Tại tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào 14h chiều ngày 4/8, người dẫn chương trình nêu vấn đề: Trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay, có "một căn bệnh mãn tính" đó là sự phân phối không công bằng.
Theo đó, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.
Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không giải quyết được điểm nghẽn trên, thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ rất khó chấm dứt.
Chia sẻ quan điểm về các chi phí trung gian, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết: Kinh nghiệm từ các nước, ví dụ như Hàn Quốc, họ xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ.
"Hiện nay, theo lộ trình cung ứng, một viên thuốc, một con lợn, một con cá,… đi từ người sản xuất đến bán buôn, bán lẻ, hay lò mổ, siêu thị mới đến người tiêu dùng.
Có tình trạng một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất.
Tất cả cái đó cho vào giá chứ đâu nữa. Cho nên quản lý chuỗi cung ứng vừa là vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài".
Cho rằng "cần phải có một chương trình nghị sự về vấn đề này", chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm: Thậm chí ở các nước họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn.
Ví dụ một cân đường ở Thái Lan là 70% lợi nhuận cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. "Nhưng mà mình thì hình như ngược lại."
Hay là ở các nước, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ. Ông Vũ Vinh Phú cho biết, "tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%. Trong đó có những yếu tố loại trừ như VAT không kể. Nhưng yếu tố chủ quan của siêu thị đẩy giá lên là có. Những chi phí tạo mã 10% là bình thường đối với các siêu thị".
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: "Phải xem lại vấn đề này. Toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại. Chúng ta tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời hai bên đều thắng".
"Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi vì nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm mà ăn, mà xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững", ông Phú nêu quan điểm.