Nhiều luồng ý kiến trái chiều
Theo Thời báo Ngân hàng, tại Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM trong tuần qua, UBND TP.HCM đã đề xuất thí điểm thu thuế bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người sở hữu.
Việc thí điểm này được TP.HCM cho rằng sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản gây lãng phí nguồn lực.
Đồng thời, sẽ tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương để phát triển các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân.
Về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá là hợp lý. Vì trước đây trong các kiến nghị của cơ quan này, HoREA cũng đã từng đề xuất tương tự và trong 3-4 năm qua, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần bàn thảo đến việc đánh thuế tài sản nhằm tác động tích cực, ngăn chặn đầu cơ nhà đất, minh bạch thị trường và kìm đà tăng của giá nhà ở.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cũng có cùng quan điểm khi ủng hộ đề xuất này, thậm chí, ông Nghiêm cho rằng việc thu thuế bất động sản từ thứ hai trở lên nên áp dụng rộng khắp cả nước, bởi đây là một trong những giải pháp kìm hãm tốc độ tăng của giá nhà đã được nhiều quốc gia áp dụng.
“Việc thu thuế cũng sẽ giúp ngân sách của các địa phương tăng lên đáng kể. Và nếu phần tăng thêm này được trích phù hợp để hỗ trợ người mua nhà để ở thì sẽ khiến giá nhà, đất được ổn định, tăng tiếp cận cho người thu nhập thấp”, ông Nghiêm nhận định.
Tuy nhiên, đề xuất trên của TP.HCM cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Chẳng hạn, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đề xuất này là chưa phù hợp. Bởi thị trường bất động sản đang đóng băng, nếu đánh thuế sẽ tạo ra tâm lý hoang mang, khiến thị trường đang khó khăn lại càng khó khăn hơn.
“Chưa kể rằng, cơ quan đề xuất chưa đưa ra được tiêu chí rõ ràng thế nào là đầu cơ bất động sản mà chỉ lấy định lượng sở hữu hai căn nhà hay hai tài sản là bất động sản trở lên là đầu cơ bất động sản. Dựa vào đây mà đánh thuế là chưa hợp lý”, ông Hoàng nói.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng nhận định rằng, cách đặt vấn đề của cơ quan đề xuất là “đánh thuế căn nhà thứ hai nhằm tạo quỹ hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua căn nhà đầu tiên” là chưa chắc chắn. Thực tế, ở các nước có thu thuế tài sản bất động sản thứ hai cũng chưa có tiền lệ này.
Đồng thời, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, không có gì đảm bảo rằng nếu đánh thuế căn nhà thứ hai thì người dân không “lách luật” bằng cách nhờ người thân đứng tên để né thuế. Như vậy vừa gây nguy cơ thất thoát thuế, vừa không đạt được mục đích hỗ trợ người mua căn nhà đầu tiên.
Chọn thời điểm và cách tính thuế phù hợp
Theo các chuyên gia bất động sản, việc đánh thuế tài sản bất động sản thứ hai về mặt lâu dài sẽ có tác động tốt đến thị trường nhà đất nếu chính sách này được thực thi nghiêm túc, chặt chẽ và phối hợp đồng bộ với các chính sách liên quan khác.
Cụ thể, theo ông Lê Quốc Kiên, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM, khi mức thuế tài sản thứ hai được ấn định phù hợp, khoản thuế này sẽ được tính vào chi phí giá thành nhà ở, đất ở.
“Khi đó, nhà đầu tư ngắn hạn buộc phải tính toán, cân nhắc thời gian găm giữ bất động sản với mức thuế phải chịu hàng tháng. Áp lực trả lãi vay ngân hàng và tiền thuế sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Tuy nhiên, việc kiểm soát thu thuế phải minh bạch thì mới có hiệu quả”, ông Kiên nói.
Từ góc độ pháp lý, các luật sư tại Công ty Luật Toàn Quốc cho rằng, hiệu quả của việc đánh thuế sở hữu đối với căn nhà thứ hai chỉ phát huy tác dụng khi cơ sở dữ liệu nhà đất quốc gia được hoàn thiện. Các dữ liệu tích hợp phải minh bạch công bằng thì mới tránh được tình trạng gian lận, lách thuế và thu thuế bất hợp lý.
Vì nếu chỉ căn cứ vào số tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở thì có người sở hữu biệt thự hàng vài nghìn m2 không bị đánh thuế, trong khi có người chỉ sở hữu dăm chục m2 là bị đánh thuế vì giấy tờ thể hiện là tài sản thứ hai.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, với đề xuất của TP.HCM, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc mức thuế và cách đánh thuế phù hợp.
Bởi cách đây vài năm, khi thảo luận về phương án đánh thuế tài sản, đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai đã nhận được khá nhiều ý kiến không đồng thuận do khó đảm bảo tính công bằng và khó thực thi trên thực tiễn.
Hơn nữa, khi xây dựng Dự án Luật Thuế Tài sản, Bộ Tài chính cũng đã chọn phương án đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà ở có giá tính thuế tài sản từ 700 triệu đồng trở lên với mức thuế suất là 0,4%/năm, chứ không chọn giải pháp đánh thuế căn nhà thứ hai. Vì vậy, đề xuất của TP.HCM cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi luật hóa để thí điểm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để thí điểm việc thu thuế căn nhà thứ hai, Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện.
Theo đó, có thể đưa ra kế hoạch thí điểm 2-3 năm tại các thành phố lớn với khâu đoạn ban đầu là đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai, định danh cụ thể người sở hữu nhiều tài sản.
Sau đó xây dựng biểu thuế lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở lên và nghiên cứu mức thuế phù hợp để có thể hạn chế tình trạng đầu cơ nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường giao dịch nhà đất./.