Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (SN 1963, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cựu Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm) 36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Lương Văn Thành (SN 1957, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm) bị phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lý Duy Khoa (SN 1989, cựu cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm) bị tuyên phạt 4 năm tù; bị cáo Nguyễn Bá Hoán (SN 1973, cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Phan Thế Long (SN 1976, cán bộ địa chính thị trấn Trâu Quỳ) bị tuyên phạt 4 năm tù.
Bị cáo Hoàng Văn Thành (SN 1965, trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) bị tuyên phạt 26 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Quang Hải (SN 1954, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Báo Công an nhân dân thông tin, theo bản án sơ thẩm, năm 2011, Hoàng Văn Thành và bà Ngô Thị Thanh Thủy (đã mất năm 2021) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233 m2 ở tổ dân phố Cửu Việt (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm).
Đến năm 2015, 2016, Thành và bà Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền sử dụng các thửa đất trên và xin tách thành 29 thửa đất nông nghiệp. Sau đó, Thành bán cho Nguyễn Quang Hải 2 thửa đất trên tổng số 29 thửa đất.
Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và xin miễn giảm tiền sử dụng đất từ 70% đến 90%, Thành và Hải bàn nhau thuê các thương binh đứng tên các thửa đất trên.
Sau đó, hai bị cáo Thành và Hải đã thuê 26 người đứng tên 26 thửa đất. Tiếp đó, những người được thuê đã ký hợp đồng ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải làm thủ tục chuyển đổi đất. Tuy nhiên do vướng quy hoạch nên có 3 thửa đất không thể chuyển đổi mục đích sang đất ở đô thị.
Mặc dù biết 26 thửa đất này không phải là của những người có công với cách mạng mà là của Thành mua từ các hộ dân, nhưng bị cáo Phan Thế Long và bị cáo Nguyễn Bá Hoán vẫn thụ lý và thẩm định các hồ sơ.
Cụ thể, Long đã soạn thảo để Hoán ký hai tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 26 hộ dân được chuyển đổi từ đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở đô thị.
Bị cáo Lương Văn Thành cũng biết các thửa đất trên của bị cáo Hoàng Văn Thành, nhưng vẫn giao hồ sơ và chỉ đạo cấp dưới là bị cáo Lý Duy thụ lý và giải quyết hồ sơ.
Theo chỉ đạo của cấp trên, bị cáo Khoa đã hoàn thiện 26 hồ sơ để bị cáo Lương Văn Thành ký tờ trình đề nghị cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất gửi UBND huyện Gia Lâm.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã tin tưởng cấp dưới tham mưu, đề xuất mà không kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ về tiêu chuẩn, điều kiện miễn giảm nhưng vẫn ký 26 quyết định cho phép chuyển đổi đất và miễn giảm tiền đất trái quy định của pháp luật.
Đối với những người có công với cách mạng được mượn tư cách đứng tên trong giấy xác nhận người có công với cách mạng trong hồ sơ chuyển đổi đất, cơ quan điều tra xác định, họ bị lợi dụng và bản thân không nhận thức được việc đứng tên trên giấy xác nhận là hành vi phạm tội nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý trong vụ án.
Quá trình xét xử vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo. Một số bị cáo cũng chủ động nộp tiền để khắc phục hậu quả để làm căn cứ khi tòa lượng hình.