CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển

08:43 - 27/10/2022

(Chinhphu.vn) - Theo Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải;..

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển - Ảnh 1.

Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải;..

Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển

Về định hướng phát triển không gian biển Nghị quyết nêu rõ, phạm vi không gian biển bao gồm vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Vùng biển được phân thành các vùng chức năng về bảo vệ, bảo tồn, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và quản lý sử dụng theo các vùng cấm khai thác, khai thác có điều kiện, khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển và vùng cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Vùng cấm khai thác bao gồm: Khu vực dành riêng cho hoạt động quốc phòng, an ninh, cấm các hoạt động dân sự; và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển.

Vùng khai thác có điều kiện bao gồm: Khu vực dành cho hoạt động quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế và khu vực hoạt động kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh; phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm của khu bảo tồn biển.

Khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái bao gồm: Khu vực quan trọng đối với mục đích quốc phòng, an ninh cần bảo vệ đặc biệt; phân khu phục hồi hệ sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm của khu bảo tồn; các vùng thuộc khu vực khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển nhưng có nhạy cảm về môi trường, dễ bị tổn thương do tác động của con người, thiên tai, biến đổi khí hậu; khu vực có các loài sinh vật, các sinh cảnh như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn có nguy cơ bị phá hủy, suy thoái và các hệ sinh thái có giá trị cao, quan trọng khác.

Khu vực khuyến khích phát triển là vùng biển còn lại không bao gồm vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái.

Định hướng theo các vùng biển và ven biển

Phát triển các vùng biển và ven biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái. Phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, khu đô thị ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm cơ sở phát triển các hoạt động kinh tế biển.

Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): 

Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Phát triển một số ngành công nghiệp biển có lợi thế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận): 

Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): 

Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao.

Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): 

Tập trung xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển

Về định hướng đối với các đảo, quần đảo, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên một số đảo. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho các đảo có cư dân sinh sống đối với một số đảo trọng điểm. 

Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm hậu cần nghề cá, cảng cá, cảng biển, nơi tránh trú bão, tìm kiếm cứu nạn; phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền; trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Tiếp tục đấu tranh, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển - Ảnh 2.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác.

Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai 

Về định hướng sử dụng đất quốc gia, bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới. 

Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế… của nhân dân. Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp

Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn. 

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.

Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.

Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế. Tiếp tục mở rộng đất đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2030: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển - Ảnh 3.

Mở mới các đường bay nội địa liên vùng, tăng cường kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm của đất nước.

Mở mới các đường bay nội địa liên vùng

Định hướng khai thác các vùng thông báo bay không thay đổi so với hiện nay, gồm vùng thông báo bay Hà Nội và vùng thông báo bay Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức, quản lý vùng trời của các cảng hàng không, sân bay dự kiến mở rộng, xây dựng mới trong thời kỳ quy hoạch. Khai thác hiệu quả, tối ưu hóa tổ chức vùng trời và phương thức bay các cảng hàng không, sân bay đang hoạt động.

Mở mới các đường bay nội địa liên vùng, tăng cường kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm của đất nước. Tăng tần suất và điểm khai thác, mở rộng kết nối của Việt Nam trong mạng đường bay khu vực và quốc tế. Tăng cường khai thác các đường bay quốc tế chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.