In bài viết

Tập trung nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại; chế tạo vũ khí chiến lược

05:25 - 06/02/2023

(Chinhphu.vn) - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại. Năm 2023 chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí chiến lược; hoàn thiện thủ tục để tiến hành chế tạo các loại xe quân sự, thực hiện có hiệu quả những chương trình khoa học công nghệ về nghiên cứu, thiết kế các tổ hợp vũ khí cơ động, hệ thống vũ khí chính xác thế hệ mới...

Tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí chiến lược - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại. Năm 2023 chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí chiến lược; hoàn thiện thủ tục để tiến hành chế tạo các loại xe quân sự,... Ảnh QĐND

Thiết kế, chế tạo, sản xuất nhiều chủng loại vũ khí, đóng mới nhiều gam tàu quân sự

Theo đánh giá của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, năm 2022, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng có nhiều tiến bộ mới. Trên báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã trao đổi xoay quanh nội dung này.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, ngành công nghiệp quốc phòng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Nổi bật là đã tham mưu với Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện, thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại.

Đồng thời hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; giúp Bộ Quốc phòng ban hành các thông tư, quy chế quản lý nghiên cứu thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Ngành công nghiệp quốc phòng có những đột phá trong nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền; thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm vũ khí, trang bị, đóng mới nhiều gam tàu quân sự, một số trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng thực thi pháp luật và nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường sụt giảm, công tác xuất-nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, các đơn vị công nghiệp quốc phòng đã tích cực xúc tiến hợp tác với các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Doanh thu toàn ngành công nghiệp quốc phòng năm 2022 đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, trong đó 59% là doanh thu kinh tế.

Thành tích đáng tự hào nữa là chúng ta thành công trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 thu hút 30 quốc gia, 174 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng tham gia, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Quân đội, công nghiệp quốc phòng Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác công nghiệp quốc phòng với các nước. 

Triển khai nhiều giải pháp đột phá phát triển công nghiệp quốc phòng

Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên về công nghiệp quốc phòng, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đột phá. 

Trước hết, xác định con người là nhân tố quan trọng nhất, chúng tôi quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, nhất là cán bộ nghiên cứu thiết kế; hình thành các tổ, nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, trọng điểm.

Thực hiện gắn nghiên cứu với sản xuất, bảo đảm các viện nghiên cứu thực sự là chỗ dựa khoa học-công nghệ cho các nhà máy. Năm vừa qua đã nghiên cứu, đề xuất các biện pháp duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng do công nghiệp quốc phòng sản xuất, sửa chữa bảo đảm tính ổn định; triển khai một số đề án nghiên cứu phục vụ sản xuất sản phẩm vũ khí mới và hỗ trợ công tác bảo đảm kỹ thuật.

Trong phát triển kinh tế, Tổng cục đề ra các chủ trương, biện pháp mới, triển khai quyết liệt, làm thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế trong các cơ quan, đơn vị. Tổ chức trao đổi, kết nối với các tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả; một số doanh nghiệp công tác quốc phòng đã trở thành đối tác, nhà cung cấp cho các tập đoàn kinh tế lớn.

Tích cực, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng như trong quản lý chất lượng sản phẩm; thực hiện tốt chuyển đổi số.

Tổng cục chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để hợp tác, cùng phát triển.

Tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí chiến lược - Ảnh 2.

Sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022 thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh QĐND

Chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm...

Chia sẻ về những khó khăn, thách thức và biện pháp khắc phục của ngành công nghiệp quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, tuy nền công nghiệp quốc phòng nước ta đã có bước phát triển toàn diện, song vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Sự thiếu đồng bộ của thể chế, chính sách; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng còn khó khăn; các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh, xuất khẩu chưa nhiều; việc làm chủ công nghệ nền, vật liệu đặc chủng còn hạn chế...

Để tháo gỡ, ngành công nghiệp quốc phòng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. 

Đầu tiên là tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, triển khai các dự án đầu tư tiềm lực, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... 

Quyết liệt điều chỉnh tổ chức, cơ cấu lại doanh nghiệp bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả; các doanh nghiệp rà soát, tinh giản biên chế, bố trí công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, Tổng cục tích cực tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng.

Tập trung nghiên cứu xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư tiềm lực công nghiệp quốc phòng trung hạn và dài hạn để phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng. 

Tham mưu, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế phối hợp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm...

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng đang từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành kỹ thuật mới, công nghệ cao gia tăng.

Để có kết quả đó, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn xác định việc thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển cả trước mắt và lâu dài. 

Công tác tuyển dụng, tuyển chọn vào đội ngũ cán bộ thực hiện theo quan điểm "việc tìm người", gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức khối cơ quan Tổng cục và thực hiện đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội; tăng cường bổ sung cán bộ cho những ngành kỹ thuật đặc thù công nghiệp quốc phòng.

Ưu tiên tuyển người được đào tạo bài bản, có trình độ khoa học công nghệ và ngoại ngữ, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết kế chế tạo, sửa chữa các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tổng cục cũng nghiên cứu, áp dụng các chế độ, chính sách phù hợp để thu hút và gìn giữ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, như quan tâm bảo đảm tốt môi trường làm việc, tạo điều kiện phát triển, đãi ngộ thu nhập, nhà ở... 

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn mới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đang tiếp tục đề xuất Bộ Quốc phòng xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực phấn đấu.

Tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại

Chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tập trung triển khai trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội, ngành công nghiệp quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; nỗ lực triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác, nhất là một số nhiệm vụ sau:

Một là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng và xây dựng các thể chế theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được xác định theo chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. 

Tiến hành xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng luật; đề xuất ban hành các cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng.

Hai là, xây dựng kế hoạch và thống nhất quyết tâm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; trọng tâm là sáp nhập các doanh nghiệp khối đóng và sửa chữa tàu quân sự để rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện chặt chẽ, kiên quyết, có lộ trình thích hợp, bảo đảm hiệu quả, ổn định và phát triển.

Ba là, tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại. Năm 2023 chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí chiến lược; hoàn thiện thủ tục để tiến hành chế tạo các loại xe quân sự, thực hiện có hiệu quả những chương trình khoa học công nghệ về nghiên cứu, thiết kế các tổ hợp vũ khí cơ động, hệ thống vũ khí chính xác thế hệ mới... Đề xuất mở mới các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Bốn là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế mạnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu triển khai một số mục tiêu sản phẩm theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị./.