VASEP đánh giá, trong 7 năm qua kể từ khi ban hành, Nghị định 15/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 15) đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một mô hình cải cách hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm, hội nhập theo nguyên tắc quản lý rủi ro mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng triệu ngày công và hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Thực tiễn trong những năm triển khai Nghị định số 15 cho thấy ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao ngay cả trong đại dịch, đóng góp khoảng 15% vào GDP; 0,38 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm 2021; 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022 (Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của Nghị định 15/2018/NĐ-CP tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành thực phẩm, CIEM 2023).
Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15 đang phát sinh thêm những yêu cầu mới, theo VASEP nhận định những yêu cầu này chưa phù hợp và có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Kiến nghị giữ nguyên các yêu cầu thông tin thủ tục tự công bố sản phẩm
Theo VASEP, Dự thảo đang bổ sung nhiều yêu cầu và nhiều quy định vào cả 03 nhóm thủ tục hành chính về tự công bố sản phẩm; đăng ký bản công bố sản phẩm; đăng ký lại bản công bố; trong đó có nhiều quy định bất hợp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế, nguy cơ tạo ra nhiều điểm nghẽn mới cho sản xuất, kinh doanh, khiến rất nhiều sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là hàng thủy sản, rất khó để đáp ứng hoặc không thể thực hiện được.
Trong khi đó, nhiều yêu cầu bổ sung vào các thủ tục này của Dự thảo không liên quan gì đến an toàn thực phẩm (ATTP), cụ thể như sau:
Bảng so sánh tóm tắt các yêu cầu bổ sung vào 3 nhóm thủ tục hành chính về công bố/tự công bố của Dự thảo so với Nghị định 15

VASEP ước tính, với thủ tục tự công bố, thành phần hồ sơ và thời gian tăng lên gây chậm trễ kinh doanh tới ít nhất 3 tháng và mức thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Với thủ tục đăng ký bản công bố, thành phần hồ sơ tăng lên có thể gây tốn phí hàng trăm tỷ đồng/năm, số ngày công thực thi tăng thêm chưa thể xác định.
"Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đặc biệt quan ngại với việc bổ sung các yêu cầu và nội dung kể trên vào thủ tục/mẫu của thủ tục tự công bố kể trên, cũng hoàn toàn không rõ mục đích việc bổ sung những yêu cầu thông tin trên (một số không liên quan an toàn thực phẩm, giống như quản lý thuốc, dược phẩm) để giải quyết thực trạng phát sinh gây mất an toàn thực phẩm nào.
Chúng tôi kiến nghị giữ nguyên các yêu cầu thông tin liên quan thủ tục tự công bố sản phẩm giữ nguyên như đã được thiết kế hiệu quả, phù hợp tại Nghị định 15/2018", ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP cho biết.
Đề nghị bổ sung một số nội dung
Một số tồn tại và phát sinh trong các quy định về quản lý ATTP mà Nghị định 15 chưa đề cập tới vẫn chưa được đưa vào Dự thảo này, VASEP đề nghị Dự thảo bổ sung theo các nội dung quan trọng (nhưng còn thiếu) sau đây:
- Quy định thời gian cho phép cơ sở chưa đạt được khắc phục để được cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP chưa công bằng giữa các đối tượng.
- Chưa có quy định về ngưỡng MRPL (Giới hạn Hiệu năng Phân tích Tối thiểu), RPA (Ngưỡng Tham chiếu cho hoạt động) đối với các chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng dẫn đến việc chưa có quy định này dẫn đến việc một số sản phẩm không thể đưa được vào các kênh bán lẻ tại thị trường nội địa trong khi đủ điều kiện xuất khẩu ra các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ với lý do có sự hiện diện của dư lượng một số kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng mặc dù mức dư lượng của các hoạt chất này trong sản phẩm rất thấp đáp ứng EU).
- Chưa có quy định về giấy tờ thay thế giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh trong hồ sơ xin cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với các đối tượng không có giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh do không phải là mô hình doanh nghiệp.
- Chưa có quy định chuyển mục đích sử dụng cho sản phẩm nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, gia công xuất khẩu, sử dụng/sản xuất nội bộ nhưng dư thừa.
Trước những tồn tại trên, VASEP đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các góp ý, xóa bỏ các dự thảo quy định bất hợp lý, bổ sung các biện pháp quản lý phù hợp để không tạo ra điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo được an toàn thực phẩm cho nhân dân cũng như nâng cao hiệu quả quản lý.
Cũng theo VASEP, hiện nay, Chính phủ cũng đang tiến hành sửa Luật ATTP, dự định ban hành vào tháng 10/2025, sau đó sẽ có Nghị định hướng dẫn thi hành. Để tránh chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong công tác cải cách thể chế, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Luật ATTP trước, sau đó mới sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Đỗ Hương