Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số V.07.07.22
Nhiệm vụ:
Ngoài những nhiệm vụ của viên chức tư vấn học sinh hạng II, viên chức tư vấn học sinh hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
+ Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên (nếu có);
+ Chủ trì xây dựng các nội dung bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức mới chuyên sâu có liên quan đến công tác tư vấn học sinh hoặc tham gia đánh giá, thẩm định tài liệu, học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn viên chức tư vấn học sinh do cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh trở lên tổ chức;
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;
Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về công tác tư vấn học sinh;
Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh;
Hiểu và nắm vững đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận diện được các dấu hiệu xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện được các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp;
Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật và vận dụng kiến thức mới vào trong công tác tư vấn học sinh. Có khả năng giám sát chuyên môn cho học sinh thực hiện tư vấn, hỗ trợ ngoài nhà trường;
Có khả năng vận dụng, triển khai những kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;
Có khả năng đề xuất phương thức kết nối, phối hợp chuyên môn với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Kết quả thi đua và thời gian giữ hạng:
Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc được nhận bằng khen cấp tỉnh trở lên do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II;
Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) hoặc tương đương đủ từ 06 năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng. Trường hợp có thời gian tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II thì thời gian giữ hạng viên chức tư vấn học sinh hạng II tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I
Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Xếp lương
Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 4/11/2024.