CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Vụ lọt đề thi tốt nghiệp: Cơ quan Công an tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật

08:08 - 30/06/2023

(Chinhphu.vn) - Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề có liên quan đến vụ lọt đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT: Coi thi tốt nghiệp THPT là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp - Ảnh 1.

Công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản đã hoàn thành tốt đẹp

Chiều tối 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương; Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cùng chủ trì họp báo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Coi thi là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp vì diễn ra đồng thời trên toàn quốc, với quy mô lớn - hơn 1 triệu thí sinh tham gia và khoảng 250 nghìn cán bộ làm công tác tổ chức Kỳ thi.

Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản đã hoàn thành tốt đẹp.

Thứ trưởng Bộ GDĐT: Coi thi tốt nghiệp THPT là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Coi thi là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp.

41 thí sinh bị đình chỉ vì vi phạm quy chế

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh dự thi năm nay là 1.012.398, đạt 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn 99,65 %; Toán 99,63%; Khoa học Tự nhiên 99,72%; Khoa học Xã hội 99,62%; Ngoại ngữ 99,61%.

41 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học Tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học Xã hội: 11 thí sinh và Ngoại ngữ 3 thí sinh). 

Trong đó, một thí sinh mang điện thoại và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. 6 cán bộ coi thi phải dừng thực hiện nhiệm vụ.

Trong kỳ thi năm nay, cán bộ, thí sinh đã chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…) (40 trường hợp). 

Đặc biệt có một thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về một trường mang điện thoại vào phòng thi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT: Coi thi tốt nghiệp THPT là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp - Ảnh 3.

Thông tin tại họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết: Công tác coi thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện.

Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi, môn thi nằm trong chương trình Trung học Phổ thông, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp, đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương,  giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. 

Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh, do đó không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. 

Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Cơ quan Công an tiếp tục làm rõ vụ lọt đề thi tốt nghiệp THPT để xử lý theo pháp luật - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT.

Cơ quan Công an tiếp tục làm rõ vụ lọt đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ: Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình, quy định khi coi thi. 

Trong đó có việc hai thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) xác minh làm rõ và đình chỉ hai thí sinh trên. Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Vụ lọt đề thi tốt nghiệp: Cơ quan Công an tiếp tục làm rõ  để xử lý theo pháp luật - Ảnh 5.

6 nhóm vấn đề khẳng định thành công của Kỳ thi

Kết luận họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến thời điểm này được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế, thể hiện ở 6 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương sâu sát, kịp thời. Điều này thể hiện từ việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT, các hướng dẫn, Chỉ thị của các tỉnh/thành và nhiều văn bản khác.

Cùng với đó, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức Kỳ thi được dự báo; trong đó xác định ngay từ đầu diễn biến phức tạp của việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận để có biện pháp phòng, chống.

Thứ hai là công tác phối hợp thống nhất, xuyên suốt, nhuần nhuyễn, kịp thời từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành. Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ có 2 từ khóa quan trọng là tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức Kỳ thi. Trách nhiệm của bộ ngành, địa phương cũng được phân công rõ; trong đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương.

Thứ ba, công tác chuẩn bị tổ chức chủ động, kịp thời, chu đáo, toàn diện của địa phương, hướng tới Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn.

Thứ tư, công tác an ninh, an toàn được bảo đảm; trong đó có vai trò chủ động rất lớn của lực lượng công an.

Thứ năm, công tác truyền thông về Kỳ thi của ngành và phản ánh về Kỳ thi của cơ quan truyền thông, báo chí hết sức chủ động, kịp thời, đúng, trúng. Nhìn chung, các phương tiện truyền thông đại chúng đánh giá tốt về Kỳ thi, Kỳ thi giảm nhiều áp lực, căng thẳng.

Thứ 6, về công tác chuyên môn, hệ thống văn bản chỉ đạo đầy đủ, toàn diện, ngày càng khoa học, chặt chẽ, bao quát hơn; công tác tập huấn cho các chủ thể tham gia Kỳ thi kỹ lưỡng; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đề thi, in sao đề thi, công tác thanh tra kiểm tra… được chuẩn bị, triển khai nghiêm túc.

Đạt được kết quả trong 6 nhóm vấn đề như trên, theo Thứ trưởng, là sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống, không chỉ ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được khá toàn diện, vẫn còn có sự việc đáng tiếc xảy ra. Kỳ thi còn có 41 thí sinh vi phạm quy chế; trong đó 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. 38 trường hợp cán bộ coi thi đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời; 2 trường hợp phán tán đề ra ngoài. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của Kỳ thi với hơn 1 triệu thí sinh tham gia; 2 trường hợp này là cá biệt, đáng tiếc.

Chia sẻ liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đây là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, Kỳ thi năm nay tiếp tục có những đổi mới từ quy trình ra đề đến lựa chọn cán bộ. Thành viên tham gia Ban Đề thi được lựa chọn là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng lực, bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cân đối vùng miền và các giảng viên đại học.

Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.

Tổng số điểm thi: 2.272; tổng số phòng thi: 43.032. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%.