Ngày 02/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Thống nhất đổi tên dự án
Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những điểm mới sau:
Về tên gọi dự thảo Luật, Chính phủ đã thống nhất đổi tên dự án "Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" thành dự án "Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ". Tên dự án "Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và mục tiêu của dự án Luật là quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đổi tên một số chương, giảm 9 điều
Về bố cục của dự thảo Luật: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 62 điều. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 thì dự thảo Luật đã giảm 9 điều.
Đổi tên Chương III, Chương IV, Chương VI cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật (Chương III đổi tên "Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" thành "Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ"; Chương IV đổi tên "Tổ chức an toàn, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ" thành "Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ"; Chương VI đổi tên "Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ" thành "Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ").
Đưa nội dung quy định về đấu giá biển số ra khỏi dự thảo Luật vì ngày 15/11/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Sửa lại khái niệm về tai nạn giao thông trong đó mở rộng phạm vi xảy ra tai nạn giao thông ngoài xảy ra trên đường bộ còn mở rộng thêm "các địa bàn giao thông công cộng khác" để điều chỉnh và xử lý các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở các địa bàn đặc thù như khu đô thị, khu công nghiệp, khu vực cơ quan, xí nghiệp có đường nội khu và khu vực đất quốc phòng cho người dân sử dụng đường bộ trong nội khu.
Bổ sung nội dung cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Bổ sung nội dung cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vào khoản 3 Điều 60 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ) trong đó quy định: "3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ; trong quản lý vận tải đường bộ và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe".
Rà soát, chỉnh sửa các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ, như: Tại khoản 1 Điều 23 (Báo hiệu đường bộ) dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định “Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông” là một dạng báo hiệu đường bộ; khoản 1 Điều 10 (Chấp hành báo hiệu đường bộ) dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định “Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ”; sửa đổi nội dung quy định tại khoản 4, 5, 6 và bổ sung khoản 7, 8, 9, 10 Điều 10 (Chấp hành báo hiệu đường bộ) dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thống nhất với Điều 23 (Báo hiệu đường bộ) dự thảo Luật Đường bộ.
Trẻ em dưới 10 tuổi được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe
Tiếp tục nghiên cứu, nội luật hóa các quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ để bổ sung vào dự thảo Luật, gồm:
+ Tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 9 (Quy tắc chung): "4. Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường".
+ Bổ sung quy định về bảo vệ trẻ em tại khoản 3 Điều 9 (Quy tắc chung): "3. Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em".
+ Bổ sung quy định để giảm thiểu các tai nạn từ xe ngược chiều vào khoản 5 Điều 12 (Sử dụng làn đường): "5. Trên đường hai chiều không có giải phân cách cứng ở giữa có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại".
Bổ sung nội dung tích hợp dữ liệu các loại giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện vào tài khoản định danh điện tử
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định điều chỉnh "phụ nữ mang thai" tham gia giao thông vào điểm a khoản 3 Điều 22 (Qua phà, qua cầu phao), Điều 29 (Người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, phụ nữ mang thai, trẻ em tham gia giao thông) dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bổ sung quy định không sử dụng các loại còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ trong khu vực đô thị, khu vực tập trung dân cư, khu vực gần bệnh viện, trường học vào khoản 2 Điều 20 (sử dụng tín hiệu còi) dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bổ sung quy định cấm sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng vào khoản 2 Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm).
Bổ sung nội dung tích hợp dữ liệu các loại giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện vào tài khoản định danh điện tử vào điểm a khoản 5 Điều 54 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định: “Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử”.
Những điểm mới nêu trên sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tham gia giao thông và thực hiện các thủ tục hành chính.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện đang được lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.