Thanh tra làm tốt việc là khi ngành tốt lên, vi phạm giảm đi
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022.
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Mục tiêu cuối cùng của thanh tra là để ngành tốt lên. Thanh tra làm tốt việc là khi ngành tốt lên, vi phạm giảm đi, nhất là các vi phạm cũ, phản ánh, khiếu nại giảm đi.
Nếu thanh tra không có bộ chỉ số đo lường để đánh giá sự tốt lên của ngành thì công tác thanh tra sẽ rất khó đánh giá. Thanh tra là phương tiện, mục tiêu là ngành tốt lên. Không được nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Nhất là không lấy phương tiện làm mục tiêu.
Theo Bộ trưởng: "Muốn làm tốt công tác thanh tra thì người làm thanh tra phải tâm sáng, lòng trong, tay sạch. Tay nhúng chàm thì càng thanh tra càng có hại cho ngành. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ thanh tra viên trong sạch vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thanh tra".
Giám sát có thể cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm, 'vỗ vai', cứu được người
Bộ trưởng cho rằng: Thanh tra thì đầu tiên là giám sát. Giám sát thì online và toàn diện. Giám sát thì rộng khắp và liên tục. Giám sát thì có thể cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm, vỗ vai, cứu được người.
Bởi vậy, ngành Thanh tra phải kết nối được với các đối tượng thanh tra. Nhiều cục quản lý nhà nước đã kết nối tới các đối tượng quản lý, đã có công cụ giám sát thì thanh tra chỉ cần kết nối tới các đơn vị quản lý nhà nước này là được.
Chuyển đổi số thì sẽ làm được việc giám sát online, toàn diện. Giám sát trên môi trường số thì phải dùng công nghệ. Ngành thanh tra vì thế mà phải công nghệ nhiều hơn.
Thanh tra phải góp phần hoàn thiện thể chế; tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Thanh tra phải góp phần hoàn thiện thể chế. Hệ thống pháp luật của chúng ta đang hình thành, đang phát triển ở giai đoạn đầu, nhiều cái chưa theo kịp cuộc sống.
Mỗi lần thanh tra, kiểm tra phải luôn xem hệ thống pháp luật khi áp vào cuộc sống có tồn tại gì không, có bất cập gì không. Nếu có là phải đề xuất sửa đổi. Đó cũng là góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, là giúp bao người không mắc lỗi, phạm tội.
Thanh tra thì tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc xã hội, cộm cán kéo dài. Tức là thanh tra cái khó, không phải chỉ làm cái dễ. Bám theo các trọng tâm của Bộ theo từng năm mà lập kế hoạch thanh tra. Thí dụ, lĩnh vực báo chí, xuất bản năm nay tập trung vào chấn chỉnh hoạt động của các tạp chí thì thanh tra cũng phải tập trung vào đây.
Phải quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng quản lý
Luân chuyển trong nội bộ thanh tra là việc phải làm thường xuyên. Việc gì cũng vậy, ai cũng vậy, làm mãi một việc rồi cũng sẽ không còn đổi mới, dễ trì trệ và tiêu cực. Đổi mới, tái tạo lại mình nếu làm một vài lần thì sẽ trở thành nhu cầu tự thân.
Những người làm thanh tra phải rất am hiểu nghề thanh tra, lĩnh vực mình thanh tra. Chỉ có như vậy mới có lý, có tình được. Mới làm cho người được thanh tra tâm phục, khẩu phục mà vì thế họ mới thành tâm sửa lỗi, mới biết ơn chúng ta đã chỉ ra cho họ thấy sai mà sửa.
Muốn phán xét người khác thì cũng phải đủ tư cách. Việc tập huấn nghiệp vụ, phổ biến pháp luật hôm nay cũng là để chúng ta am hiểu về nghề hơn để làm thanh tra tốt hơn.
Theo Bộ trưởng: "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì không chỉ làm với thanh tra viên, mà cần làm nhiều hơn với các đối tượng quản lý. Vì mục tiêu của chúng ta là các đối tượng quản lý hoạt động đúng luật pháp.
Nhiều người khi làm cũng ít đọc pháp luật, bởi vậy mà ngành thanh tra càng phải quan tâm đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng quản lý".
Phải công nghệ nhiều hơn, phải có hệ thống giám sát tốt để nhắc nhở sớm
Theo Bộ trưởng, làm thanh tra thì nhắc trước xử sau. Nhắc mà không sửa thì xử nặng tay để răn đe. Muốn vậy thì phải có hệ thống giám sát tốt để nhắc nhở sớm, ngay từ khi sự việc còn nhỏ. Nếu không có hệ thống này, 5 năm mới tới thanh tra một lần thì không thể nhắc trước xử sau được, mà chỉ có thể có sao xử vậy thôi. Và như thế thì không có tính giáo dục nhiều. Và như thế là chống nhiều hơn phòng.
Bộ trưởng gợi mở: "Việc thì càng ngày càng nhiều, người thì càng ngày càng giảm. Vậy phải làm thế nào? Phải công nghệ nhiều hơn, phải tự động hóa một số khâu, phải biết cách tìm ra nhanh cái chính.
Về công nghệ thì có trợ lý ảo để giúp việc, cần gì về chuyên môn, nghiệp vụ thì hỏi trợ lý ảo; xây dựng cơ sở dữ liệu về các trường hợp tiêu chuẩn, mà bên toà án gọi là án lệ.
Về tri thức ngành thanh tra thì làm nhiều quen tay, tạo ra các mẫu lấy thông tin để thu thập dữ liệu nhanh hơn; trong cả rừng tài liệu thì biết tìm ở đâu. Các tri thức của thanh tra phải được chắt lọc hàng năm và đưa vào hệ tri thức của ngành, mà biểu hiện của nó là các mẫu thông tin, dữ liệu.
