Cụ thể, Nghị định số 09/2016/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (cơ sở) sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định này không áp dụng đối với cơ sở xuất khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng và cá nhân làm nghề sản xuất muối thủ công. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định này thành: "Nghị định này không áp dụng đối với thực phẩm xuất khẩu và cá nhân làm nghề sản xuất muối thủ công".
Trách nhiệm của các Bộ liên quan
Theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, một trong những trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là: Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi chất dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
Tổ chức việc cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với vi chất dinh dưỡng sản xuất trong nước và nhập khẩu, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu;
Xác nhận nội dung quảng cáo đối với vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng nhập khẩu; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định trên thành: "Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi chất dinh dưỡng; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên ngành".
Tương tự, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định trách nhiệm của Bộ Y tế từ "Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh vi chất dinh dưỡng;
Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm" thành quy định: "Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác trong các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm".
Đối với Bộ Công Thương, theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, một trong những trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là: Tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo đối với bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định trên thành: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất bột mỳ, dầu thực vật tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, một trong những trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ chức xác nhận nội dung quảng cáo đối với muối tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc phạm vi quản lý; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh muối tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định trên thành: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất muối tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi từ quy định "Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng được sản xuất trên địa bàn" thành quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm "tổ chức tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm đối với các vi chất bổ sung vào thực phẩm, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất các vi chất bổ sung vào thực phẩm, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo phân công, phân cấp".
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.