3 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định.

5. Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa:

a) Hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng. Trường hợp có nhiều quy định khác nhau, thì áp dụng nguyên tắc mỗi mảnh đất chỉ được hỗ trợ 01 lần;

b) Hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;

6. Nguồn và cơ chế hỗ trợ:

a) Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí;

b) Đối với các địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% được hỗ trợ 50% kinh phí;

c) Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; hướng dẫn thực hiện hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa.

Điều 16. Sử dụng kinh phí hỗ trợ

Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng (i) kinh phí do tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nộp, ii) nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 15 và iii) nguồn kinh phí phải nộp theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp sẽ quyết định hỗ trợ các nội dung sau:

1. Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới, sử dụng giống cây trồng mới hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; mô hình trình diễn giống mới, tiến bộ kỹ thuật khoa học mới; hỗ trợ tổ chức tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

2. Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ phân vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 05 năm/lần để quản lý, sử dụng đất hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.

3. Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa hoặc đất trồng lúa còn lại: tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao khu vực đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.

4. Khai hoang đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa (trừ lúa nương).

CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; phương án bóc tách tầng đất mặt; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định này.

2. Tổng hợp, theo dõi số liệu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổng hợp kết quả đánh giá tính chất lý, hóa học và xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa trên phạm vi toàn quốc;

3. Xây dựng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về đất trồng lúa.

Điều 18. Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa tại địa phương trên cả nước.

2. Hằng năm, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất nông nghiệp và cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất nông nghiệp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 19. Bộ Tài chính

1. Cân đối nguồn ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ cho các địa phương sản xuất lúa.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan phân bổ vốn ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa.

3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn địa phương về quản lý, phân bổ nguồn thu theo quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 2 Điều 13, và Điều 15 Nghị định này.

4. Hướng dẫn cơ quan tài chính địa phương việc nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa và nộp tiền thay thế bóc tách tầng đất mặt đối với diện tích đất trũng, ngập nước theo quy định.

Điều 20. Các Bộ, ngành khác

Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thực hiện các quy định có liên quan tại Nghị định này.

Điều 21. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt; xác định ranh giới, lập bản đồ diện tích đất trồng lúa, vùng đất chuyên trồng lúa cần bảo vệ; xác định diện tích chuyên trồng lúa chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp (nếu có) làm cơ sở xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp ngân sách nhà nước; xác định vùng, diện tích đất trũng, ngập nước không thể bóc tách tầng đất mặt phải nộp tiền thay thế.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chính phủ về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.

4. Lập, ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; xác định các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm hoặc loại vật nuôi phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương theo quy định tại Nghị định này.

5. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, quyết định chính sách hỗ trợ khác ngoài quy định tại Nghị định này để quản lý và sử dụng hiệu quả đất trồng lúa; báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa..

6. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt đối với các công trình, dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, công bố kết quả và cập nhật vào cơ sở dữ liệu toàn quốc về đất trồng lúa; thống kê và công bố vùng, khu vực đất trồng lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi; xây dựng kế hoạch cải tạo đất trồng lúa và gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện.

8. Định kỳ trước ngày 30 tháng 12 hàng năm, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa của địa phương, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mẫu tại Phụ lục XX kèm theo Nghị định này và Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm sau về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện các nội dung theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này

10. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Nghị định này.

Điều 22. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa

1. Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

3. Canh tác đúng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

a) Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

b) Không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề;

c) Trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề;

d) Trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản.

6. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:

a) Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 8, Điều 13 của Nghị định này;

b) Có phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa khi xây dựng công trình trên đất chuyên trồng lúa;

c) Áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải có biện pháp khắc phục kịp thời và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng… năm 2024.

2. Nghị định này bãi bỏ các quy định tại các văn bản sau đây:

a) Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

b) Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

c) Điều 13, Điều 14 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác

Điều 24. Quy định chuyển tiếp

Chính sách hỗ trợ cho địa phương,người sản xuất lúa theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) được tiếp tục thực hiện đến ngày …..tháng ……năm 2024

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Từ khóa:
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi