Tiêu chí thi đua về phát triển kết cấu hạ tầng gồm:
+ Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế, luật pháp, quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng để huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong sử dụng nguồn lực đất đai, phát huy hiệu quả các hoạt động xây dựng, đầu tư, đấu thầu..., đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đồng hành nhau với cả 3 chủ thể: nhà nước, người dân và doanh nghiệp, thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế, xã hội;
+ Đầu tư và hoàn thành chất lượng, đúng và vượt tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế và các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; xây dựng Chiến lược dữ liệu quốc gia, đảm bảo không gian mạng an toàn, tin cậy và làm chủ công nghệ số;
+ Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảm bảo thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư; thực hiện công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương;
+ Ứng dụng sản phẩm công nghệ số thiết kế, sản xuất trong nước và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo chất lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;
+ Tăng cường tư vấn, giám sát độc lập nhằm nâng cao chất lượng công trình, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác, sử dụng và quản lý có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng;
+ Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới;
+ Đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung bố trí nguồn lực cho các dự án hạ tầng dùng chung, công trình có tính chất đột phá, có tác động lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn.
Tiêu chí thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm:
+ Xây dựng và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiết kiệm cho ngành, lĩnh vực và cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý;
+ Ban hành và công khai hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn thuộc thẩm quyền quản lý kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn, tiến bộ khoa học và công nghệ, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí;
+Giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước, trong tổ chức thực hiện phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%;
+ Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ngân sách nhà nước về khoa học đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu, hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; sử dụng hiệu quả kinh phí nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, y tế;
+Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính;
+ Thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công; đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định. Đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước;
+ Thực hiện tích hợp các chế độ, chính sách có cùng mục đích, đối tượng, phạm vi giữa các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, thực hiện. Quản lý mạng lưới an sinh xã hội thống nhất trên nền tảng số, kết nối liên thông;
+ Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguôn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế; phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển; cân đối giữ khai thác và dự trữ khoáng sản, gắn công nghiệp khai khoáng với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15%, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%;
+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư, tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,5%/năm; thực hiện công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát cụ thể để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Tiêu chí đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân
+ Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong hệ thống tổ chức các cấp;
+ Có nhiều sáng kiến, giải pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên, nhân dân hiến kế, hiến công, hiến đất, đóng góp về vật chất như tiền của, vật tư, trang thiết bị..tham gia xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng;
+ Tăng cường hiệu quả công tác phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị và trong quá trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; giám sát việc xử lý hành vi gây lãng phí theo quy định của pháp luật.
Tiêu chí đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình
+ Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cá nhân, trong tổ chức lễ hội và các hoạt động khác có sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác.
+ Chủ động, tích cực tham gia, đóng góp kinh phí xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng đảm bảo hiệu quả.
+ Các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm chủ công nghệ xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng quy mô lớn.
Tiêu chí đối với cá nhân
- Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; có sáng kiến, giải pháp hữu ích được cấp có thẩm quyền công nhận trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng kết cấu hạ tầng.
- Người dân:
+ Sử dụng tài nguyên thiên nhiên đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tham gia giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện và kịp thời phản ánh cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về các hành vi gây lãng phí.
+ Trực tiếp tham gia đóng góp, phối hợp, giúp đỡ, tuyên truyền vận động thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của quốc gia, tỉnh, huyện, xã về phát triển kết cấu hạ tầng.
- Đối tượng khác (doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài...) có sáng kiến, giải pháp hữu ích được cấp có thẩm quyền công nhận trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thay đổi biện pháp thi công, sử dụng hợp lý các nguồn lực... phục vụ xây dựng và quản lý khai thác công trình hạ tầng.
Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng
Về khen thưởng hàng năm, Quyết định nêu rõ: Căn cứ kết quả thực hiện Phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân, các bộ, ban, ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quôc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc biểu dương, khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu.
Đối với khen thưởng sơ kết giai đoạn 2022-2025, hình thức khen thưởng gồm: Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Giấy khen.
Tiêu chuẩn khen thưởng: Căn cứ thành tích trong tổ chức, thực hiện Phong trào thi đua, việc xét khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Vũ Phương Nhi