Hội đồng quân nhân là tổ chức đại diện cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, được thành lập ở cơ quan, đơn vị, do đại hội quân nhân bầu ra để thực hiện phát huy dân chủ về quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân
Hội đồng quân nhân tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, được đại hội quân nhân bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín; nội dung, chương trình hoạt động, quyết định của Hội đồng quân nhân được dân chủ thảo luận và biểu quyết theo đa số. Hội đồng quân nhân phân công các ủy viên đảm nhiệm từng mặt công tác.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chi bộ cùng cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy, chỉ huy cấp trên và cơ quan chính trị các cấp.
Đối với cơ quan, đơn vị mới thành lập hoặc lâm thời thành lập thời gian trên 12 tháng thì cấp uỷ, chi bộ chỉ định Hội đồng quân nhân để tổ chức hoạt động; trong thời hạn 3 tháng phải tiến hành đại hội quân nhân để bầu Hội đồng quân nhân mới. Những đơn vị có thời gian hoạt động dưới 12 tháng thì cấp ủy, chi bộ chỉ định lâm thời Hội đồng quân nhân và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tổ chức Hội đồng quân nhân
1. Hội đồng quân nhân được thành lập ở các cơ quan, đơn vị:
a) Đại đội; tiểu đoàn bộ; đồn biên phòng; đội cảnh sát biển; hải đội biên phòng; tiểu khu biên phòng; đội, trạm cảnh sát biển; tiểu đoàn tên lửa phòng không; phi đội không quân; khối cơ quan lữ đoàn, trung đoàn, đoàn cảnh sát biển, ban chỉ huy quân sự cấp huyện và đơn vị tương đương;
b) Cấp phòng của cơ quan sư đoàn, bộ tư lệnh vùng (Hải quân và Cảnh sát biển), bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng cấp tỉnh, thành phố và đơn vị tương đương; khối cơ quan sư đoàn khung thường trực; trung đoàn khung thường trực và đơn vị tương đương;
c) Cơ quan cấp cục và tương đương;
d) Lớp học, đại đội học viên, khoa, ban, phòng và tương đương của học viện, nhà trường, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện;
đ) Các tổng kho, kho, trạm, xưởng, khối cơ quan doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng;
e) Cơ quan, đơn vị còn lại, căn cứ vào tổ chức biên chế, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của từng đơn vị để thành lập Hội đồng quân nhân (có thể thành lập ghép) cho phù hợp theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này.
2. Cơ quan, đơn vị có quân số dưới 10 người không thành lập Hội đồng quân nhân.
Thành phần, tiêu chuẩn, số lượng ủy viên Hội đồng quân nhân
1. Thành phần Hội đồng quân nhân:
Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn đều có thể tham gia ứng cử ủy viên Hội đồng quân nhân.
2. Tiêu chuẩn ủy viên Hội đồng quân nhân:
a) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và tính chiến đấu cao, có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công, tác phong sâu sát, được quân nhân tín nhiệm;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quân nhân phải nắm chắc các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của Hội đồng quân nhân và có năng lực tổ chức thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
3. Số lượng ủy viên Hội đồng quân nhân:
a) Cơ quan, đơn vị có quân số đến 60 người, bầu từ 03 đến 05 ủy viên; trên 60 người, bầu không quá 09 ủy viên;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quân nhân do đại hội quân nhân bầu trong số ủy viên bằng hình thức bỏ phiếu kín. Không cơ cấu Chủ tịch Hội đồng quân nhân là cấp trưởng hoặc bí thư cấp ủy.
4. Bổ sung và miễn nhiệm ủy viên Hội đồng quân nhân:
a) Việc bổ sung ủy viên Hội đồng quân nhân do Hội đồng quân nhân đề nghị, cấp ủy, chi bộ quyết định; trường hợp đặc biệt do cấp ủy, chi bộ chỉ định;
b) Nếu ủy viên Hội đồng quân nhân vi phạm pháp luật; vi phạm kỷ luật Quân đội phải xử lý, uy tín thấp thì Hội đồng quân nhân đề nghị cấp ủy miễn nhiệm và đề xuất nhân sự thay thế hoặc tổ chức hội nghị tập thể quân nhân bầu bổ sung.
Thông tư 122/2024/TT-BQP có hiệu lực từ 15/2/2025.