Thanh tra cũng như bất cứ ngành nào, mỗi năm phải hệ thống hoá lại tri thức mới, lập trình tri thức này vào nền tảng làm việc số, tự động hoá, dùng công nghệ hỗ trợ, để năng suất lao động mỗi năm tăng 10%.
Chỉ có làm như vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nếu qua một năm mà không đưa tri thức học tập được thành tài sản chung cho tất cả thanh tra viên, thì năm sau vẫn như năm trước, năng suất lao động không tăng được, nhân viên quá tải, chất lượng công việc sẽ đi xuống từng năm.
Nếu có nền tảng làm việc số, tri thức của ngành được lập trình vào nền tảng số này thì chất lượng người làm thanh tra thay vì nằm trong dải 1-10 điểm sẽ thành 7-10 điểm. Và đây sẽ là một thay đổi căn bản của ngành thanh tra".
Cái giỏi của Thanh tra Bộ không phải là làm giỏi mà là hỗ trợ giỏi
Bộ trưởng nêu rõ: "Ngành Thanh tra TT&TT nếu lực lượng xuyên suốt từ trung ương tới địa phương thì không phải nhỏ mà là một gia đình rất lớn, tới 300-400 người.
Nếu tính thêm lực lượng chuyên môn quản lý nhà nước các lĩnh vực của Bộ thì có đến vài ngàn người.
Nếu tính các kỹ sư, chuyên viên làm việc trong ngành TT&TT thì có tới hàng trăm ngàn, lực lượng này thanh tra hoàn toàn có thể chưng dụng.
Vậy, to hay nhỏ, nhiều hay ít cũng là do cách tiếp cận của chúng ta. Suy nghĩ mở rộng ra thì nguồn lực sẽ rất nhiều. Thanh tra Bộ phải nắm nhân sự toàn ngành, chăm lo xây dựng con người, tổ chức tập huấn, đào tạo tập trung qua các nền tảng đào tạo trực tuyến MOOC, kế hoạch thanh tra thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm thanh tra giữa các Sở, các đơn vị, giám sát được toàn bộ hoạt động của thanh tra ngành.
Thanh tra Bộ phải có khuyến nghị về tổ chức của thanh tra ngành tại địa phương, để tổ chức cơ bản là tương đồng. Bức tranh toàn cảnh hàng năm về hoạt động của thanh tra toàn ngành phải được vẽ lên, đánh giá và gửi cho các địa phương tham khảo.
Muốn người khác làm tốt lên, làm giỏi lên thì mình phải lùi lại, làm ít đi mà giám sát nhiều hơn, thúc đẩy nhiều hơn, đào tạo, hướng dẫn nhiều hơn, cung cấp công cụ, tri thức nhiều hơn, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn.
Muốn các Sở làm thanh tra tốt hơn thì Thanh tra Bộ phải lùi về sau để hỗ trợ, thúc đẩy. Thanh tra Bộ phải xây dựng các nền tảng số để hỗ trợ cho Thanh tra Sở. Thanh tra Bộ mà tiếp tục làm nhiều, tiếp tục làm giỏi hơn các Sở thì các Sở không thể giỏi lên được, mà Thanh tra Bộ cũng chỉ giống như một sở to mà thôi.
Cái giỏi của Thanh tra Bộ không phải là làm giỏi mà là hỗ trợ giỏi, xây dựng hệ tri thức ngành Thanh tra, đầu tư công cụ, nền rảng số, chuyển đổ số ngành Thanh tra.
Thanh tra Bộ, Thanh tra các Cục, Thanh tra Sở phải là một nhà, một tổ chức thống nhất, một cơ sở tri thức chung, chia nhau các việc cho phù hợp, có cái thì tập trung có cái thì phân tán, để trở thành một cơ thể hoàn chỉnh.
Luật pháp, thể chế phải tường minh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Làm quản lý nhà nước thì lưu ý 4 việc:
Thứ nhất, luật pháp, thể chế phải tường minh.
Thứ hai, xử phạt thì phải có tính răn đe, phải có mức xử phạt đến đình chỉ hoạt động, đến thu hồi giấy phép.
Thứ ba, phải xây dựng hệ thống giám sát online, toàn diện, toàn ngành để phát hiện sớm vấn đề.
Thứ tư là thực thi luật pháp nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Thiếu hiểu biết pháp luật một chút cũng có thể chính mình trở thành người phạm tội
Bộ trưởng bày tỏ: "Làm thanh tra thì nhiều nỗi khổ. Đe dọa có. Khiếu nại có. Kiện ra toà có. Áp lực từ nhiều phía có. Bị soi xét kỹ cũng có.
Quy định pháp luật không phải lúc nào cũng tường minh gây khó khăn cho thanh tra. Thiếu hiểu biết pháp luật một chút cũng có thể chính mình trở thành người phạm tội. Không ít vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Cám dỗ cũng có.
Vậy nên, ai hợp, ai có duyên phận, ai thấy cái hay của thanh tra, thí dụ như giúp người tránh sai phạm, thí dụ như trị cái xấu để cho ngành phát triển lành mạnh, thì mới có thể ở với ngành này. Ai không hợp thì nên đi.
Làm nghề gì cũng vậy thôi, hợp nó, yêu nó, thấy ý nghĩa lớn lao của nó thì hãy làm, vì nghề đi theo mình cả đời người, làm lên cuộc sống của mình, hạnh phúc, khổ đau cũng phần nhiều từ nghề mà ra"./.