Quy định mới về tổ chức, hoạt động của hội quần chúng ở Trung ương

05/09/2023 08:44

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Quy chế).

Quy chế gồm 04 Chương, 13 Điều quy định tổ chức và hoạt động đối với hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (sau đây gọi tắt là hội) theo Phụ lục I.

Về tổ chức của hội, Quy chế quy định các cơ quan lãnh đạo của hội gồm:

1. Đại hội toàn quốc;

2. Ban chấp hành, ban thường vụ;

3. Thường trực hội (gồm chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hằng ngày của hội.

Về số lượng phó chủ tịch: Hội có Đảng đoàn được bố trí không quá 3 phó chủ tịch chuyên trách; hội không có Đảng đoàn được bố trí không quá 2 phó chủ tịch chuyên trách. 

Theo yêu cầu hoạt động, có thể bố trí một số phó chủ tịch không chuyên trách, số lượng do hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về tiêu chuẩn, điều kiện: Chủ tịch, phó chủ tịch hội phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực lãnh đạo, quản lý; có uy tín và kinh nghiệm công tác; đối với các hội chuyên ngành cần có chuyên môn phù hợp. Đối với lãnh đạo hội là người đã nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc phải có đủ sức khoẻ, uy tín cao, được ban thường vụ, ban chấp hành đồng thuận, nhất trí giới thiệu.

Về độ tuổi: Chủ tịch, phó chủ tịch hội là người đã nghỉ hưu thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Đối với chủ tịch hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về nhiệm kỳ: Chủ tịch, phó chủ tịch hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp; trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về hoạt động của hội, Quy chế quy định rõ:

Quyền của hội: Được cung cấp thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Được tham gia ý kiến trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của hội. 

Được giao thực hiện một số hoạt động chuyên môn, dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định. Tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, đề tài, dự án theo đề nghị của cơ quan nhà nước. 

Chủ trì hoặc tham gia đề tài, đề án liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao. Được tổ chức một số hoạt động kinh tế; tiếp nhận nguồn lực hợp pháp trong nước và ngoài nước gắn với tôn chỉ, mục đích hoạt động, chức năng, nhiệm vụ được giao; quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân và một số cơ chế hợp tác theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của hội: Phổ biến, tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, quyết định liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước; thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, tăng cường đồng thuận xã hội.

Tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của hội; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc hội; quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao, các loại quỹ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội; chấp hành hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng.

Phát triển, tập hợp, đoàn kết hội viên trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đại diện, bảo vệ, phản ảnh, kiến nghị, phối hợp giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp nhân dân.

Định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các ban đảng được phân công theo dõi, chỉ đạo, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu hội là tổ chức thành viên), Bộ Nội vụ và bộ quản lý nhà nước đối với hội.

Xin ý kiến ban đảng được phân công theo dõi, chỉ đạo hội về chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm và đại hội nhiệm kỳ; mời đại diện ban đảng, các cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo hội dự họp đảng đoàn (đối với hội có Đảng đoàn), dự họp ban thường vụ (đối với hội không có Đảng đoàn).

Việc thay đổi trụ sở, mở văn phòng đại diện, thành lập pháp nhân trực thuộc hội phải bảo đảm đúng quy định pháp luật và thông báo bằng văn bản tới ban đảng được phân công theo dõi, chỉ đạo hội và bộ quản lý nhà nước có liên quan.

Chức năng, nhiệm vụ của hội: Là tổ chức tự nguyện, tự quản, có chức năng, nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, đoàn kết, tập hợp quần chúng theo lĩnh vực, nghề nghiệp; đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, các tầng lớp nhân dân; xây dựng và phát triển tổ chức, phát triển hội viên; là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chế độ làm việc của hội: Hội làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số theo điều lệ hội. Các đơn vị tham mưu, giúp việc làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Quy chế cũng quy định rõ: Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hội và quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội. Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý nhà nước; quyết định biên chế, kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách của hội gắn với nhiệm vụ được giao. Ban Cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với hội; thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và pháp nhân trực thuộc hội, xử lý nghiêm vi phạm. Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, hướng dẫn công tác nhân sự đối với hội. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng Trung ương và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế, định kỳ báo cáo Ban Bí thư..../.

Quy định mới về tổ chức và hoạt động của hội quần chúng ở Trung ương - Ảnh 1.

 

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Định hướng sắp xếp cơ sở y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Công văn số 03/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã định hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế, giáo dục).

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tướng: Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy mô dân số và diện tích; không cho phép cấp xã thành lập Trung tâm hành chính công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi