Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Điện Biên về Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng quy định và đúng tiến độ các công việc được giao; bảo đảm bộ máy của xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Trong đó, việc xây dựng phương án nhân sự cấp xã được thực hiện khẩn trương nhưng thận trọng, bảo đảm phù hợp các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên đã chủ trì tham mưu xây dựng Quy định tạm thời tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã (kèm theo danh mục chức danh, chức vụ để bố trí cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã).
Dự thảo quy định đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy xin ý kiến tham gia, góp ý của các đồng chí Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đến nay đang hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong tháng 5/2025.
Quy định tạm thời này sẽ là căn cứ để tỉnh sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã mới, đảm bảo cấp xã mới đi vào hoạt động ngay khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Hiện nay Trung ương chưa có quy định cụ thể định mức biên chế cấp xã. Theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, định mức biên chế dự kiến chuyên trách công tác Đảng (bao gồm biên chế chuyên trách cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy) của đảng ủy xã, phường dự kiến khoảng 15 - 17 biên chế.
Ở các xã, phường nơi có trụ sở trung tâm chính trị huyện, thành phố hiện nay khoảng 20 biên chế.
Dự kiến bố trí biên chế, dưới 400 đảng viên, bố trí 15 biên chế; từ 500 đến dưới 800 đảng viên, bố trí 16 biên chế; trên 800 đảng viên, bố trí tối đa 17 biên chế.
Đối với biên chế cơ quan khối chính quyền, theo định hướng của Chính phủ, bình quân mỗi xã có 32 biên chế (gồm cả biên chế của lãnh đạo HĐND, các ban của HĐND, lãnh đạo UBND).
Như vậy, đối với tỉnh Điện Biên tổng số biên chế bố trí cho khối chính quyền cấp xã (dự kiến có 45 xã, phường) là 1.440 biên chế.
Tiêu chí bố trí biên chế, cụ thể: Xã, phường sau sắp xếp có diện tích hoặc dân số hoặc cả hai tiêu chí đạt dưới 200% so với tiêu chuẩn thì bố trí 28 biên chế.
Ngoài ra, tùy theo quy mô, đặc thù của từng xã, phường để tính biên chế tăng thêm, cách tính biên chế tăng thêm (được làm tròn) cụ thể: Xã, phường sau sắp xếp có diện tích hoặc dân số cứ tăng thêm 50% thì được tính tăng 1 biên chế cho mỗi tiêu chí tăng thêm.
Đối với các xã biên giới được bố trí tăng thêm một biên chế; xã hình thành trên cơ sở sáp nhập ba xã, thị trấn thì được bố trí tăng thêm một biên chế; xã phức tạp về an ninh trật tự được bố trí tăng thêm một biên chế; phường sau sắp xếp được bố trí tăng thêm ba biên chế.
Tổng số biên chế xã sau khi tăng thêm không quá 36 biên chế và phường không quá 39 biên chế và đảm bảo tổng biên chế khối chính quyền cấp xã thuộc tỉnh không vượt quá 1.440 biên chế (đây là số biên chế khi ổn định sau 5 năm).
Để đảm bảo các đảng ủy xã, phường đi vào hoạt động được ngay sau khi thành lập, trước mắt chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã.
Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.
Đồng thời có kế hoạch, lộ trình, phương án sắp xếp, bố trí, đào tạo đối với cán bộ, công chức xã, phường hiện có, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện để làm việc tại các cơ quan đảng của cấp ủy xã, phường mới.
Sau khi các xã, phường đi vào hoạt động, tỉnh sẽ căn cứ vào quy mô, điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù của từng xã, phường để giao biên chế hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, tỉnh Điện Biên cũng quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nói chung và tổ chức đơn vị hành chính hai cấp nói riêng.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 để giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu ảnh hưởng của việc tổ chức đơn vị hành chính hai cấp, việc giải quyết chế độ được thực hiện khi có quyết định kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện (từ ngày 1/7/2025).