
Toàn cảnh Phiên họp
Thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội
Chiều 18/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình chủ trì Phiên họp.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Hoàng Anh Công, Trần Thị Nhị Hà, Lò Việt Phương; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Hoàng Anh Công công bố Nghị quyết số 178/2025/QH15 về tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết số 186/2025/QH15 bầu Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khóa XV;
Nghị quyết số 1431/UBTVQH15 của UBTVQH phê chuẩn danh sách Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách và Ủy viên là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng hoa chúc mừng Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban và các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội
Quyết định thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội khóa XV có ý nghĩa sâu sắc
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện - tiền thân của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, được thành lập từ ngày 17 tháng 3 năm 2003, theo Nghị quyết số 370 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Ban Dân nguyện được thành lập là Cơ quan thường trực tiếp công dân của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, là đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri và tham mưu giúp UBTVQH giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình khẳng định, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân nguyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trở thành cầu nối quan trọng giữa Quốc hội, các cơ quan Nhà nước và Nhân dân. Ban đã không ngừng đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo tính minh bạch và công khai trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, ghi dấu ấn lịch sử của Quốc hội Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình nêu rõ, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát với trọng tâm là:
(1) Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; về trưng cầu ý dân; thực hiện dân chủ ở cơ sở; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân;
(2) Kiến nghị các vấn đề về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;
(3) Ủy ban Dân nguyện và Giám sát thực hiện các nhiệm vụ Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách; chủ trì giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và một số nhiệm vụ khác theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng trong công tác giám sát chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Dân nguyện và Giám sát với các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan truyền thông mà trước tiên là Thường trực Ủy ban và các đại biểu thuộc Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình đề nghị, cần duy trì và mở rộng các kênh thông tin, tạo điều kiện để Nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia vào quá trình giám sát các hoạt động của Nhà nước thông qua hoạt động của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.
“Với nhóm nhiệm vụ mới, Ủy ban ngày càng có thêm cơ sở để chú trọng hơn đối với công tác giám sát về khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhân dân, bảo đảm mọi tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đều được lắng nghe và giải quyết kịp thời.
Ủy ban cũng sẽ luôn tạo ra cơ chế mở để các ĐBQH, các tổ chức xã hội và người dân có thể đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh, chú trọng đến việc phát triển các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, nhằm bảo đảm công tác giám sát được thực hiện một cách hiệu quả, toàn diện và đồng bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cần lưu ý việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới so với trước đây, trong đó tập trung vào 03 nhiệm vụ trọng tâm là thẩm tra - giám sát - kiến nghị cũng như các nhiệm vụ khác mà Quốc hội và UBTVQH giao
Bước tiến trong quá trình hoàn thiện bộ máy của Quốc hội
Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, đánh dấu bước tiến trong quá trình hoàn thiện bộ máy của Quốc hội, thể hiện tinh thần đổi mới trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động Quốc hội nói chung và công tác giám sát, dân nguyện nói riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội có đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn và đã được Quốc hội thông qua.
Có được thành công này trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đảng ủy Quốc hội, sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan chuyên môn và của các ĐBQH qua các thời kỳ, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, khóa XIV đã xây dựng Đề án, và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã trở thành hiện thực.
“Đây là một điều hết sức đáng mừng, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của ĐBQH, trong đó có các thành viên của Ủy ban trước khi chúng ta bước vào kỉ nguyên mới của dân tộc và thỏa nỗi lòng mong ước và kì vọng của Nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chụp ảnh lưu niệm cùng Ủy ban Dân nguyện và Giám sát
Nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế để bắt tay ngay vào công việc với tinh thần đổi mới
Nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban cần nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế để bắt tay ngay vào công việc với tinh thần đổi mới; có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí công tác cho các Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Thường trực Ủy ban và các công chức của Vụ Dân nguyện. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và công tác tổ chức cán bộ để xây dựng Đảng ủy Ủy ban trong sạch, vững mạnh và toàn diện.
Nhấn mạnh nghiên cứu kỹ lưỡng 8 nhiệm vụ, quyền hạn đã được UBTVQH thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với việc được nâng tầm lên thành Ủy ban của Quốc hội với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như các Ủy ban khác, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cần lưu ý trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới so với trước đây.
Đồng thời cần tập trung nghiên cứu kỹ những yêu cầu mới, trong đó tập trung vào 03 nhiệm vụ trọng tâm là thẩm tra - giám sát - kiến nghị cũng như các nhiệm vụ khác mà Quốc hội và UBTVQH giao.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của khối hành pháp, tư pháp và địa phương để triển khai các công việc có hiệu quả và được Nhân dân ngày càng tín nhiệm.
Về lâu dài, tiếp tục nghiên cứu các cơ sở lý luận, đường lối, cơ sở pháp lý và thực tiễn để tổng kết, bổ sung hoàn thiện mô hình này, cũng như chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tin tưởng, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân, làm cho Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thực hiện đúng các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các nhiệm vụ khác mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.