Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kiểm toán độc lập.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập theo hướng Quy định thời hiệu xử phạt và mức phạt phù hợp, đảm bảo tính hiệu lực, tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm; quy định về hình thức, mức độ xử phạt tương ứng với bản chất của hành vi vi phạm.
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 59 của Luật này thì bị xử lý theo các hình thức sau:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền: Tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân;
c) Ngoài hình thức xử lý quy định tại điểm a và điểm b của khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ hành nghề kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.
2. Cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn bị đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn chính sách này vì: Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 41) đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, trong đó bao gồm cả các hành vi vi phạm hành chính và hành vi thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 41 đã có nhiều bất cập không thực hiện được; nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế; mức xử phạt chưa đủ tính răn đe (Mức xử phạt thấp (đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức)); thời hiệu xử phạt không phù hợp (01 năm đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập) nên hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều đã hết thời hiệu xử phạt, không xử phạt được.
Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.
Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập tại dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán).
Vì vậy, dự thảo sửa đổi và bổ sung các quy định về: thời hiệu xử phạt từ 1 năm lên 10 năm; quy định về mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng (đối với tổ chức) và từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân); bổ sung thêm một số hình thức xử phạt cho phù hợp với thực tế hiện nay và các quy định liên quan.
Theo đó, sửa đổi quy định đối với các trường hợp kiểm toán viên không được hành nghề kiểm toán. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề kiểm toán.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến số lượng kiểm toán viên hành nghề tại chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và việc duy trì số lượng kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo bổ sung nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn là đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2023 và đảm bảo các doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế,… cũng phải được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính.
Về việc quy định Chính phủ sẽ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn, thủ tục xem xét, chấp thuận và các trường hợp đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc sửa đổi quy định từ việc giao cho Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn đơn vị được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng thành Chính phủ quy định để đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện nay đối với các tiêu chuẩn điều kiện sẽ do cấp Chính phủ quy định.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung đối tượng là "chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán" cũng được Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn điều kiện để được xem xét, chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng (dự kiến Nghị định sẽ bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán đăng ký kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng mà có chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán thì chi nhánh cũng phải đảm bảo duy trì tối thiểu có 5 kiểm toán viên hành nghề tại 1 chi nhánh để đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán và nguồn lực cần thiết để thực hiện dịch vụ).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý TẠI ĐÂY.