Theo đại diện VKS, từ năm 2018, bị cáo Trương Mỹ Lan đã họp với lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB, chứng khoán Tân Việt để phát hành trái phiếu của 4 công ty. Bằng các thủ đoạn giai dối, bà Lan và đồng phạm đã bán trái phiếu cho gần 35.824 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng và sử dụng trái mục đích phát hành.
Đại diện VKS xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều sai phạm. Quá trình xét hỏi, bị cáo Lan cho rằng mình không có đề ra chủ trương phát hành trái phiếu, nhưng VKS xác định lời khai này không có căn cứ.
Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang, mất niềm tin của người dân trong và ngoài nước. Hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018-2020, bị cáo Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc thuộc Ngân hàng SCB – đã chết). Cùng với Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch (Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt - đã chết) và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về hơn 30.000 tỷ đồng đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn VTP tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty/cá nhân trong Tập đoàn VTP vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống.
Đối với tội rửa tiền, từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài; thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỷ USD tương đương 106.730 tỷ đồng.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại trong vụ án. Đồng thời, tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan tới bà Lan để khắc phục hậu quả.